ĐBQH chất vấn về đường đua F1, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chuyển Hà Nội trả lời
'Xây dựng Đường đua F1 rất hoành tráng và hiện đại, tuy nhiên, hiện bỏ không. Vậy giải pháp khai thác như thế nào?' – Đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng.
Dùng quyền tranh luận trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng, chiều nay 5/6, Đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) cho biết khi đề cập giải pháp cho vận động viên thành tích cao, Bộ trưởng nói sẽ nghiên cứu, đề xuất trình các cấp có thẩm quyền có cơ chế chính sách cụ thể. Đại biểu Lê Hoàng Anh đề nghị bộ trưởng cho biết “sẽ” là bao giờ?
Cũng theo vị đại biểu này, mỗi năm, ngân sách trung ương chi khoảng 900 tỷ đồng cho thể thao thành tích cao nhưng kinh tế thể thao vẫn chưa phát triển, vấn đề này cần được giải quyết thế nào?
Ngoài ra, Khu Liên hiệp thể thao quốc gia phục vụ tập luyện, thi đấu của vận động viên, đặc biệt vận động viên thành tích cao, nhưng sau 5 năm công bố quyết định thanh tra, không chỉ không khắc phục được khó khăn mà còn chồng chất khó khăn; đời sống, nơi tập luyện của vận động viên cũng khó khăn. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng trao đổi thêm nội dung này.
Cũng nêu vấn đề chất vấn, Đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) nhấn mạnh, chúng ta có chủ trương thu hút du lịch qua sự kiện thể thao, vì vậy, xây dựng Đường đua F1 rất hoành tráng và hiện đại, tuy nhiên hiện bỏ không, vậy giải pháp khai thác như thế nào?
Liên quan đến khu liên hợp thể thao, hiện nay thuế nợ đến gần 1000 tỷ đồng, sắp tới thi hành bản án 12 tỷ đồng nữa thì giải pháp xử lý ra sao? Đại biểu cho biết, cử tri phản ánh rằng các đề án khai thác khu liên hiệp thể thao được xây dựng nhưng “ngâm” lâu không thấy phê duyệt, phải chăng có chuyện sợ sai, sợ trách nhiệm?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Đường đua F1 Mỹ Đình do UBND TP Hà Nội làm chủ đầu tư, triển khai, sau đó do nhiều lý do khách quan và chủ quan khác nhau thì không triển khai nữa.
Với tư cách là cơ quan phối hợp, Bộ VH-TT-DL tại thời điểm đó phối hợp bàn giao mặt bằng, đất đai để làm; thực hiện đúng quy định.
“Đến thời điểm này để biết chính thức đường đua đó có trở lại hoạt động hay không thì chắc các đồng chí Hà Nội giúp trả lời” – Bộ trưởng nói.
Liên quan chính sách cho vận động viên, ông Nguyễn Văn Hùng cho rằng không nên quá khiên cưỡng khi vận động viên thể thao cứ nhất nhất phải vào Nhà nước. Bởi, có rất nhiều người sống được bằng thể thao, dạy nghề, qua hình ảnh, mở các câu lạc bộ và nhiều loại hình khác.
Bộ trưởng cũng cho biết, triển khai kinh tế thể thao có trong luật nhưng lâu nay chưa làm được thì giờ tập trung nghiên cứu, sửa đổi chính sách, bổ sung cơ chế tạo môi trường tạo thuận lợi cho phát triển, hoàn thiện khung pháp lý.
“Ngay đua chó, đua ngựa cũng là loại hình kinh tế thể thao, giao cho các bộ làm nhưng cũng chưa làm được. Thấy đúng nhưng chưa phải làm được ngay. Giờ hỏi tôi ngay phải làm thế nào thì chúng tôi sẽ cố gắng nhất, quyết liệt nhất trong thời gian để trình được” – ông Nguyễn Văn Hùng trả lời đại biểu.
Về Khu Liên hợp Thể thao quốc gia Mỹ Đình, ông Hùng cho biết thanh tra từ 2018 và có kết luận năm 2021 – thời điểm ông mới nhận nhiệm vụ bộ trưởng và nhận được quyết định này.
“Chúng tôi đã nỗ lực, tập trung rà soát xử lý, khắc phục theo kiến nghị của thanh tra. Có việc đã làm xong, có việc đang làm. Chúng tôi đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực có văn bản chỉ đạo”- ông Nguyễn Văn Hùng trả lời.
Hướng xử lý trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ: Một rà soát quy hoạch, hai là xử lý đất đai, ba xử lý tồn đọng, bốn là tiếp cận theo hướng Nhà nước đầu tư rồi nhưng phải biết khai thác, tận dụng theo hướng có đề án cụ thể trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để thực hiện.
“Khi đó triển khai khai để giải quyết bài toán căn cơ, từ vấn đề nợ thuế đất, đưa vào sử dụng thế nào để phát huy, theo hướng đầu tư công, quản trị tư để hiệu quả hơn, chống lãng phí” – ông Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.