ĐBQH đề nghị xử lý ô nhiễm nguồn nước lưu vực sông Nhuệ - Đáy

ĐBQH đề nghị Bộ TNMT có giải pháp giải quyết tình trạng ô nhiễm lưu vực sông Nhuệ - Đáy.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn của ĐBQH.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn của ĐBQH.

Sáng 4/6, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định) cho biết, tỉnh Nam Định cũng như các tỉnh nằm ở lưu vực sông Nhuệ - Đáy là những địa phương chịu tác động nặng nề của ô nhiễm nguồn nước do nước thải chưa đạt tiêu chuẩn xả vào.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nước thải từ đô thị làng nghề, nước thải công nghiệp chiếm tỷ lệ lớn nhất trong cơ cấu nước thải phát sinh, trong khi đó tỷ lệ nước thải thu gom đạt tỷ lệ thấp.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định).

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định).

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa đề nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ đánh giá về tình trạng nơi nào xả thải càng nhiều, việc xử lý nước thải càng ít? Tình trạng đô thị xả thải, nông thôn gánh chịu ô nhiễm?

Ngoài giải pháp thành lập Ủy ban lưu vực sông, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các địa phương thuộc lưu vực có các đô thị làng nghề lớn hoặc phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan để giải quyết tình trạng ô nhiễm nước sông Nhuệ - Đáy như thế nào?

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, Bộ đã tăng cường hệ thống quan trắc và phân tích môi trường trên lưu vực sông Nhuệ Đáy. Hiện nay có 5 điểm quan trắc tự động, 42 điểm quan trắc kỳ môi trường nước mặt.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh.

Địa điểm xả thải có lưu vực lớn và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường được thiết lập quan trắc thường xuyên và liên tục, kết nối dữ liệu online.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đánh giá sức chịu tải của các dòng sông, với quan điểm sẽ trao đổi với các địa phương có giải pháp xử lý phù hợp.

Về thu gom, xử lý chất thải, Bộ trưởng khẳng định cần có sự vào cuộc của tất cả các địa phương, có sự chung sức, đồng lòng cùng xử lý nguồn thải, tạo dòng chảy.

Bộ trưởng đề nghị các địa phương tuyên truyền vận động Nhân dân, cộng đồng, doanh nghiệp chung tay trong vấn đề này. Trong thời gian tới, đầu tư công cũng cần quan tâm tới nhiệm vụ thu gom, xử lý nước thải.

Hải Minh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dbqh-de-nghi-xu-ly-o-nhiem-nguon-nuoc-luu-vuc-song-nhue-day-post686125.html