ĐBQH ĐỀ NGHỊ THỂ CHẾ HÓA SÂU SẮC HƠN CHỦ TRƯƠNG CỦA ĐẢNG VỀ BẢO TỒN, PHÁT HUY DI SẢN VĂN HÓA

Cho ý kiến về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, một số đại biểu đề nghị tiếp tục thể chế hóa sâu sắc hơn huy động sức mạnh của toàn xã hội nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; đồng thời bổ sung chính sách cụ thể về bảo vệ di sản văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số và chính sách dành cho người thụ hưởng văn hóa…

Toàn cảnh Phiên họp

Toàn cảnh Phiên họp

Điều 7 dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) về chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa đã kế thừa nhiều quy định của pháp luật hiện hành; đồng thời, bổ sung nhiều quy định mới, trong đó quy định nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; huy động các nguồn lực xã hội cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc; Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu di sản văn hóa; Bảo vệ và phát triển tiếng nói, chữ viết của các dân tộc Việt Nam; chính sách về ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước; hỗ trợ việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đối với nhân lực tham gia trong quá trình bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; tôn vinh và có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân có tài năng xuất sắc, nghệ nhân nắm giữ và có công lao bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể...

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Góp ý hoàn thiện quy định này, đại biểu Trần Thị Thu Hằng – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông tán thành với quy định về hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; phát triển, huy động các nguồn lực như nhân lực, ngân sách để đạt hiệu quả cao nhất cho hoạt động này; đồng thời đề nghị bổ sung một số chính sách liên quan đến nhân tố thụ hưởng trong dự thảo luật.

Đại biểu lấy ví dụ bổ sung chế độ miễn phí đối với các chủ thể đặc biệt khi tham quan các công trình được công nhận là di tích lịch sử quốc gia như: người có công với cách mạng, học sinh, sinh viên, anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, người cao tuổi, phái đoàn ngoại giao ... Vì mục đích chính của hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa là hướng đến giữ gìn, quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam; có mối liên hệ mật thiết với Luật Giáo dục, Luật Trẻ em trong khuyến khích bảo tồn giá trị văn hóa, kiến thức lịch sử, hình thành nhân cách thế hệ con người Việt Nam thời kỳ mới.

Cũng quan tâm đến chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho biết, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung nhiều quy định như: Hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; cơ chế đầu tư, bố trí ngân sách cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; chính sách xã hội hóa bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình

Tuy nhiên, để thể chế hóa đầy đủ hơn các chủ trương trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Nghị quyết số 52 ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4..., đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, nghiên cứu bổ sung trong Điều 7 dự thảo Luật các nội dung liên quan đến chủ trương, chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa; chuyển đổi số về văn hóa, số hóa di sản văn hóa; hợp tác công tư về phát triển văn hóa; đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực đầu tư cho các hoạt động bảo vệ, bảo tồn, phát huy giá trị và sáng tạo nên các di sản văn hóa mới...

Trong đó, chú ý các chủ trương đã được nhấn mạnh trong Nghị quyết số 33-NQ/TW cần được tiếp tục thể chế hóa sâu sắc hơn như: huy động sức mạnh của toàn xã hội nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; xây dựng cơ chế để giải quyết hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội; phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư và công dân đối với việc tổ chức và quản lý hoạt động văn hóa …

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho biết, tại khoản 6 Điều 7 dự thảo quy định tôn vinh và có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân có tài năng xuất sắc, nghệ nhân nắm giữ và có công lao bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là nghệ nhân người dân tộc thiểu số rất ít người sinh sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù trong việc phổ biến hình thức sinh hoạt truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy người kế cận. Đại biểu cho rằng, quy định mới chỉ mang tính nguyên tắc, chưa thể hiện, chưa quy định cụ thể chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với nghệ nhân người dân tộc thiểu số nói chung sinh sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù trong việc phổ biến hình thức sinh hoạt truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy người kế cận.

Đại biểu Tráng A Dương – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang

Đại biểu Tráng A Dương – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang

Cũng quan tâm đến chính sách nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu Tráng A Dương – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho biết, khoản 5 Điều 6, khoản 4 Điều 7, khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 18 của dự thảo luật quy định nội dung về chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu mang tính định hướng chính sách, việc quy định như vậy sẽ rất khó khi triển khai thực tiễn. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan dự thảo nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể, rõ ràng hơn các nội dung chính sách cũng như cách thức tổ chức thực hiện liên quan đến quản lý, bảo vệ di sản của đồng bào dân tộc thiểu số trong dự thảo luật .

Đại biểu Đào Chí Nghĩa – Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ nêu quan điểm, ngoài các quy định về di sản văn hóa ở Điều 7, dự thảo luật còn quy định các nội dung liên quan về di sản văn hóa rải rác ở các điều, cụ thể như Điều 13 quy định về chính sách đối với nghệ nhân, chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể; điểm g khoản 1 Điều 81 quy định về hỗ trợ nghệ nhân, chủ thể di sản văn hóa phi vật thể, người trực tiếp trông coi di tích lịch sử văn hóa, cá nhân, chủ sở hữu di sản tư liệu được UNESCO ghi danh theo quy định của pháp luật; tại khoản 1 Điều 88 quy định về khuyến khích, tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức, các hội về văn học nghệ thuật và khoa học - công nghệ đủ điều kiện tham gia các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa. Đại biểu đề nghị gộp các nội dung chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa thành 1 điều sẽ bảo đảm tính phù hợp hơn.

Đại biểu Đào Chí Nghĩa – Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ

Đại biểu Đào Chí Nghĩa – Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ

Cùng quan điểm trên, đại biểu Trần Thị Thu Đông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu cũng cho biết, nội dung về chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa được quy định ở Điều 7 của dự luật, nhưng còn nhiều chính sách nằm tản mạn ở các nội dung của Điều 5, Điều 13, 79, 80, 81, 82, 88… Do đó, nếu không thể tổng hợp các chính sách vào một điều luật thì nên sửa tên Điều 7 là chính sách chung của Nhà nước về di sản văn hóa, còn các điều khác của dự thảo luật quy định các chính sách cụ thể như chính sách đối với nghệ nhân, chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể, chính sách nguồn nhân lực, chính sách tài chính, chính sách hỗ trợ xã hội hóa trong bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa.

Cũng tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), một số đại biểu đề nghị luật quy định cụ thể việc ưu tiên bố trí ngân sách để làm căn cứ, tạo điều kiện cho hoạt động của các di sản văn hóa phi vật thể. Có ý kiến cho rằng, các chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa vật thể rất hạn chế. Dự thảo luật chỉ đề cập tới di tích quốc gia đặc biệt, di tích xuống cấp nghiêm trọng, bảo vật quốc gia; còn di tích lịch sử văn hóa quốc gia, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật quy định tại khoản 1 Điều 3 Nhà nước không có chính sách nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản này, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện.

Lan Hương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=87652