ĐBQH chất vấn nguyên nhân chậm tiến độ giải ngân dự án nhà ở xã hội
Triển khai gói tín dụng cho vay phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội, đến nay có 18/63 UBND tỉnh công bố trên cổng thông tin điện tử 53 dự án với tổng nhu cầu vay là 27 nghìn tỷ đồng. Các ngân hàng đã giải ngân 155 tỷ đồng cho 3 dự án ở 3 tỉnh thành.
Sáng 6/11, Quốc hội đã tiến hành phiên chất vấn về với nhóm vấn đề kinh tế tổng hợp gồm lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, lĩnh vực tài chính. Các đại biểu Quốc hội đã quan tâm đến vấn đề quản lý tài sản công, giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công...
Điều kiện hưởng chính sách nhà ở xã hội chưa phù hợp
Đặc biệt quan tâm tới tiến độ giải ngân gói tín dụng phát triển nhà ở xã hội, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang) cho biết, việc hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội là một chủ trương rất nhân văn của Đảng và Nhà nước được cử tri và đông đảo người dân phấn khởi và kỳ vọng. Nhưng đến nay tỷ lệ giải ngân đạt rất thấp, chỉ khoảng 100 tỉ đồng. Đại biểu đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết khó khăn, vướng mắc và giải pháp để góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới?.
Trả lời câu hỏi này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước được giao hoàn thành 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội trong 10 năm tới, gói này sử dụng nguồn tiền huy động của các tổ chức tín dụng từ người dân, lãi suất ưu đãi từ nguồn tài chính của các ngân hàng tham gia. Sau khi có Nghị quyết của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản các tổ chức tín dụng thực hiện, đồng thời có văn bản gửi UBND các tỉnh, TP quan tâm xây dựng công bố dự án thuộc diện được cho vay theo chương trình này. Việc này được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng.
Về phía các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng ban hành quy trình nội bộ để triển khai các gói này. Kết quả hiện nay đã có 18/63 UBND tỉnh gửi văn bản công bố danh mục tham gia chương trình và công bố trên cổng thông tin điện tử 53 dự án với tổng nhu cầu vay là 27 nghìn tỷ đồng. Đến nay, các ngân hàng đã giải ngân 155 tỷ đồng cho 3 dự án ở 3 tỉnh thành.
Về nguyên nhân giải ngân gói nhà ở xã hội còn hạn chế, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, do nguồn cung về nhà thuộc đối tượng này còn hạn chế; nhu cầu nhà ở lớn nhưng nhu cầu của người dân quyết định đi vay mua nhà phải còn phải nhắc kỹ; điều kiện hưởng chính sách nhà ở xã hội chưa phù hợp thực tế nên hạn chế (như thu nhập không thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân; quy định chưa có nhà ở). Chương trình thực hiện 10 năm, các khoản vay bất động sản kéo dài nên giải ngân thấp...
Với những hạn chế nêu trên, Ngân hàng Nhà nước kiến nghị, mong UBND các tỉnh, TP quan tâm sớm công bố các dự án nhà ở thuộc chương trình này để hệ thống ngân hàng tích cực triển khai.
"Chúng tôi sẽ tích cực tăng cường thông tin tuyên truyền để người dân nắm được"- Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói.
Sẽ tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn vướng mắc
Tranh luận với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) cho biết, việc ngân hàng giải ngân vốn cho đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người lao động, Thống đốc đã trả lời đúng nhưng chưa đủ. Đây là chủ trương rất đúng đắn và nhân văn của Chính phủ, để triển khai thực hiện hiệu quả, cần có sự vào cuộc không chỉ riêng của ngân hàng mà còn sự vào cuộc của Bộ Xây dựng, địa phương, tổ chức công đoàn, đặc biệt là người lao động.
Bên cạnh đó, phải nắm được nhu cầu, yêu cầu về số lượng, diện tích, địa điểm, chất lượng, mức giá... Từ đó lên kế hoạch triển khai, xây dựng, cung cấp trên cơ sở nhu cầu, yêu cầu của người lao động thì thực hiện thành công được. Đại biểu mong muốn Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo nhằm đạt được sự đồng thuận, thống nhất, qua đó đảm bảo đề án được thực hiện hiệu quả.
Trả lời ý kiến tranh luận của đại biểu Nguyễn Anh Trí, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng bày tỏ thống nhất và nhất trí cao với ý kiến bổ sung của đại biểu Nguyễn Anh Trí. Đồng thời nêu rõ, Chương trình 1 triệu căn hộ là chương trình nhân văn, để thực hiện chương trình này đỏi hỏi nguồn lực tài chính lớn. Như đã báo cáo, nhu cầu nhà ở cho người lao động, người có thu nhập thấp rất lớn nhưng nhu cầu vay vốn lại là cân nhắc của người dân.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng quan tâm triển khai giải ngân gói 120 nghìn tỉ đồng và có mở rộng cho các ngân hàng thương mại cổ phần khác. Đồng thời có thêm nhiều ngân hàng thương mại khác tham gia thì vốn sẽ lớn hơn.
Liên quan đến Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay chương trình này, thời gian qua tích cực triển khai, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước cũng như Thống đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội với vai trò của mình tiếp tục chỉ đạo cùng với các thành viên Hội đồng quản trị sẽ triển khai qua kênh này. Nhất trí rằng mục tiêu 1 triệu căn hộ đòi hỏi sự tham gia của toàn hệ thống, do đó Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp bộ ngành địa phương, công đoàn, tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn vướng mắc để đạt mục tiêu chương trình.