ĐBQH Hà Sỹ Đồng tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều nay 12/5, Quốc hội thảo luận tổ về dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội đồng tình việc cần thiết ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân trong tình hình hiện nay, phù hợp với hoạt động của các doanh nghiệp lớn hoặc kinh doanh trong lĩnh vực liên quan mật thiết đến dữ liệu như: mạng xã hội, viễn thông, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm...

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng phát biểu tại buổi thảo luận tổ chiểu 12/5 - Ảnh: NL

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng phát biểu tại buổi thảo luận tổ chiểu 12/5 - Ảnh: NL

Tuy nhiên, việc dự thảo luật có quy định doanh nghiệp phải lập hồ sơ đánh giá tác động xử lý dữ liệu trước khi thu thập thông tin cá nhân của nhân viên, khách hàng và thuê chuyên gia bảo vệ dữ liệu cá nhân nếu hoạt động trên 5 năm, đại biểu cho rằng, dự thảo luật đặt ra quá nhiều nghĩa vụ và thủ tục đối với doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh nhỏ, lẻ; với hàng trăm ngàn doanh nghiệp, hàng triệu chủ sử dụng lao động trên cả nước thì quy định trên làm phát sinh chi phí tuân thủ là rất lớn.

Do đó, đại biểu đề nghị ban soạn thảo có các quy định giảm nhẹ gánh nặng làm thủ tục cho các đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủ sử dụng lao động với người lao động.

Cụ thể: đối với trường hợp dữ liệu từ 100 người trở xuống thì miễn việc lập hồ sơ đánh giá tác động, miễn thuê chuyên gia bảo vệ dữ liệu; đối với trường hợp trong quan hệ lao động từ 1.000 lao động trở xuống được miễn nghĩa vụ lập hồ sơ đánh giá tác động, thuê chuyên gia bảo vệ dữ liệu; đối với cơ sở giáo dục cũng đề nghị miễn nghĩa vụ lập hồ sơ đánh giá tác động hay thuê chuyên gia bảo vệ dữ liệu đối với danh sách học sinh, người hoc.

Đối với các đơn vị này, theo đại biểu chỉ cần tập trung quy định nghĩa vụ cấm để lộ lọt dữ liệu hay sử dụng sai mục đích, nếu vi phạm thì có chế tài xử phạt nặng, đây là quy định phù hợp với tinh thần chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm theo nghị quyết của Đảng.

Đại biểu chỉ ra một số quy định chồng chéo, trùng lắp giữa dự thảo luật này và Luật Dữ liệu và lo ngại sự chồng chéo, xung đột này sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn khi tuân thủ hoặc tăng chi phí không đáng có.

Đề nghị cần có hướng dẫn rõ ràng việc doanh nghiệp sẽ phải tuân thủ theo quy định của luật nào; mọi thủ tục liên quan đến dữ liệu cá nhân cần được quản lý thống nhất theo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; trong trường hợp dữ liệu cá nhân được xếp loại là dữ liệu quan trọng hoặc dữ liệu cốt lõi thì có thể bổ sung yêu cầu và thủ tục ngay trong luật này thay vì quy định trong nghị định hướng dẫn Luật Dữ liệu.

Đại biểu cũng đề nghị cân nhắc thiết lập cơ chế phân loại rủi ro theo cấp độ xử lý dữ liệu cá nhân. Doanh nghiệp, cá nhân có hành vi xử lý dữ liệu với rủi ro thấp, chỉ thu thập và lưu trữ thông tin để phục vụ quan hệ lao động thông thường, hoặc chăm sóc khách hàng cơ bản thì chỉ cần tuân thủ các nguyên tắc bảo mật tối thiểu và không bị áp các thủ tục nặng nề.

Ngược lại, các hoạt động xử lý dữ liệu có yếu tố phân tích hành vi, dự đoán xu hướng, kết hợp nhiều nguồn dữ liệu, hoặc chia sẻ với bên thứ ba mới cần chịu sự quản lý chặt chẽ hơn. Cách tiếp cận này không chỉ bảo đảm tính khả thi trong thực thi luật, mà còn phù hợp với thông lệ quốc tế.

Ngoài ra, cần xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quy định rõ tiêu chí đánh giá sự mâu thuẫn, chồng chéo giữa các đạo luật. Đồng thời yêu cầu các cơ quan soạn thảo phải xây dựng báo cáo đánh giá tác động pháp lý không chỉ ở góc độ riêng của luật được đề xuất, mà cả ở góc độ ảnh hưởng đến hệ thống pháp luật hiện hành.

Có như vậy mới khắc phục được tình trạng “mỗi luật một cõi”, làm phát sinh gánh nặng tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp. Việc ban hành luật cần đi đôi với tinh thần cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục, tránh tình trạng “luật chồng luật” làm triệt tiêu hiệu lực thực tế của chính sách công theo tinh thần cải cách thể chế hiện nay.

Nguyễn Lý - Cẩm Nhung

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/dbqh-ha-sy-dong-tham-gia-y-kien-vao-du-thao-luat-bao-ve-du-lieu-ca-nhan-193596.htm