ĐBQH ĐINH NGỌC QUÝ: HOÀN THIỆN CƠ SỞ PHÁP LÝ CHO HOẠT ĐỘNG GIẢI TRÌNH TẠI HỘI ĐỒNG DÂN TỘC, CÁC ỦY BAN CỦA QUỐC HỘI
Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội, ĐBQH Đinh Ngọc Quý - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai, thực tiễn thời gian qua, các cơ quan của Quốc hội đã phát huy, sử dụng hình thức tổ chức hoạt động giải trình rất hiệu quả. Do vậy, cần sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động này để nó tiếp tục phát huy hiệu quả trong thời gian tới.
“Giải trình” – vừa là cách thức giám sát, vừa là công cụ thực hiện chức năng đại diện quyền lực của nhân dân
Ở một số nước, Quốc hội, Nghị viện có hình thức hoạt động là Điều trần, chất vấn; đối với Việt Nam, chúng ta không dùng thuật ngữ điều trần mà dùng thuật ngữ giải trình, chất vấn. Tuy nhiên, đây là những hoạt động có nhiều điểm tương đồng trong hoạt dộng của cơ quan dân cử.
Việc tổ chức phiên giải trình tại Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội ở nước ta là một trong những phương thức để các cơ quan của Quốc hội thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Mục đích của phiên giải trình là nhằm đánh giá việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật, trong đó tập trung các giải pháp để giải quyết nhanh chóng những vấn đề bức xúc, được đông đảo cử tri, Nhân dân quan tâm, phát sinh từ thực tiễn đời sống xã hội đòi hỏi cơ quan, tổ chức, cá nhân phải sớm giải quyết.
Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội, ĐBQH Đinh Ngọc Quý - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai, việc tổ chức phiên giải trình tại Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội là công cụ quan trọng để Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban chuyên môn nhằm thu thập thông tin một cách trực tiếp về những nội dung chính sách cụ thể từ các cơ quan Chính phủ, đối tượng chịu sự tác động hoặc có liên quan đến chính sách, vấn đề giải trình hoặc từ các chuyên gia và các đối tượng mà cơ quan chuyên môn của Quốc hội cho rằng cần được nghe ý kiến, phản ánh các quan điểm.
Thậm chí, hoạt động giải trình trên thưc tế hiện nay còn là công cụ đa mục tiêu để các cơ quan của Quốc hội không chỉ nắm bắt, thu thập thông tin mà còn giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc cả về chính sách, pháp luật, công tác tổ chức thực hiện, phúc đáp cho cử tri, nhân dân và dư luận xã hội về những vấn đề họ quan tâm (thông thường đây đều là những vấn đề phần lớn xuất phát từ những vụ việc cụ thể nhưng lại gắn với các chính sách lớn được nhân dân và cử tri, dư luận xã hội quan tâm).
Đồng thời, qua thực tiễn cũng cho thấy các cơ quan của Quốc chội đã phát huy, sử dụng hoạt động Giải trình theo đúng nghĩa vừa là một cách thức giám sát cụ thể, vừa là công cụ hiệu quả nhằm thực hiện chức năng căn bản nhất của cơ quan đại diện quyền lực của nhân dân.
Hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động giải trình tại Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội
Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Đinh Ngọc Quý cho biết, Ủy ban Xã hội là cơ quan đầu tiên của Quốc hội thực hiện việc giám sát thông qua các phiên giải trình từ năm 2010 (nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII). Trong đó, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giải trình về chính sách giảm nghèo và Bộ trưởng Bộ Y tế giải trình về việc thực hiện quản lý nhà nước về giá thuốc.
Đây là hoạt động chưa có quy định cụ thể vào thời điểm năm 2010 và cũng được coi là một trong những cơ sở thực tiễn phục vụ quá trình luật hóa hoạt động giải trình là một trong những hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.
Tính đến nay, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Đinh Ngọc Quý cho biết, Ủy ban Xã hội đã thực hiện 16 phiên giải trình, trong đó nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII tổ chức 02 phiên giải trình; nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII tổ chức 08 phiên giải trình (bao gồm một phiên giải trình có Hội đồng Dân tộc đồng chủ trì); nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV tổ chức 06 phiên giải trình; nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đồng chủ trì 01 phiên giải trình.
Các nội dung giải trình khá đa dạng, việc lựa chọn đan xen giữa kế hoạch và phát sinh tùy thuộc vào tính chất của vấn đề được lựa chọn. Cụ thể, bao gồm: chính sách pháp luật về thi đua, khen thưởng; chính sách, pháp luật về bảo trợ xã hội; phân bổ nguồn lực và cơ chế điều hành thực hiện chính sách giảm nghèo; chính sách pháp luật về giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2005-2012; tổ chức, bộ máy ngành y tế; chuyển tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và quản lý Quỹ bảo hiểm y tế; quản lý nhà nước đối với việc cấp chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh; chính sách, pháp luật về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện; việc thực hiện chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở giai đoạn 2013 - 2016; việc triển khai thực hiện lộ trình thông tuyến trong khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; việc tăng cường chất lượng và hiệu quả hoạt động của mạng lưới y tế tuyến cơ sở; trách nhiệm quản lý nhà nước và phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình; trách nhiệm quản lý nhà nước trong thực hiện chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi và người khuyết tật; việc thực hiện chính sách, pháp luật về cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập ... Đây hầu hết là những vấn đề được cử tri, dư luận xã hội và đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm và có tác động cả về khía cạnh chính sách, pháp luật, công tác tổ chức thực hiện cũng như ảnh hưởng, tác động đến đời sống của người dân.
Kết luận các phiên giải trình được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tổ chức thực hiện kịp thời, cơ bản đáp ứng được nguyện vọng, kiến nghị của cử tri, tháo gỡ nhất định những khó khăn trong công tác tổ chức, thực hiện hoặc là cơ sở để sửa đổi, điều chỉnh chính sách, pháp luật phù hợp.
Với tầm quan trọng và vai trò của các Phiên giải trình trong thực tiễn hoạt động của Quốc hội thời gian qua, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Đinh Ngọc Quý cho rằng việc hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc tổ chức phiên giải trình tại Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội là cần thiết, cụ thể là hoàn thiện và ban hành dự thảo Nghị quyết hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.
Trong đó, dự thảo Nghị quyết này chỉ nên là hướng dẫn khung; quy định một số vấn đề mấu chốt, có tính chất quyết định và chi phối (cụ thể như: thủ tục theo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; thời hạn thông báo kế hoạch để Ủy ban Thường vụ điều hòa hoạt động; thủ tục lựa chọn, quyết định vấn đề giải trình, vai trò của Thường trực Hội đồng Dân tộc và Ủy ban; các trường hợp giải trình đột xuất, theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thời hạn gửi báo cáo; giá trị của Kết luận phiên giải trình…).
Đồng thời, nghiên cứu bổ sung quy định về trường hợp giải trình đột xuất do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công, do Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban quyết định nhưng với trình tự, thủ tục rút gọn vì thực tế có những vấn đề; phát sinh mà không thể tuân thủ đầy đủ các quy định về thời hạn; nghiên cứu bổ sung trình tự về việc thống nhất nội quy hay quy định về phiên giải trình và việc thông qua Kết luận…/.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=79132