ĐBQH đề xuất mức thuế 10% với tất cả các loại hình báo chí

Sáng 22/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Đức Hải, QH nghe báo cáo của Chính phủ và cơ quan thẩm tra về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Việc sửa đổi Luật nhằm đáp ứng các yêu cầu từ thực tiễn, tình hình phát triển mới của nền kinh tế cũng như yêu cầu hội nhập quốc tế.

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên họp

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên họp

Tháo gỡ bất cập, vướng mắc tạo môi trường thuận lợi cho người nộp thuế tuân thủ pháp luật

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, việc ban hành Luật thuế TNDN (sửa đổi) là cần thiết để thực hiện chủ trương, đường lối về cải cách hệ thống chính sách thuế nói chung, chính sách thuế TNDN nói riêng đã được nêu tại các văn bản của Đảng, Nhà nước; đáp ứng các yêu cầu từ thực tiễn, từ tình hình phát triển mới của nền kinh tế cũng như yêu cầu hội nhập quốc tế.

Việc ban hành Luật Thuế TNDN (sửa đổi) để sửa đổi hoặc bãi bỏ những nội dung không còn phù hợp; hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội với chính sách miễn, giảm thuế; bảo đảm tính trung lập của thuế để áp dụng ổn định, dài hạn; thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế đầu tư vào các ngành nghề và địa bàn cần khuyến khích đầu tư.

Đáp ứng yêu cầu sửa đổi, bổ sung đồng bộ, toàn diện theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, gắn với cơ cấu lại nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế phù hợp với bối cảnh, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đảm bảo tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thực hiện các tiêu chuẩn về phòng, chống chuyển giá, chống trốn thuế, thất thu thuế, chống xói mòn nguồn thu theo thông lệ quốc tế.

Quá trình xây dựng dự án Luật đã đảm bảo tuân thủ đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật…

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long

Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) Lê Quang Mạnh khẳng định: Ủy ban nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Thuế TNDN để khắc phục các vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành và phù hợp với quá trình phát triển của nền kinh tế trong nước và thế giới. Trong đó, tập trung một số mục tiêu lớn gồm: Tháo gỡ bất cập, vướng mắc cho khu vực doanh nghiệp để tạo môi trường thuận lợi cho người nộp thuế tuân thủ pháp luật về thuế; Thể chế hóa các chủ trương của Đảng, Nhà nước về khuyến khích, cải thiện môi trường đầu tư, giải quyết các hạn chế, bất cập về ưu đãi thuế, thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, thu hút các nhà đầu tư quốc tế phù hợp xu hướng mới; Tạo môi trường pháp lý thống nhất và ổn định về ưu đãi thuế TNDN tại Luật này để bảo đảm tính nhất quán, rõ ràng và thuận lợi trong thực hiện.

Các đại biểu tại hội trường

Các đại biểu tại hội trường

Một số ý kiến cho rằng, việc sửa đổi Luật lần này chưa giải quyết được tổng thể các vấn đề đặt ra để thu hút đầu tư một cách hiệu quả trong điều kiện mới. Hiện các nước trong khu vực cũng chưa có bước đi rõ ràng về các chính sách ưu đãi thuế trong bối cảnh “hậu thuế tối thiểu toàn cầu”, vì vậy, Ủy ban đề nghị cân nhắc thêm về lùi thời điểm sửa Luật này cho phù hợp…

Báo chí đang gặp rất nhiều khó khăn

Sau khi nghe tờ trình, các ĐBQH tập trung thảo luận tổ về dự thảo luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Tại dự thảo, Chính phủ đề xuất áp dụng thuế suất ưu đãi 15% (giảm 5% so với thuế suất phổ thông) đối với cơ quan báo chí. Riêng báo in vẫn tiếp tục áp dụng mức thuế suất ưu đãi 10% như hiện nay.

