ĐBQH đồng tình giữ 2% kinh phí công đoàn

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 7, sáng 18/6, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Theo đó, quy định mức kinh phí công đoàn đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động được nhiều đại biểu quan tâm.

Giảm kinh phí công đoàn sẽ giảm các phúc lợi

Cho ý kiến, đại biểu Nguyễn Duy Minh - Đoàn ĐBQH Tp. Đà Nẵng tán thành với quy định tại Điều 29 dự thảo Luật: "Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động".

Toàn cảnh phiên họp

Toàn cảnh phiên họp

Theo đại biểu, nguồn kinh phí công đoàn được sử dụng mang lại lợi ích cho cả người lao động và người sử dụng lao động.

Mặt khác, tài chính công đoàn độc lập, "không phụ thuộc vào ngân sách nhà nước". Nếu giảm kinh phí công đoàn sẽ dẫn đến các phúc lợi giảm, ảnh hưởng đến việc thu hút người lao động vào tổ chức công đoàn.

Đại biểu Nguyễn Duy Minh- Đoàn ĐBQH Tp. Đà Nẵng.

Đại biểu Nguyễn Duy Minh- Đoàn ĐBQH Tp. Đà Nẵng.

Theo đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương, "nguồn kinh phí này chủ yếu trực tiếp chăm lo cho người lao động".

"Kinh phí công đoàn chiếm tỉ trọng nhỏ trong chi phí của doanh nghiệp (trung bình khoảng 0,38%). Rất ít doanh nghiệp nước ngoài kiến nghị đến việc nộp 2% kinh phí công đoàn" - đại biểu Trân thông tin.

Tương tự, đại biểu Hoàng Ngọc Định - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho rằng, dự luật kế thừa mức đóng kinh phí công đoàn 2% hoàn toàn hợp lý.

Về bản chất, theo đại biểu, việc quy định thu gián tiếp 2% theo quy định của Luật Công đoàn "để phục vụ chăm lo lại cho người lao động, tái sản xuất sức lao động để bù đắp hao phí sức lao động của người lao động mà doanh nghiệp chưa tính đúng, tính đủ vào tiền lương của người lao động".

Không quy định cứng tỉ lệ phân phối kinh phí công đoàn

Theo dự án Luật Công đoàn sửa đổi, ban soạn thảo đưa ra hai phương án phân phối kinh phí công đoàn cho công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

Cụ thể, phương án 1 giao Chính phủ quy định chi tiết. Phương án 2 quy định cụ thể tỉ lệ phân phối kinh phí công đoàn đối với công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo tỉ lệ 25% - 75%.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông- Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông- Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận.

Theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận, tỉ lệ phân bổ cần bám sát tinh thần Nghị quyết 18 của BCH Trung ương, bảo đảm quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch và nâng cao hiệu quả.

Theo đại biểu, việc không quy định cứng tỉ lệ (mà quy định theo hướng "tối thiểu" 75% và "tối đa" 25% sẽ bảo đảm linh hoạt trong điều tiết tổng thể của cả hệ thống, "tùy theo quy mô của tổ chức công đoàn hoặc theo địa bàn".

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, để tạo điều kiện cho việc tăng cường bố trí nguồn kinh phí cho công đoàn cơ sở, "đề nghị không quy định cứng tỉ lệ 25% và 75% như dự luật".

"Đề nghị xem xét quy định kinh phí công đoàn do công đoàn cấp trên quản lý, sử dụng tối đa 25%, còn lại được phân phối cho công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp" - đại biểu Nga nêu quan điểm.

Duy Tuấn

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/dbqh-dong-tinh-giu-2-kinh-phi-cong-doan-436621.html