ĐBQH CHAMALEÁ THỊ THỦY: HẠN CHẾ BAN HÀNH NHIỀU VĂN BẢN DƯỚI LUẬT KHI THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH CHO NGƯỜI THAM GIA CHỮA CHÁY, CỨU NẠN, CỨU HỘ

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, đại biểu Chamaleá Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận nêu quan điểm: Chính sách cho người tham gia chữa cháy cứu nạn, cứu hộ cần được quy định luôn trong Luật, hoặc dẫn chiếu thực hiện theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015. Bên cạnh đó là hạn chế việc ban hành quá nhiều văn bản dưới luật vừa tốn kém về ngân sách và thời gian...

Tiếp tục Kỳ họp thứ 7, chiều 19/6, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc thảo luận tại Hội trường về dự án Luật này dự kiến diễn ra vào ngày 27/6 tới.

Dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ gồm 09 chương, 65 điều. Việc ban hành Luật này nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, quản lý về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Đồng thời bổ sung quy định về hoạt động CNCH đối với những sự cố, tại nạn xảy ra trong đời sống hằng ngày có tác động trực tiếp, làm hạn chế quyền con người, quyền công dân và theo quy định của Hiến pháp năm 2013 phải được quy định trong văn bản luật; qua đó, bảo đảm cơ sở pháp lý theo đúng quy định của Hiến pháp để lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Việc ban hành Luật còn đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan và khắc phục hạn chế, vướng mắc, bất cập của pháp luật hiện hành, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; tăng cường công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới.

Để dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn thực sự chất lượng, đáp ứng được yêu cầu từ thực tiễn cuộc sống, đại biểu Chamaleá Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận đã có những ý kiến đóng góp vào dự án Luật.

Về giải thích từ ngữ (Điều 3): Đại biểu Chamaleá Thị Thủy cho rằng, Khoản 11 Điều 3 dự thảo Luật quy định: “Lực lượng dân phòng là lực lượng do chính quyền địa phương thành lập, làm nòng cốt trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ở thôn, xóm, làng, ấp, bản, buôn, bon, phum, sóc (gọi chung là thôn), tổ dân phố, khu phố, khối phố, khóm, tiểu khu (gọi chung là tổ dân phố)”. Có thể thấy, theo quy định này rất khó để xác định cơ quan nào có thẩm quyền thành lập lực lượng dân phòng. Bởi Chính quyền địa phương theo Điều 2 và Điều 4 Luật Tổ chức chính quyền địa phương bao gồm Hội đồng nhân dân và UBND được tổ chức ở đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Vậy trong số các cơ quan này ở ba cấp thì cơ quan nào sẽ thành lập lực lượng dân phòng? Vì vậy, đại biểu Chamaleá Thị Thủy đề nghị quy định lại khoản 11 theo hướng: UBND cấp xã/phường/thị trấn căn cứ vào số lượng do UBND tỉnh quyết định để thành lập lực lượng dân phòng tại thôn, tổ dân phố.

Về trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ (Điều 6): Tại khoản 1 Điều 6 dự thảo Luật quy định: “Phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động, sinh sống trên lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”. Theo đó, tại khoản 5 Điều 6 quy định: “Chủ hộ gia đình có trách nhiệm:….”

Đại biểu Chamaleá Thị Thủy đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét sửa đổi tên gọi “chủ hộ gia đình” thành “hộ gia đình” cho thống nhất giữa khoản 1 và khoản 5 của Điều 6. Mặt khác, hiện nay trong các hoạt động giao dịch đều sử dụng Thẻ căn cước công dân và xóa bỏ dùng hộ khẩu nên việc xác định chủ hộ gia đình cũng đề nghị được nghiên cứu lại cho phù hợp.

Quy định rõ về độ tuổi tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn

Tại khoản 2 Điều 6 dự thảo Luật quy định: “Công dân từ đủ 18 tuổi trở lên, đủ sức khỏe tham gia lực lượng dân phòng, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, chuyên ngành khi có yêu cầu”. Đại biểu Chamaleá Thị Thủy đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung quy định giới hạn về độ tuổi trong nội dung khoản 2, cụ thể: “đến 40 tuổi đối với nữ, 45 tuổi đối với nam”. Do độ tuổi này phù hợp với độ tuổi của các lực lượng tương ứng được quy định trong Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Công an nhân dân, Luật Dân quân tự vệ; Luật Lực lượng dự bị động viên. Theo đó, nội dung khoản 2 Điều 6 sẽ được bổ sung như sau: “2. Công dân từ 18 từ tuổi trở lên đến 40 tuổi đối với nữ, 45 tuổi đối với nam, đủ sức khỏe tham gia lực lượng dân phòng, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, chuyên ngành khi có yêu cầu”.

Đại biểu Chamaleá Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận

Đại biểu Chamaleá Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận

Về thành lập, quản lý lực lượng dân phòng, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, chuyên ngành (Điều 41): Khoản 2 Điều 41 dự thảo Luật chỉ quy định cho “…người đứng đầu cơ sở thành lập, quản lý và được bố trí thành Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành”, nhưng không quy định cụ thể về cơ cấu, tổ chức của các Đội này ra sao, từng đội thực hiện nhiệm vụ của mình như thế nào, mặc dù phạm vi thành lập và hoạt động của hai đội là khác nhau. Để đảm bảo tính khả thi, không vướng mắc khi thực hiện Luật được ban hành, đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét quy định cụ thể nhiệm vụ của Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại cơ sở thực hiện như thế nào, nhiệm vụ của Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành tại một số cơ sở thuộc một số lĩnh vực có nguy hiểm về cháy, nổ như thế nào, ra sao.

Chính sách cho người tham gia chữa cháy cứu nạn, cứu hộ cần được quy định luôn trong Luật

Về Chương VI quy định về phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (các Điều 46, 47, 48, 49): Có thể thấy, trong Chương VI chỉ có 4 Điều, trong đó quy định Phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ giới được sử dụng phục vụ yêu cầu phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, ngoài phương tiện cơ giới thì Người đứng đầu cơ sở, chủ phương tiện giao thông cơ giới, UBND cấp xã và hộ gia đình phải tự trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, nhưng Chương VI lại không quy định cụ thể về phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ là phương tiện gì. Quy định chung chung như dự thảo sẽ khó thực hiện trong thực tiễn. Vì vậy, đại biểu Chamaleá Thị Thủy đề nghị trong Chương VI cần quy định cụ thể hơn nữa về phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Về những nội dung giao Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết: Điều 50 và Điều 51 giao Chính phủ quy định về chế độ chính sách cho Đội trưởng, đội phó dân phòng, đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, chuyên ngành, người tham gia chữa cháy cứu nạn, cứu hộ. Đại biểu Chamaleá Thị Thủy đề nghị nội dung này cần thiết quy định luôn trong Luật, hoặc dẫn chiếu thực hiện theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, vì vấn đề chính sách cần được luật hóa và được thực hiện ngay khi Luật có hiệu lực, đồng thời hạn chế việc ban hành quá nhiều văn bản dưới luật vừa tốn kém về ngân sách và thời gian, vừa phải chờ đợi văn bản dưới luật hướng dẫn.

Ngoài ra, những nội dung khác giao Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu theo hướng Luật hóa tối đa các nội dung đã được thực tiễn kiểm nghiệm và phát huy hiệu quả trên thực tế, tránh việc giao quá nhiều nội dung quy định chi tiết làm giảm tính cụ thể của Luật và làm cho quy định của Luật chậm đi vào cuộc sống vì phải chờ các văn bản quy định chi tiết./.

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=87531