ĐBQH LÊ NHẬT THÀNH: VIỆC KHAI THÁC THÔNG TIN TRONG THẺ CĂN CƯỚC PHẢI BẢO ĐẢM ĐỦ CÁC ĐIỀU KIỆN DO BỘ CÔNG AN QUY ĐỊNH

Đóng góp vào dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), đại biểu Lê Nhật Thành - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cho rằng, việc khai thác thông tin trong thẻ căn cước phải được bảo đảm đủ các điều kiện như: Chỉ có thiết bị chuyên dụng đã được Bộ Công an đánh giá đạt tiêu chuẩn, đối tượng khai thác trong chức năng, nhiệm vụ được giao…

Theo chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ thảo luận tại Hội trường vê dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi). Đề cập sự cần thiết của việc sửa đổi Luật này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh: Luật Căn cước công dân năm 2014 là văn bản pháp lý quan trọng trong công tác quản lý dân cư, căn cước, tạo thuận lợi cho nhân dân trong việc đi lại, thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại…

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.

Tuy nhiên, qua hơn 07 năm triển khai thi hành, Luật đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc cần giải quyết. Vì vậy, cần thiết xây dựng dự án Luật Căn cước nhằm mục đích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phát triển kinh tế, xã hội; xây dựng công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

Dự án luật được xây dựng dựa trên quan điểm chỉ đạo quán triệt và cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về căn cước; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân; phục vụ chuyển đổi số quốc gia, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, xã hội số.

Việc xây dựng dự án Luật được tiến hành trên cơ sở tổng kết thực tiễn; kế thừa các quy định còn phù hợp, khắc phục những bất cập, hạn chế; tạo điều kiện thuận lợi để người dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Tham khảo có chọn lọc pháp luật về quản lý Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, cấp, quản lý và sử dụng giấy tờ về căn cước công dân của một số nước, phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới.

Thay mặt cơ quan thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Căn cước như Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, việc ban hành Luật Căn cước nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xây dựng Chính phủ điện tử, giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực; đồng thời khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật Căn cước công dân hiện hành.

Để việc xây dựng, ban hành Luật Căn cước được chặt chẽ, phát huy có hiệu quả, phù hợp với thực tiễn, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới đề nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số đồng bộ, sớm hoàn thiện ứng dụng tài khoản định danh điện tử, kết nối, chia sẻ thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phát huy tối đa hiệu quả của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, việc chỉnh lý tên gọi “Luật Căn cước công dân (sửa đổi)” thành “Luật Căn cước” nhằm bảo đảm tính bao quát, đầy đủ, phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật, phù hợp với yêu cầu quản lý và khai thác, sử dụng trong các giao dịch của người dân; do vậy, nhất trí tên gọi của dự thảo Luật là Luật Căn cước.

Đại biểu Lê Nhật Thành – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội.

Đại biểu Lê Nhật Thành – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội.

Đóng góp ý kiến về việc đổi tên dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) thành Luật Căn cước, đại biểu Lê Nhật Thành – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội nêu quan điểm: Về cơ bản, dự thảo Luật được xây dựng theo 04 chính sách đã được Chính phủ thống nhất thông qua và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật. Trong đó, bao gồm cả chính sách về việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch và căn cước điện tử (tài khoản định danh điện tử của công dân Việt Nam). Vì vậy, để cụ thể hóa các chính sách nêu trên trong dự thảo Luật được đầy đủ, chặt chẽ, bảo đảm tính bao quát và phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật, Chính phủ đã chỉnh lý tên gọi của dự án Luật từ “Luật Căn cước công dân (sửa đổi)”thành “Luật Căn cước”.

Tại Thông báo số 2236/TB-TTKQH ngày 25/4/2023 của Tổng Thư ký Quốc hội về kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 04/2023 thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có ý kiến thống nhất với việc sửa tên Luật như trên và kết luận Hồ sơ dự án Luật Căn cước đã đủ điều kiện trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5. Về phạm vi điều chỉnh, dự án Luật quy định theo hướng Luật này quy định về căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; thẻ căn cước; giấy chứng nhận căn cước; căn cước điện tử; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Quản lý căn cước đối với người gốc Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch là cần thiết

Dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) mở rộng đối tượng áp dụng so với Luật Căn cước công dân năm 2014. Theo đó, ngoài áp dụng đối với người dân Việt Nam, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, Luật này còn áp dụng đối với người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch. Dự án Luật đã bổ sung một Điều về giấy chứng nhận căn cước và quản lý người gốc Việt Nam; quy định việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho những người này.

Dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận tại Hội trường trong kỳ họp thứ 5 này.

Dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận tại Hội trường trong kỳ họp thứ 5 này.

Đại biểu Lê Nhật Thành cho rằng, Luật Căn cước công dân năm 2014 mới chỉ tập trung vào việc quản lý công dân qua Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, qua thẻ căn cước mà chưa có quy định về tài khoản định danh điện tử (căn cước điện tử) đối với cá nhân trên môi trường điện tử. Quy định của pháp luật về các vấn đề trên chủ yếu được quy định ở các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành luật, văn bản dưới luật (như Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015, Nghị định số 37/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021, Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 05/9/2022 quy định về định danh và xác thực điện tử…). Trong khi đó, đây là vấn đề lớn, tác động rộng rãi đến cơ quan, tổ chức, cá nhân nên cần được luật hóa để bảo đảm đúng tinh thần của Hiến pháp là các quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân cần phải ban hành dưới hình thức luật (khoản 2 Điều 14 Hiến pháp), bảo đảm, bảo vệ được quyền, lợi ích chính đáng của cá nhân.

