ĐBQH: Cơ chế xin cho trong đấu thầu làm mất hàng loạt cán bộ
Đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng chính cơ chế xin cho trong đấu thầu, chỉ định thầu trong vụ Việt Á đã làm mất hàng loạt cán bộ.
Thảo luận tại hội trường ngày 10/6, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa -Giáo dục của Quốc hội thống nhất với sự cần thiết đầu tư 3 Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1) nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã được Đại hội lần thứ XIII của Đảng thông qua.
Tuy nhiên về cơ chế đầu tư, đại biểu Tạ Văn Hạ bày tỏ băn khoăn: "Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo đối tác công tư, Luật Đấu thầu đã có, nhưng vì sao các dự án giao thông lại phải xin cơ chế".
Vị đại biểu đoàn Quảng Nam cho rằng việc chỉ định thầu cũng đã tạo ra những kẽ hở, tạo cơ chế xin - cho, thiếu tính minh bạch, công khai.
"Nếu chúng ta xin cơ chế, tôi nghĩ Quốc hội sẽ đồng ý, nhưng được cho phép rồi chúng ta cũng không nên phấn khởi, vì chỉ định thầu sẽ tạo ra kẽ hở, tạo cơ chế xin cho, thiếu tính công khai, thiếu minh bạch. Rồi đơn vị được dự án, đơn vị không, người được quyết, người không được quyết, thậm chí không loại trừ tình trạng thi công công trình kém là chất lượng. Hậu quả từ cơ chế xin cho trong đấu thầu, chỉ định thầu trong vụ Việt Á đã rất đau đớn vì mất hàng loạt cán bộ. Do vậy, tôi xin cảnh báo để chúng ta sớm có biện pháp phòng, chống để quá trình triển khai cho thật tốt, tránh hậu quả và những hệ lụy đau đớn, nhất là phải xử lý cán bộ, mất cán bộ do cơ chế”, đại biểu Hạ băn khoăn.
Nêu phân vân của mình tại nghị trường Quốc hội khi thảo luận về các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1), đại biểu Hạ cho biết: "Tôi nhất trí với phát biểu của Bộ trưởng Bộ GTVT trả lời chất vấn chiều qua (9/6), thay vì chúng ta đi xin cơ chế chỉ định thầu, xin cơ chế đầu tư công, mà chúng ta nên triển khai thu hút nguồn lực của xã hội với 70% vốn đầu tư công và 30% vốn của các nhà đầu tư, doanh nghiệp bên ngoài xã hội".
Ông Hạ nêu băn khoăn: “Cơ sở pháp lý nào để Nhà nước bỏ ngân sách đầu tư cơ sở hạ tầng ban đầu, rồi thu phí để hoàn lại? Tiền chúng ta triển khai các dự án đều là tiền thuế của nhân dân, phải để phục vụ nhân dân, nhân dân được hưởng lợi”, ông Hạ nêu ý kiến.
Vị đại biểu đoàn Quảng Nam cho biết, nguồn lực đầu tư các dự án giao thông trọng điểm như dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) từ 3 nguồn chính gồm: nguồn vốn đầu tư công; nguồn tiết kiệm và vốn đối ứng của địa phương.
Theo ông Hạ, trong các dự án giao thông này, chủ yếu sử dụng từ nguồn vốn đầu tư công, trong khi việc đầu tư công 2 triệu tỷ đồng mới chỉ là ý tưởng, nếu hàng năm thu được, ngân sách sẽ bổ sung vào, do vậy chúng ta cần phải cân nhắc thêm.
"Về nguồn vốn đối ứng tôi cũng rất phân vân vì nhiều địa phương rất nghèo, thu ngân sách không đủ bù chi.Ví dụ Sóc Trăng, Hậu Giang hàng năm thu ngân sách của địa phương khoảng 4.000 tỷ đồng, nhưng đầu tư dự án giao thông này dự khiến địa phương cân đối bỏ ra 300 tỷ/năm để đối ứng thì có đảm bảo hay không? Do đó chúng ta phải chia sẻ với các địa phương và có phương án sẵn để trong tình huống đối ứng với địa phương không đáp ứng được, kể cả bồi thường giải phóng mặt bằng”, đại biểu Hạ nêu phương án.
Đại biểu hạ kiến nghị nên tập trung nguồn lực vào giải quyết dứt điểm những dự án còn dở dang như đường Hồ Chí Minh, đường ven biển và những dự án chưa hoàn thiện, những đường đấu nối… tránh tình trạng đầu nhiệm kỳ nguồn ngân sách còn dư nên tiếp tục đầu tư những dự án khác, đến cuối kỳ rất khó cân đối.
“Đừng nên vì áp lực giải ngân mà vội vã triển khai các dự án khác, tránh để tình trạng cuối kỳ cân đối rất khó khăn”, đại biểu Hạ nói.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/dbqh-co-che-xin-cho-trong-dau-thau-lam-mat-hang-loat-can-bo-ar681615.html