ĐBĐQ Đỗ Chí Nghĩa phát biểu thảo luận tại tổ

ĐBĐQ Đỗ Chí Nghĩa phát biểu thảo luận tại tổ

Theo ĐB Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) mức thuế TNDN áp dụng đối với báo in là 10% và các loại hình báo chí khác là 20%. Theo dự thảo Luật Thuế TNDN sửa đổi, báo in vẫn giữ nguyên 10%, còn các loại hình báo chí khác 15% giảm 5%. ĐB cho rằng, cần áp dụng mức thuế TNDN 10% với tất cả các loại hình báo chí.

Theo ĐB, báo chí là hoạt động chính trị xã hội và vai trò tính định hướng của báo chí với xã hội là hết sức lớn. Báo chí cách mạng Việt Nam không phải là đơn vị kinh doanh thuần túy nên cần một sự hỗ trợ cho phù hợp. Cùng với đó, các cơ quan báo chí đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là nguồn thu đang chảy sang các mạng xã hội, các nền tảng khác khiến nguồn thu giảm, đời sống phóng viên vất vả. Vì thế, nếu không có những sự hỗ trợ phù hợp thì sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mình, khó phát triển được...

Đồng tình quan điểm, ĐB Trần Thị Diệu Thúy (đoàn TP.HCM) cho biết, hiện nay một số cơ quan báo chí nhận được sự hỗ trợ của nhà nước, bao gồm cả ưu đãi vay vốn để phát triển hạ tầng, xây dựng các tòa nhà cao tầng. Các tòa nhà này không chỉ được sử dụng để phục vụ hoạt động báo chí như vận hành báo in, mà còn cho thuê để tạo nguồn thu bù đắp chi phí vận hành.

Tuy nhiên, khi thực hiện các quy định thuế, cơ quan thuế thường tách biệt phần diện tích tòa nhà được sử dụng cho hoạt động báo chí (hưởng ưu đãi) và phần diện tích cho thuê (bị áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp như các hoạt động kinh doanh thông thường).

Điều này tạo ra khó khăn cho các cơ quan báo chí, vì hoạt động kinh doanh tòa nhà thực chất là giải pháp nhằm hỗ trợ duy trì hoạt động báo chí, nhưng lại bị đánh thuế như các hoạt động kinh doanh độc lập khác.

Nữ ĐB đề nghị xem tất cả các hoạt động liên quan đến vận hành tòa nhà của các cơ quan báo chí, kể cả phần cho thuê, như một phần trong tổng thể hoạt động của báo chí. Từ đó, các hoạt động này cũng được hưởng ưu đãi thuế tương tự như hoạt động báo chí.

Đây là giải pháp thiết thực để hỗ trợ các cơ quan báo chí duy trì hoạt động theo đúng tinh thần nghị quyết của Trung ương, đồng thời khẳng định vai trò của báo chí trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền, giáo dục của Đảng và Nhà nước.

Còn ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) cho rằng mức thuế thu nhập doanh nghiệp áp với các lĩnh vực truyền thông báo chí, văn hóa hiện quá cao. Theo ĐB, đây là các lĩnh vực quan trọng, cần được ưu đãi thuế nhiều hơn.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân phát biểu tại tổ

ĐBQH Trần Hoàng Ngân phát biểu tại tổ

"Cần áp dụng một mức thuế chung cho báo in, báo điện tử là 10%, thậm chí nên giảm nhiều hơn nữa", đồng thời, vị ĐB cũng đề xuất miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho báo chí trong 5 năm, hoặc áp thuế ở mức tối thiểu để ngành này vượt qua khó khăn.

ĐB Trần Hoàng Ngân phân tích, báo chí đóng góp lớn trong quá trình xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội. Báo chí cũng góp phần đấu tranh chống lại thông tin xấu độc, phòng, chống tham nhũng, lãng phí... nhờ đó tăng thu ngân sách.

Tuy nhiên, nguồn thu của các cơ quan báo chí giảm sâu thời gian qua do chịu sức ép cạnh tranh từ mạng xã hội, trong khi phải tăng đầu tư cho cơ sở vật chất, kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu phát triển trong kỷ nguyên số.

Mai Loan

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/de-xuat-muc-thue-10-voi-tat-ca-cac-loai-hinh-bao-chi_170358.html