ĐBQH: Doanh nghiệp vi phạm, tài sản không có lỗi
Các ĐBQH cho rằng việc xử lý vi phạm của doanh nghiệp phải thật nghiêm nhưng hạn chế việc kê biên, tịch thu tài sản, thiết bị sản xuất, gây trì trệ hoạt động kinh doanh, ảnh hưởng đến việc làm của người lao động.
Hạn chế gây trì trệ hoạt động kinh doanh
Liên quan đến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ, ông rất quan tâm về nguyên tắc xử lý các vi phạm và giải quyết các vụ việc trong hoạt động kinh doanh.

ĐBQH Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình). Ảnh: Yến Chi.
Theo ông, dự thảo Nghị quyết đã quy định bảo đảm việc niêm phong, kê biên tạm giữ, phong tỏa tài sản liên quan đến vụ việc, vụ án phải theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, phạm vi, không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; sử dụng hợp lý các biện pháp cần thiết để bảo đảm giá trị tài sản liên quan đến vụ án, là chưa đủ.
Bên cạnh việc bảo đảm giá trị tài sản, phải đảm bảo được quyền của tài sản đó bởi trong các vụ án, tài sản không có lỗi.
"Tức là cho tài sản tiếp tục được vận hành, khai thác hợp lý để mang lại lợi ích chung cho xã hội, cho doanh nghiệp, tiếp tục tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Góp ý thêm về dự thảo Nghị quyết, ĐBQH Phan Đức Hiếu đề nghị cần có chính sách miễn phí lệ phí cho doanh nghiệp trong trường hợp phải cấp lại hoặc đổi lại các giấy tờ liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi sắp xếp đơn vị hành chính.
Nếu kê biên một dây chuyền sản xuất khiến dây chuyền này ngừng hoạt động sẽ không tạo ra được giá trị; hay kê biên một ngôi nhà, sau này thực hiện thi hành án lại phải tổ chức bán đấu giá. Vậy tại sao không để chủ sở hữu tự thanh lý tài sản đó với giá tốt hơn và khắc phục sau?", ông Hiếu nêu ý kiến.
Thống nhất nguyên tắc xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động kinh doanh, song đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn TP Hà Nội) cũng cho rằng quá trình xử lý cần lưu ý không làm ảnh hưởng đến sản xuất, hoạt động kinh doanh, không làm đình trệ và chấm dứt việc cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp.
"Không dễ dãi gắn mác tang vật vụ án lên công cụ sản xuất, máy móc, thiết bị của doanh nghiệp. Nếu có, phải nhanh chóng giải quyết để sớm đưa lại vật tư, thiết bị máy móc vào hoạt động sản xuất", ông Trí nhấn mạnh.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn TP Hà Nội). Ảnh: Media Quốc hội.
Đề xuất xây khu công nghiệp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
Theo đại biểu Phan Đức Hiếu, hiện nay, các khu công nghiệp hiện đại chỉ dành cho doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó khăn khi tìm vị trí hoạt động.
Do đó, chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận mặt bằng đất đai cho sản xuất kinh doanh rất cần thiết.
Ông đề xuất Nhà nước nên đầu tư xây dựng những khu hoặc cụm công nghiệp chuyên biệt với đầy đủ hạ tầng (kho bãi, nơi làm việc...) cho những doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp vừa và nhỏ thuê, với mức giá hợp lý.
"Nói cách khác có thể coi như "nhà ở xã hội" cho nhóm doanh nghiệp này", đại biểu đoàn Thái Bình nhấn mạnh.
Tương tự, đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định tại một số tỉnh, thành phố có quy hoạch các khu/cụm công nghiệp được nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và ưu tiên cho các doanh nghiệp công nghệ thuộc khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê.