ĐBQH đề nghị có giải pháp quyết liệt với tình trạng hạn mặn tại ĐBSCL

Đặc biệt, cần có giải pháp ưu tiên các nguồn vốn, khẩn trương xây dựng và hoàn thiện các hệ thống công trình trữ nước ngọt, nhất là vùng Tứ giác Long Xuyên, vùng Đồng Tháp Mười.

Sáng nay, 29/5, tham gia thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, nhiều đại biểu Quốc hội lo lắng về vấn đề hạn mặn xảy ra liên tục và ngày càng khắc nghiệt không chỉ ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Qua nghiên cứu các báo cáo và tình hình thực tiễn kinh tế - xã hội các tháng đầu năm 2024, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre) đánh giá, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Chính phủ, các bộ ngành Trung ương và các chính quyền địa phương, kinh tế - xã hội nước ta có nhiều “điểm sáng”, nhất là tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ các dự án công trình trọng điểm quốc gia.

Qua Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, đại biểu Trúc Sơn nhận thấy, các giải pháp đưa ra đều rất toàn diện, bao trùm tất cả các lĩnh vực với nhiều điểm mới. Đại biểu tin tưởng, nếu chúng ta làm được các giải pháp này thì tăng trưởng kinh tế của nước ta sẽ về đích trong năm 2024.

Các đại biểu tại phiên họp

Các đại biểu tại phiên họp

Quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu và hạn hán xâm nhập mặn, Chính phủ đã có giải pháp và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nhấn mạnh, đại biểu Trúc Sơn nhận thấy, nước sạch, nước ngọt là một trong những vấn đề quan trọng, nước là mặt hàng thiết yếu, không thể thiếu trong sinh hoạt và sản xuất kinh doanh… Trong khi đó, vấn đề hạn mặn đã xảy ra trong nhiều năm, liên tục và ngày càng khắc nghiệt không chỉ ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Đại biểu nhận thấy, Chính phủ và các bộ ngành Trung ương đã có những giải pháp và đầu tư lớn, liên tục tăng cho vùng ĐBSCL. Cho rằng đây cũng là tín hiệu vui cho vùng ĐBSCL, do đó, đại biểu Trúc Sơn đề nghị cần quyết liệt thực hiện các chương trình đang có để vấn đề hạn mặn không lặp lại ở vùng này cũng như trong cả nước.

Để nhằm hạn chế hạn mặn, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn cũng đề nghị thực hiện sớm các quy trình thủ tục đầu tư. Chính phủ và các bộ ngành Trung ương cần đẩy nhanh tiến độ hơn nữa bằng cách thành lập các Ban để chỉ đạo vấn đề này.

Chung mối lo lắng, đại biểu Trần Văn Sáu - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đề nghị cần quan tâm đảm bảo hệ thống cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Đại biểu Trần Văn Sáu - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Đại biểu Trần Văn Sáu - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Đại biểu Trần Văn Sáu đánh giá cao sự điều hành quyết liệt của Chính phủ thời gian qua đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, Chính phủ cũng nêu ra những khó khăn, hạn chế, những yếu tố bất lợi đến nền kinh tế. Cụ thể như vấn đề thiên tai, hạn hán, bão, lũ, xâm nhập mặn và thời tiết cực đoan… tiếp tục diễn biến khó lường, gây hậu quả nặng nề.

Đại biểu Sáu cho biết, bà con vùng ĐBSCL đang hết sức lo lắng bởi bà con sống chung với lũ, giờ lại sống chung với hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở luôn rình rập. Đại biểu đề nghị, Chính phủ cần quan tâm nghiên cứu và có chính sách thực hiện một số giải pháp mà các nhà khoa học đã khuyến cáo về tăng cường đầu tư xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát, nâng cao năng lực dự báo thường xuyên, chính xác để kịp thời ứng phó, khuyến cáo bà con thay đổi tập quán sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi cho phù hợp.

Đặc biệt, cần có giải pháp ưu tiên các nguồn vốn, khẩn trương xây dựng và hoàn thiện các hệ thống công trình trữ nước ngọt, nhất là vùng Tứ giác Long Xuyên, vùng Đồng Tháp Mười. Theo đại biểu Sáu, đây được xem là giải pháp trước mắt cũng như lâu dài. Đồng thời, cần sớm triển khai quy hoạch cấp nước cho vùng, đảm bảo hệ thống cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Thanh Hòa

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/dbqh-de-nghi-co-giai-phap-quyet-liet-voi-tinh-trang-han-man-tai-dbscl_162829.html