ĐBQH: 'Kinh tế phát triển nhất thiết phải có văn hóa, văn hóa phát triển nhất thiết phải có nguồn lực kinh tế hỗ trợ'

Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng nhấn mạnh, kinh tế phát triển nhất thiết phải có văn hóa, văn hóa phát triển nhất thiết phải có nguồn lực kinh tế hỗ trợ, đây là mối quan hệ biện chứng của sự phát triển.

Sự tham gia của người dân là cơ sở bảo đảm sự thành công của chương trình

Góp ý tại Phiên thảo luận Hội trường (Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV) về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035, đại biểu Hoàng Đức Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị bày tỏ thống nhất cao và cho rằng, chương trình được xây dựng công phu, khá đầy đủ và toàn diện, có tầm nhìn dài hạn cùng những mục tiêu trong từng giai đoạn cụ thể.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị

Đại biểu Hoàng Đức Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị

Theo đó, chương trình được thiết kế với 10 nội dung thành phần, 153 chỉ tiêu chi tiết, 42 nhiệm vụ cụ thể, 186 hoạt động chi tiết, hợp thành dãy số 10-153-42-186 đầy sinh động và khát vọng bứt phá đi lên trong sự nghiệp chấn hưng và phát triển nền văn hóa nước nhà.

Để chương trình đạt được hiệu quả như mong muốn, đại biểu đề nghị cần xem xét và làm sâu sắc thêm một số nội dung.

Thứ nhất, về sự tham gia của người dân và cộng đồng vào vấn đề xã hội hóa trong thực hiện chương trình. Mục tiêu chương trình hướng đến nhiều đối tượng người dân, cộng đồng dân cư và cách tổ chức thiết chế văn hóa trong một phạm vi không gian rộng lớn, do vậy sự tham gia của người dân, cộng đồng dân cư là cơ sở bảo đảm sự thành công của chương trình nói riêng cũng như sự nghiệp văn hóa nói chung, với tư cách người dân là chủ thể sáng tạo, làm nên văn hóa và cũng là người thụ hưởng các giá trị văn hóa mang lại.

Từ đó, đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị rà soát, bổ sung làm dày thêm nội dung, nhất là các cơ chế, chính sách, nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho sự tham gia của đông đảo nhân dân, cộng đồng dân cư vào các hoạt động văn hóa, sáng tạo văn hóa và thực hành văn hóa, lan tỏa, tiền dẫn, lưu truyền và phát triển các giá trị văn hóa.

"Điều này sẽ đảm bảo tính quy mô rộng khắp, sự lan tỏa và bền vững của chương trình", đại biểu Hoàng Đức Thắng nói.

Gắn kết giữa phát triển văn hóa với phát triển kinh tế

Thứ hai, về phát huy vai trò của doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế trong phát triển văn hóa, cần khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế trong sự nghiệp phát triển văn hóa.

Nếu nhân dân là chủ thể sáng tạo nên văn hóa thì cộng đồng doanh nghiệp và tổ chức kinh tế là bệ đỡ kiến tạo cho những sản phẩm văn hóa được thăng hoa, tuy nhiên vai trò của doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế chưa được khẳng định rõ nét theo đúng vị trí, vai trò vốn có của nó trong chương trình, đây là điều khiếm khuyết cần xem xét bổ sung.

Theo đó, cần thiết kế cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn, tạo điều kiện hấp dẫn hơn để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực văn hóa thông qua các chính sách ưu đãi và hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Theo đại biểu Hoàng Đức Thắng, điều này không chỉ tăng cường nguồn lực xã hội cho các hoạt động văn hóa mà còn tạo ra sự gắn kết giữa phát triển văn hóa với phát triển kinh tế, kinh tế phát triển nhất thiết phải có văn hóa, văn hóa phát triển nhất thiết phải có nguồn lực kinh tế hỗ trợ, đây là mối quan hệ biện chứng của sự phát triển.

