ĐBQH: Cần chế tài mạnh hơn với hành vi lan truyền thông tin xấu độc
Đại biểu Quốc hội cho rằng, cần có chế tài mạnh hơn nữa mới đủ sức răn đe với hình thức lan truyền thông tin sai lệch trên mạng xã hội.
Ngày 12/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về lĩnh vực lĩnh vực thông tin và truyền thông với Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng. Các đại biểu đã có trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống bên hành lang Quốc hội về phiên chất vấn này.
Chế tài mạnh mới đủ sức răn đe
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng) cho hay, Thông tin và Truyền thông là lĩnh vực khá rộng, liên quan đến phát triển kinh tế số. Ở góc độ này, vai trò quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông rất quan trọng, nhất là phát triển hạ tầng viễn thông, hạ tầng số, nhân lực viễn thông... để đáp ứng phát triển kinh tế số.
Trong trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh rất quan tâm tới vai trò quản lý của Bộ trong việc ngăn chặn thông tin xấu độc tràn lan trên mạng xã hội.
“Với trách nhiệm quản lý, tôi mong Bộ trưởng nhận diện được vấn đề, xem nguyên nhân nào khiến thông tin xấu độc, quảng cáo sai sự thật tiếp cận đến người dân dễ dàng như vậy? Đồng thời, Bộ trưởng cần có giải pháp xử lý để đảm bảo cuộc sống an toàn cho người dân”, đại biểu nêu ý kiến.
Cùng quan điểm, đại biểu Lý Anh Thư (đoàn Kiên Giang) nhìn nhận, thông tin trên mạng xã hội có hai mặt. Mặt tích cực là thêm thông tin cho người dân, nhưng đi kèm với đó là những thông tin xấu độc, sai sự thật. Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhận trách nhiệm về Bộ một phần, còn lại là trách nhiệm của xã hội, cả hệ thống chính trị.
“Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa giải pháp cụ thể. Mặc dù đã có biện pháp xử lý, nhưng cần có chế tài mạnh hơn nữa, có những hướng xử lý khác nhau mới đủ sức răn đe với hình thức lan truyền thông tin sai lệch trên mạng xã hội. Cùng với đó, công tác tuyên truyền rất quan trọng, phải tìm cách để người dân hiểu rõ vấn đề, tin tưởng và thực hiện”, đại biểu cho hay.
Tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) đánh giá, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ TT&TT, các đại biểu đã chất vấn nhiều vấn đề cử tri bức xúc, trong đó có vấn đề thông tin xấu độc, lừa đảo lan tràn trên môi trường mạng. Đại biểu đánh giá cao nỗ lực của Bộ TT&TT, bởi để giải quyết cần phải có hành động cụ thể.
Theo đại biểu, trước mắt, ta cần nâng cao hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng viễn thông để mọi người đều có thể tiếp cận được với thông tin trong nước cũng như thế giới. Từ đó, có cơ hội quảng bá, tuyên truyền chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước với người dân. Nhưng ngược lại, cũng cần phải có những giải pháp để ngăn chặn thông tin xấu độc trên môi trường mạng.
“Tôi cho rằng, phần trả lời của Bộ trưởng đã đáp ứng được yêu cầu của cử tri. Tuy nhiên, tôi cũng mong muốn, thời gian tới, ta có giải pháp căn cơ hơn trong việc tiếp cận thông tin chính thống, tránh thông tin xấu độc trên mạng như hiện nay. Và cần có giải pháp mạnh tay đối với những hành vi đưa những hành vi xấu độc lên thông tin mạng”, ông Ngân nói.
Đại biểu Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) đánh giá, phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã bám vào quy định hiện hành. Đồng thời, Bộ chủ quản đưa giải pháp tất cả các câu hỏi các đại biểu nêu. Tuy nhiên, để xử lý được triệt để cần phải có hai phía.
“Chẳng hạn, với vấn đề ngăn chặn thông tin xấu độc. Bộ chủ quản cần có thời gian để tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân. Đồng thời, người dân cũng phải tự trang bị cho mình những hiểu biết, kiến thức nhất định để phòng chống tin xấu độc, những thông tin tiêu cực”, ông Cừ nói.
Theo ông Cừ, trong phần trả lời chất vấn, Bộ trưởng đã đưa ra các giải pháp cơ bản kịp thời. Nhưng thực tiễn luôn luôn nảy sinh những vấn đề trái với quy định cần phải tiếp tục giải quyết triệt để, sâu sắc hơn.
Đồng quan điểm, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cũng cho rằng, lĩnh vực Thông tin và truyền thông khá rộng, liên quan nhiều đến đời sống dân sinh, tác động đến đời sống xã hội. Phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khá tự tin, điềm tĩnh, chắc chắn, ý kiến ngắn gọn, làm rõ căn cơ của vấn đề. Những giải pháp Bộ trưởng đưa ra khá rõ, đầy đủ. Tuy nhiên, những vấn đề các đại biểu đặt ra liên quan lĩnh vực Thông tin và Truyền thông có nhiều nội dung không phải chỉ riêng Bộ Thông tin và Truyền thông làm được, cần có sự vào cuộc của các ngành liên quan.
Đặc biệt, cần có thời gian để thay đổi nhận thức, chuyển biến ngay từ chính những người sử dụng dịch vụ, chịu tác động của hệ thống thông tin trên mạng xã hội hiện nay. “Cả người dân, nhà quản lý phải vào cuộc giải quyết tận gốc những vấn đề bức xúc đang đặt ra trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ như hiện nay”, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Mời quý độc giả xem video đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) trao đổi bên hành lang Quốc hội sáng 11/11 về thị trường vàng. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.