ĐBQH đề nghị làm rõ khái niệm về dự án đầu tư đang triển khai
Thảo luận về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, ĐBQH đề nghị làm rõ một số khái niệm liên quan đến dự án đầu tư đang triển khai.
Sáng 28/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.
Góp ý vào khoản 9 Điều 6 về yêu cầu với quy hoạch đô thị và nông thôn của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) cho biết, dự thảo quy định: Khi lập điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn phải đảm bảo tính kế thừa các quy hoạch đã được phê duyệt, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến các dự án đầu tư đang triển khai và nghiên cứu đề xuất các giải pháp phù hợp với khu vực dân cư hiện hữu hợp pháp đã ổn định.
Đại biểu đề nghị, nên định nghĩa thế nào là dự án đầu tư đang triển khai? Chỉ cần có chủ trương cho phép nghiên cứu là phải hạn chế tối đa ảnh hưởng? Thế nào là hạn chế tối đa ảnh hưởng?
Đại biểu cho rằng, nếu không cụ thể sẽ dẫn đến quy hoạch mang tính chất cộng dồn các dự án mà không có sự đồng bộ và định hướng phát triển kinh tế - xã hội, không gian kiến trúc, cảnh quan, dễ dẫn đến mất tính hiệu quả của công cụ quy hoạch trong quản lý Nhà nước; dễ dẫn đến vướng mắc giữa các chủ thể có liên quan.
Quy hoạch phải đảm bảo lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc là đề xuất của đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông).
Theo đại biểu, trong xu thế mở cửa, tiếp nhận và dung nạp ảnh hưởng từ nhiều nền văn hóa, quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn đang đứng trước thách thức lớn, dễ nhận thấy nhất là về mặt kiến trúc.
Toàn cầu hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa làm nảy sinh một số tác động tiêu cực đến giá trị kiến trúc truyền thống. Cảnh quan nông thôn cũng dần mất biểu tượng đặc trưng văn hóa như cây đa, đình làng, nhà theo kiến trúc truyền thống… thay thế bằng nhà ống, nhà theo kiểu kiến trúc ngoại lai, kiến trúc lập khuôn.
Do đó, để đảm bảo quy hoạch phát triển bền vững, tại Điều 7 về nguyên tắc hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị, cần nghiên cứu bổ sung nguyên tắc về việc bảo vệ, kế thừa, phát huy giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, tôn trọng không gian văn hóa vùng miền.
Đại biểu cũng đề nghị rà soát lại khoản 6 Điều 2 về giải thích từ ngữ nhằm bổ sung yếu tố văn hóa đi liền với yếu tố kinh tế - xã hội.
Đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm (Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng) góp ý, Ban soạn thảo cần làm rõ hơn tiêu chí, quy định tại điểm d khoản 1 về khu vực có ý nghĩa quan trọng về chính trị, văn hóa, lịch sử, an ninh, quốc phòng thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng.
“Tại điểm c khoản 2 về khu vực có ý nghĩa quan trọng thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh là những khu vực như thế nào? Tiêu chí phân loại ra sao?”, đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm nêu vấn đề.
Liên quan đến vấn đề tổ chức quản lý quy hoạch được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 48, để rút ngắn thời gian và thủ tục phê duyệt quy hoạch, đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định giao cho cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch cũng là chủ thể ban hành quy định quản lý quy hoạch theo quyết định phê duyệt quy hoạch.