Thứ ba, về khắc phục sự đứt gãy và duy trì tính liên tục trong các chương trình văn hóa. Trong phần nêu về sự cần thiết của chương trình đã có đề cập đến nội dung chương trình nhằm tiếp nối và phát triển các nhiệm vụ về phát triển văn hóa tại các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu, chương trình đề án, dự án giai đoạn trước và đang triển khai các thành tựu đạt được trong một số lĩnh vực.

Tuy nhiên, theo đại biểu, trong thực tế, sự đứt gãy của một số chương trình văn hóa trước đó đã gây ra nhiều khó khăn trong sự kế thừa và phát triển liên tục sự nghiệp văn hóa, đồng thời nguồn ngân sách đầu tư cho các chương trình không được phát huy tối đa hiệu quả sử dụng.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu thiết kế, bổ sung cơ chế liên tục và bền vững cho chương trình văn hóa tổng thể này, tránh tình trạng đứt gãy, cắt khúc.

"Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2035. Vậy vấn đề cần đặt ra là sau khi kết thúc chương trình này thì công việc tiếp theo là gì để liên tục tiếp nối, kế thừa, phát huy, phát triển các giá trị mà chương trình mang lại trong dòng chảy bất tận về văn hóa. Do đó, nó cũng chính là một phần của chương trình rất đáng để suy ngẫm và thiết kế giải pháp định hướng bổ sung", đại biểu bày tỏ.

Khơi dậy khát vọng phát triển, bồi đắp hào khí dân tộc

Góp ý về chủ trương đầu tư Chương trình, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng - Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc xây dựng và tổ chức triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 là cần thiết.

Trước hết là nhằm góp phần đưa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam, đáp ứng kịp thời yêu cầu xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước ta, góp phần khơi dậy khát vọng phát triển, bồi đắp hào khí dân tộc, làm cho văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội và còn là nguồn lực nội sinh quan trọng trực tiếp thúc đẩy quá trình phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước ta trong thời kỳ mới.

Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng - Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh

Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng - Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh

Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng cho rằng, chương trình có đối tượng, phạm vi rất rộng, với nhiều nội dung khó và có nhiều cách tiếp cận khác nhau.

Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước, tập trung vào hoạt động thuộc các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, cụ thể gồm di sản văn hóa, văn hóa cơ sở, nghệ thuật biểu diễn, âm nhạc, sân khấu, múa, văn học, mỹ thuật, triển lãm, nhiếp ảnh, kể cả giáo dục văn hóa, đào tạo văn hóa, văn hóa dân tộc, văn nghệ dân gian dân tộc thiểu số, văn hóa đối ngoại và nhất là công nghiệp văn hóa.

Do đó, đại biểu kiến nghị chương trình cần được nghiên cứu, đánh giá toàn diện, chuẩn bị hồ sơ bảo đảm chất lượng, đồng thời bố trí thời gian phù hợp để Quốc hội cho ý kiến và thảo luận kỹ lưỡng trước khi ra quyết định.

"Đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định theo quy trình 2 kỳ họp, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp này và xem xét thông qua tại kỳ họp lần thứ 8, Quốc hội khóa XV", đại biểu đề nghị.

Về các nội dung thành phần của chương trình, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng cơ bản nhất trí với 10 nội dung thành phần của chương trình và cho rằng các nội dung này đã phản ánh đầy đủ về yêu cầu lý luận và thực tiễn phát triển văn hóa trong giai đoạn tiếp theo.

Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo quan tâm, cụ thể hóa chỉ tiêu nhiệm vụ chương trình này với quan điểm của Đảng là tăng cường xây dựng văn hóa trong chính trị, kinh tế, coi trọng xây dựng văn hóa từ trong Đảng, trong bộ máy nhà nước, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; coi trọng yếu tố con người, văn hóa trong kinh doanh, kinh tế, văn hóa trong doanh nghiệp và xây dựng đội ngũ doanh nhân giỏi, đóng góp có trách nhiệm cho cộng đồng xã hội theo tinh thần Nghị quyết 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam./.

Xuân Trường - Thế Công

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/dbqh-kinh-te-phat-trien-nhat-thiet-phai-co-van-hoa-van-hoa-phat-trien-nhat-thiet-phai-co-nguon-luc-kinh-te-ho-tro-20240624103902529.htm