ĐBQH HOÀNG VĂN CƯỜNG: CÓ NHỮNG LÃNH ĐẠO, CƠ QUAN CHƯA THỰC SỰ AM HIỂU VỀ ĐẤU THẦU NÊN DẪN ĐẾN SAI PHẠM MỘT CÁCH VÔ THỨC

ĐBQH Hoàng Văn Cường- Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội nêu quan điểm: Có những lãnh đạo, cơ quan chưa thực sự am hiểu về đấu thầu nên có thể dẫn đến sai phạm một cách vô thức. Vì vậy, việc đấu thầu cần do các tổ chức chuyên nghiệp thực hiện và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu không công khai minh bạch, đúng các quy định.

ĐBQH TRẦN VĂN KHẢI: ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP ĐỐI VỚI 08 VẤN ĐỀ VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

VIÊN CHỨC NGÀNH GIÁO DỤC VÀ Y TẾ XIN NGHỈ VIỆC GIA TĂNG KHÔNG CHỈ DO MỨC LƯƠNG, PHỤ CẤP THẤP

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, cho ý kiến về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng về tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại một số cơ sở khám chữa bệnh chưa được xử lý dứt điểm. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này một phần là do văn bản dưới luật hướng dẫn các cơ sở y tế trong việc mua sắm thuốc men, trang thiết bị y tế còn chưa rõ ràng nên có tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm trong đội ngũ quản lý bệnh viện. Ngoài ra, trong Luật Đấu thầu hiện hành vẫn còn chưa quy định hay còn có những kẽ hở trong công tác đấu thầu.

Đóng góp ý kiến vào việc đưa ra các giải pháp khắc phục bất cập trên, bên hành lang Quốc hội, đại biểu Hoàng Văn Cường-Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cho rằng, việc đấu thầu cần do các tổ chức chuyên nghiệp thực hiện các dịch vụ mua sắm, đấu thấu và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu không công khai minh bạch, đúng các quy định.

Đại biểu Hoàng Văn Cường-Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội.

Đại biểu Hoàng Văn Cường-Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội.

Phóng viên: Đại biểu nhìn nhận như thế nào về đấu thầu thuốc, trang thiết bị vật tư y tế trong thời gian qua?

ĐBQH Hoàng Văn Cường: Trong thời gian phòng, chống dịch bệnh Covid-19, chúng ta thấy rõ là một số cán bộ lãnh đạo cơ sở y tế vì lo sợ sai phạm, thủ tục không chặt chẽ nên đã không dám mua sắm các trang thiết bị y tế khám chữa bệnh. Do đó, một số bệnh viện đã thiếu trang thiết bị, vật tư y tế để chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân. Ngoài ra, chúng ta đã nhìn thấy một số vụ án về y tế liên quan đến công tác đấu thầu. Dường như các quy định liên quan đến đấu thầu có vẻ chặt chẽ nhưng vẫn còn kẽ hở, những hạn chế. Đó là có những lãnh đạo, cơ quan chưa thực sự am hiểu về đấu thầu nên có thể dẫn đến một số sai phạm trong đấu thầu một cách vô thức. Trong những vụ án liên quan đến y tế vừa qua có những cán bộ lãnh đạo làm sai nhưng không biết là mình đã vi phạm. Do vậy, trong Luật Đấu thầu (sửa đổi) lần này cần phải có những quy định để tránh những sai phạm không phải do cố tình mà do vô thức.

Phóng viên: Theo đại biểu, công tác đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế nói riêng và các vật tư khác nói chung nên được thực hiện như thế nào để đảm bảo công khai, minh bạch và giảm bớt áp lực cho các cơ quan mua sắm trang thiết bị?

ĐBQH Hoàng Văn Cường: Theo tôi, đấu thầu là một hoạt động phải thực hiện chuyên nghiệp, chứ không phải bất kỳ giám đốc một bệnh viện, hiệu trưởng một trường học có thể am hiểu hết và thực hiện được ngay. Việc đấu thầu các dịch vụ mua sắm trang thiết bị như trong lĩnh vực y tế rất cần do các tổ chức chuyên nghiệp thực hiện và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu không công khai minh bạch, đúng các quy định. Có như vậy, sẽ giảm bớt áp lực, đổ dồn trách nhiệm cho các cơ quan muốn mua sắm trang thiết bị.

Phóng viên: Tại Kỳ họp thứ 4 này, Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), đại biểu có ý kiến như thế nào để khắc phục được những bất cập trong hoạt động đấu thầu hiện nay?

ĐBQH Hoàng Văn Cường: Đấu thầu là một trong những hoạt động để lựa chọn được nhà thầu, nhà đầu tư có năng lực cũng như lựa chọn, mua sắm được những hàng hóa, vật tư tốt nhất với giá tiết kiệm nhất. Nhiều nước trên thế giới đều thực hiện biện pháp đấu thầu để triển khai những nhiệm vụ trên. Tuy nhiên, trong thời gian qua, chúng ta nhìn thấy nhiều vướng mắc liên quan đến công tác đấu thầu. Ví dụ như hoạt động đầu tư bị tiến hành chậm do thủ tục liên quan đến đấu thầu còn phức tạp, kéo dài.

Trên thực tế, việc tiết kiệm thông qua đấu thầu không phải là cao. Số lượng nhà đầu tư tham gia công tác đấu thầu không nhiều. Điều này cho thấy, có thể còn có những công đoạn mang tính chất thủ tục hành chính, làm mất nhiều thời gian của nhà đầu tư. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Đấu thầu lần này cần phải chú trọng tới giảm bớt, cắt bỏ ở những công đoạn nào thì Ban soạn thảo cần phải lưu ý và nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch trong công tác đấu thầu. Ngoài ra, yêu tố khác là tránh tình trạng chính hồ sơ mời thầu lại gây cản trở, loại bỏ những nhà đầu tư thực sự muốn tham gia đấu thầu.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=69694