ĐBQH Ma Thị Thúy: Phải có cơ chế giám sát, minh bạch trong xử lý vi phạm hành chính không lập biên bản

Chiều 16-5, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý Vi phạm hành chính; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội. Đồng chí Hà Thị Nga, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì phiên thảo luận Tổ.

Các vị ĐBQH tại phiên thảo luận.

Các vị ĐBQH tại phiên thảo luận.

Tham gia thảo luận, đại biểu Ma Thị Thúy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đồng tình, nhất trí cao với sự cần thiết, cơ sở pháp lý, thực tiễn để xây dựng các dự án Luật, nghị quyết. Đồng chí nhấn mạnh, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính là nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương sắp xếp bộ máy tinh gọn, tổ chức chính quyền 2 cấp và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và khắc phục một số bất cấp của luật hiện hành, đảm bảo đồng bộ với các luật có liên quan.

Về quy định xử phạt vi phạm hành chính không phải lập biên bản, dự thảo đã nâng mức xử phạt cao hơn (cá nhân từ 250 nghìn lên một triệu đồng, tổ chức từ 500 nghìn lên 2 triệu đồng) là phù hợp với tình hình thực tiễn. Tuy nhiên đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị phải có cơ chế giám sát, minh bạch việc xử lý vi phạm hành chính không lập biên bản để không phát sinh tiêu cực.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Thị Nga chủ trì phiên thảo luận.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Thị Nga chủ trì phiên thảo luận.

Về xử lý phương tiện, tang vật, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chính, đại biểu cho rằng, qua giám sát thực tế cho thấy việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính còn nhiều bất cập, khó khăn như: Kho bãi lưu giữ phương tiện vi phạm chưa đảm bảo; người vi phạm không đến để giải quyết, bỏ phương tiện vi phạm do giá trị nhiều khi thấp hơn mức phạt; thủ tục thanh lý, bán đấu giá tài sản, phương tiện vi phạm phức tạp, rườm rà...

Mặc dù dự thảo đã có quy định nhằm tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc này, nhưng vẫn chưa giải quyết hết những bất cập trong thực tế, cần có quy định cụ thể về thời hạn xử lý đối với tang vật vi phạm hành chính dễ bị hư hỏng, suy giảm chất lượng nếu không được bảo quản theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật...

Các vị ĐBQH tại phiên thảo luận.

Các vị ĐBQH tại phiên thảo luận.

Về nội quy kỳ họp Quốc hội, đề nghị quy định rõ trách nhiệm báo cáo trong trường hợp vắng mặt không thể tham dự được các phiên họp của Quốc hội, có thể quy định sử dụng hệ thống công nghệ thông tin của Quốc hội để thông tin, báo cáo. Đồng thời, bổ sung việc thông báo tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội, kể cả trong trường hợp đại biểu không được phát biểu do không còn thời gian tại các phiên thảo luận.

Về thời gian thảo luận nhất là phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, có nhiều đại biểu đăng ký phát biểu, trong khi thời gian phiên thảo luận có hạn, nhiều đại biểu không có cơ hội được phát biểu, nên việc điều hành của Chủ tọa phiên họp cần linh hoạt, ưu tiên đại biểu các Đoàn được phát biểu thảo luận, nói lên nguyện vọng cử tri...

Ngọc Hưng

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/dbqh-ma-thi-thuy-phai-co-co-che-giam-sat-minh-bach-trong-xu-ly-vi-pham-hanh-chinh-khong-lap-bien-ban-211962.html