ĐBQH: Làm dự án vài trăm ha mà đi thỏa thuận với từng người dân là không khả thi
Nhiều đại biểu cho rằng, với những dự án lớn vài trăm ha đất trở lên, Nhà nước nên đứng ra thu hồi để đảm bảo quyền lợi các bên.
Chiều 3/11, các đại biểu Quốc hội khóa XV tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó nội dung phương án thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội rất được quan tâm.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng, về dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, đây là nội dung rất quan trọng, được cử tri mong chờ, đặc biệt là người dân trong diện bị thu hồi đất cho các dự án có chênh lệch địa tô.
"Cần có tiêu chí, điều kiện cụ thể để Nhà nước thu hồi đất giao cho nhà đầu tư, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi, sinh hoạt, đời sống của người dân", ông Hòa nói.
Theo đại biểu, với những dự án hàng trăm ha trở lên, nếu để nhà đầu tư tự đi thỏa thuận với từng người dân thì rất khó để đạt được tỷ lệ đồng thuận 100%. Do đó, rất cần có phương pháp, nguyên tắc định giá đất phù hợp với thực tiễn, hài hòa lợi ích của nhà đầu tư và người dân.
Đồng quan điểm, đại biểu Trịnh Xuân An (Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh) cho rằng, Nghị quyết 18 có nêu "tiếp tục cơ chế thỏa thuận trong thu hồi đất", song cũng không yêu cầu tất cả các dự án đều phải thỏa thuận.
Ông An cho rằng thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội nhằm phát huy nguồn lực đất đai và nâng cao hiệu quả ruộng đất, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội.
"Quan trọng nhất là phải phát huy được nguồn lực đất đai và biến đất đai trở thành sức mạnh của nền kinh tế. Muốn vậy, phải cho phép thu hồi đối với các dự án. Tất nhiên, thu hồi với dự án quy mô bao nhiêu, có tính chất như thế nào, đề nghị quy định thẳng trong luật", theo đại biểu Trịnh Xuân An.
Ông góp ý việc thu hồi đất có thể áp dụng với những dự án có quy mô lớn từ 300 ha trở lên và là những khu đô thị, khu dân cư hiện đại. Như vậy mới đủ tiêu chí, mới có được bộ mặt của một đất nước có những đô thị lớn, có những công trình, dự án lớn.
"Phải thu hồi mới làm được, còn nếu thỏa thuận, khi không thể thỏa thuận được thì quy định trở thành vô nghĩa. Không thể có một dự án diện tích hàng trăm ha mà ta thỏa thuận với từng hộ dân, từng người được", ông An nói và nhấn mạnh nguyên tắc lợi ích của người dân và doanh nghiệp phải hài hòa trong câu chuyện này.
Trong sáng nay, đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) cho rằng, Nhà nước nên đứng ra thu hồi đất sẽ tạo thuận lợi, tuy nhiên, Nghị quyết 18 đã nêu quan điểm của Đảng là phải tuân thủ nguyên tắc thỏa thuận trong việc thu hồi đất.
Đặt vấn đề khi nào thì thỏa thuận, thỏa thuận ra sao, ông đánh giá nguyên tắc thỏa thuận đảm bảo nguyên tắc thị trường rất đúng, rất hợp lý và cần phải tuân thủ. Nhưng phải phân biệt đất thu hồi cho các dự án nhà ở thương mại, nếu là đất ở thì hai bên buộc phải thỏa thuận, nếu là đất nông nghiệp thì chưa phải là đất ở, vấn đề chuyển sang đất ở là thẩm quyền của nhà nước.
Như vậy, chỉ có thể Nhà nước đứng ra thu hồi, sau đó chuyển quyền và chuyển cho dự án nhà ở thương mại thì lúc bấy giờ tiến hành đấu giá sẽ hợp lý.
Nhưng với đất nông nghiệp lại chuyển sang cho các dự án sản xuất nông nghiệp của các doanh nghiệp, theo ông Lâm lúc này quay trở lại phải thỏa thuận.
Dự luật Đất đai sửa đổi lần này quy định Nhà nước thu hồi đất thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, như xây dựng công trình giao thông; công trình thủy lợi; công trình cấp thoát nước; công trình xử lý chất thải rắn; công trình năng lượng, chiếu sáng công cộng; công trình dầu khí; hạ tầng bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin; chợ dân sinh, chợ đầu mối; công trình tôn giáo, tín ngưỡng; khu vui chơi, giải trí công cộng.
Dự thảo luật Đất đai sửa đổi đã được Quốc hội cho ý kiến tại hai kỳ họp 4, 5. Quốc hội sẽ biểu quyết, thông qua dự án luật vào sáng 29/11, ngày cuối cùng của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 15.