Thực tiễn hiện nay, Bộ Công an cũng đang triển khai cấp tài khoản định danh điện tử cho người dân theo Nghị định số 59/2022/NĐ-CP; chỉ có tài khoản do hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an tạo lập cho người dân Việt Nam mới là tài khoản định danh điện tử. Đồng thời, Nghị định số 59/2022/NĐ-CP cũng quy định rõ giá trị sử dụng của tài khoản định danh điện tử của người dân là tương đương với thẻ căn cước; các tài khoản khác do cơ quan, tổ chức, cá nhân tự tạo lập thì không phải là tài khoản định danh điện tử và không có giá trị sử dụng tương đương với thẻ căn cước.

Trong quá trình xây dựng Luật này, Bộ Công an đã rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan thấy rằng Luật Quốc tịch, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam có quy định về người nước ngoài và công dân Việt Nam; trong đó, tập trung quy định về việc công nhận, xác định quốc tịch, quản lý cư trú (cấp thẻ thường trú, tạm trú…).

Tuy nhiên, theo đại biểu Lê Nhật Thành, các luật trên đều không điều chỉnh, quy định về quản lý căn cước đối với người gốc Việt Nam. Trong khi đó, thực tiễn cho thấy tại nước ta có một bộ phận không nhỏ người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam do nhiều nguyên nhân khác nhau liên quan đến lịch sử, chiến tranh, di cư… mà họ và các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương đều không có thông tin hoặc bất cứ giấy tờ nào chứng minh về nhân thân, lai lịch (những người này đều không đủ điều kiện được cấp thẻ thường trú, tạm trú theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; không thể thực hiện khám chữa bệnh, ký hợp đồng lao động, nhập học hoặc tham gia giao dịch dân sự cần chứng minh thông tin nhân thân…). Để giải quyết tình trạng này, quy định quản lý căn cước đối với người gốc Việt Nam tại dự án Luật là cần thiết và phù hợp; nội dung này không trái với quy định của Luật Quốc tịch và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Trong quá trình lập đề nghị xây dựng Luật, Chính phủ cũng đã thống nhất thông qua 04 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật; trong đó, bao gồm cả chính sách về việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam, bổ sung quy định về căn cước điện tử (tài khoản định danh điện tử của công dân Việt Nam). Do vậy, việc quy định, cụ thể hóa các chính sách nêu trên trong phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo Luật Căn cước là phù hợp.

Việc khai thác thông tin trong thẻ căn cước phải bảo đảm đủ các điều kiện

Đề cập về giải pháp bảo đảm việc khai thác thông tin tích hợp trong thẻ căn cước được an toàn, bảo mật, thuận lợi, đại biểu Lê Nhật Thành nhấn mạnh, thông tin của người dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước và lưu trữ trong thẻ căn cước là thông tin cần bảo vệ. Theo đó, Luật Căn cước đã xác định rõ nguyên tắc quản lý căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước là bảo đảm quyền con người và quyền công dân, chặt chẽ và an toàn. Đồng thời, trong triển khai thực tế, Bộ Công an có các thiết bị chuyên dụng để bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong khai thác dữ liệu từ thẻ căn cước có gắn chíp. Theo đại biểu Lê Nhật Thành, việc khai thác thông tin trong thẻ căn cước phải được bảo đảm đủ các điều kiện kỹ thuật như:

Thứ nhất: Chỉ có thiết bị chuyên dụng đã được Bộ Công an kiểm tra, đánh giá đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn mới có thể khai thác được thông tin tích hợp trong thẻ căn cước (thiết bị sử dụng phần mềm chuyên dụng, có mã hóa bảo mật và được quản lý theo mã số riêng, truy nguyên được chủ thể sử dụng).

Thứ hai: Việc khai thác thông tin trong thẻ căn cước được phân cấp, phân quyền cụ thể, bảo đảm đối tượng khai thác chỉ được phép khai thác khi thực hiện trong chức năng, nhiệm vụ được giao (khai thác thông tin phù hợp với nhiệm vụ của mình) và phải được người dân đó đồng ý thông qua việc xác thực bằng quét vân tay, khuôn mặt trên thiết bị hoặc qua ứng dụng di động VNeID (người dân có quyền cho phép tổ chức, cá nhân khai thác thông tin nào thì sẽ quyết định, phê duyệt trên ứng dụng VNeID). Trường hợp người dân bị mất thẻ căn cước nếu bị người khác sử dụng thẻ căn cước trái phép cũng không khai thác được thông tin tích hợp trong chíp khi không cần phải được chủ thẻ xác nhận trên thiết bị chuyên dụng hoặc ứng dụng VNeID.

Trường hợp người dân bị mất thẻ căn cước mà chưa có điều kiện thực hiện việc cấp lại thẻ thì có thể thực hiện việc khai thác, sử dụng thông tin tích hợp qua căn cước điện tử (ứng dụng VNeID)./.

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=76897