ĐBQH: Cơ cấu ngân sách trung hạn cần cân đối giữa kinh tế với văn hóa, y tế, giáo dục
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 2/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025;…
Cân đối hài hòa hơn giữa kinh tế với văn hóa, y tế, giáo dục, an sinh xã hội và đối ngoại
Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Đinh Thị Phương Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi nêu rõ, năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện các mục tiêu kế hoạch đề ra về kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách đầu tư công trung hạn. Đại biểu nêu rõ một số nội dung cần tiếp tục quan tâm.
Theo đó về kỉ luật quản lý tài chính ngân sách, đề nghị chỉ ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách khi thật sự cần thiết và có nguồn đàm bảo; hạn chế tối đa ứng trước dự toán ngân sách, hạn chế tối đa chuyển nguồn, đảm bảo các quỹ tài chính ngoài ngân sách hoạt động hiệu quả, bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương và đẩy mạnh phân cấp tạo chủ động cho ngân sách địa phương.
Đại biểu Đinh Thị Phương Lan đề nghị quản lý chặt chẽ nợ công, ưu tiên bố trí chi trả nợ lãi, gốc đúng hạn; đồng tình với việc tăng dự phòng ngân sách, bố trí đủ vốn thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản.
Về phân bổ vốn, đại biểu Đinh Thị Phương Lan đề nghị làm rõ nguyên nhân của việc chậm trễ trình Quốc hội phân bổ nhiệm vụ chi 70 nghìn tỉ đồng, trong đó nhiều nhiệm vụ chi liên quan đến chính sách con người trong khi thời gian thực hiện ngân sách; phân tích nguyên nhân đầy đủ trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội thấp hơn định mức phân bổ chi thường xuyên để có giải pháp quản lý ngân sách; đề nghị phân bổ vốn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia tránh tình trạng vốn dồn cuối năm thực hiện chương trình.
Đại biểu Đinh Thị Phương Lan đề nghị đánh giá nguyên nhân, trách nhiệm, phân tích cụ thể những nhóm chi chuyển nguồn.
Về cơ cấu vốn, đại biểu Đinh Thị Phương Lan đồng tình với đánh giá của Chính phủ và đồng tình với việc ban hành nghị quyết thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù trong việc đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ. Tuy nhiên, về cơ cấu ngân sách trung hạn cần cân đối hài hòa hơn giữa kinh tế với văn hóa, y tế, giáo dục, an sinh xã hội và đối ngoại.
Đại biểu Đinh Thị Phương Lan đề nghị tiếp tục tăng cấp vốn tín dụng thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, mở rộng đối tượng hỗ trợ, tăng cơ cấu tín dụng. Nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền quy định về tiêu chí, thẩm quyền, nội dung, phạm vi áp dụng nguyên tắc điều hòa vốn đầu tư công để ưu tiên dự án trọng điểm có tác dụng lan tỏa, liên kết vùng, khả năng hấp thụ vốn cao.
Ngoài ra, nữ đại biểu cũng đề nghị tiếp tục đánh giá thực chất việc đạt mục tiêu nông thôn mới, tỉ lệ giảm nghèo, giảm thiểu tác động của chính sách… Đồng thời, đề nghị Chính phủ báo cáo tổng thể nguồn lực thực hiện chính sách cải cách tiền lương.
Cần tiếp tục miễn giảm thuế, phí với liều lượng cao hơn, đối tượng mở rộng hơn
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh bày tỏ đồng tình với những đánh giá của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch tài chính 2021 -2025 cũng như kế hoạch đầu tư công trung hạn và những thẩm định khách quan, khoa học của Ủy ban Tài chính, Ngân sách.
Với sự đồng hành năng động, linh hoạt của Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời trình các quyết định, thông qua chủ trương đầu tư các công trình trọng điểm quốc gia.
Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục miễn giảm thuế, phí trong thời gian tới với liều lượng cao hơn, đối tượng mở rộng hơn, cụ thể, việc giảm thuế VAT nên áp dụng cho tất cả các mặt hàng. Bên cạnh đó, cần rà soát các khoản chi trong Nghị quyết 43 để chuyển nguồn, chuyển đối tượng.
Đại biểu cho rằng, số tiền hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp thông qua ngân hàng thương mại, cần bổ sung vào quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa để các doanh nghiệp này có thể tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng, không nên hạ chuẩn điều kiện cho vay.
Cùng với đó, đại biểu cho rằng, số tiền còn lại trong khoản hỗ trợ tiền thuê nhà, cần tiếp tục chi theo danh mục mà Chính phủ đã đề nghị cho các bệnh viện theo Tờ trình của Chính phủ. Cần kéo dài thời gian thực hiện các dự án đầu tư phát triển theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội, đồng thời, cần chuyển nguồn khoản kinh phí cho 3 dự án cao tốc quan trọng quốc gia mà Quốc hội đã cho ý kiến chủ trương đầu tư.
Ngoài ra, đại biểu cho rằng cần tái cấp vốn, bảo lãnh trái phiếu trong nước để giúp ngân hàng chính sách xã hội có điều kiện mở rộng tín dụng cho các đối tượng yếu thế, người nghèo, người mất việc làm có thêm việc làm, đảm bảo an sinh xã hội./.