ĐBQH Mai Văn Hải (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa): Cần có nguyên tắc bình đẳng giữa cơ sở giáo dục công lập với ngoài công lập

Sáng 6/5, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Nhà giáo.

ĐBQH Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa

ĐBQH Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa

Tham gia góp ý, ĐBQH Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cơ bản thống nhất với báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo. Nhiều nội dung ý kiến phát biểu của các ĐBQH đã được tiếp thu một cách nghiêm túc.

Tham gia góp ý tại Điều 5 về nguyên tắc quản lý và phát triển nhà giáo, ĐBQH Mai Văn Hải cơ bản thống nhất với 6 nguyên tắc nêu trong dự thảo luật, song đề nghị cần phải có nguyên tắc bình đẳng giữa cơ sở giáo dục công lập với cơ sở giáo dục ngoài công lập. Bởi vì nguyên tắc này khẳng định dù học ở trường công lập hay ngoài công lập, thì việc xây dựng và phát triển đội ngũ ngà giáo là hết sức quan trọng và học sinh, sinh viên được hưởng quyền và nghĩa vụ như nhau trong tiếp cận giáo dục và đào tạo, tránh sự phân biệt kỳ thị giữa các loại hình cơ sở giáo dục, bảo đảm được quyền lợi của học sinh, sinh viên và giáo viên. Hơn nữa, quy định nguyên tắc bình đẳng giữa cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập sẽ tạo ra môi trường giáo dục cạnh tranh lành mạnh, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Tại Điều 14 về tuyển dụng nhà giáo: Dự thảo luật cũng đã quy định khá minh bạch trong tuyển dụng nhà giáo, rõ về thẩm quyền, trách nhiệm, phân cấp trong tuyển dụng của các cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục. Song theo đại biểu, cần phải quy định trong tuyển dụng phải thực hiện nguyên tắc đảm bảo tính cạnh tranh trong tuyển dụng, có như vậy thì mới nâng cao được chất lượng tuyển dụng đội ngũ nhà giáo.

Về thẩm quyền tuyển dụng, đề nghị nên xem xét lại việc giao thẩm quyền cho cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, trường chuyên biệt công lập khi đủ điều kiện theo quy định. Bởi vì, khả năng tổ chức của các nhà trường để tuyển dụng nhà giáo là khó khăn, khó khăn cả về tổ chức tuyển và khó khăn cả về nguồn để tuyển dụng. Hơn nữa sẽ khó khăn trong việc tiếp nhận, điều động, thuyên chuyển giáo viên giữa các trường khi thừa, thiếu giáo viên.

Về đối tượng ưu tiên (ở khoản 3) trong tuyển dụng theo đại biểu chưa rõ đối tượng và phạm vi, nếu gồm những người có thời gian làm nhiệm vụ giảng dạy thì rất rộng, khó thực hiện được. Vì vậy, đề nghị nên có quy định thời gian cụ thể cho phù hợp. Hay đối với giáo dục nghề nghiệp thì cũng cần quy định cụ thể thời gian người có kinh nghiệm trong thực tế sản xuất, kinh doanh trong thời gian là bao nhiêu năm? Hoặc quy định giao cho Chính phủ quy định chi tiết điều này.

Tại Điều 15 về tiếp nhận nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập, đại biểu đề nghị cũng cần làm rõ quy định để phân biệt giữa tiếp nhận và thực hiện chính sách thu hút nên chỉ quy định việc thực hiện tiếp nhận nhà giáo theo quy định của pháp luật về viên chức, còn đối tượng hưởng chính sách thu hút chỉ nên quy định riêng như dự thảo ở điều 27 dự thảo luật.

Tại Điều 27 về chính sách thu hút, trọng dụng đối với nhà giáo: Đây là những chính sách rất quan trọng trong bối cảnh chúng ta đang thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục, là chính sách trụ cột để vừa thu hút người tài, vừa thu hút giáo viên cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Nên quy định phải chặt chẽ, khả thi, tránh được việc trục lợi chính sách.

Đại biểu đề nghị đối tượng cần phải được quy định rõ hơn, cần phải đưa đối tượng là sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nên có quy định tiêu chí để xác định người có trình độ cao, người có tài năng, người có năng khiếu đặc biệt, người có kỹ năng nghề cao để xác định đối tượng ưu tiên.

Quốc Hương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/dbqh-mai-van-hai-doan-dbqh-tinh-thanh-hoa-can-co-nguyen-tac-binh-dang-giua-co-so-giao-duc-cong-lap-voi-ngoai-cong-lap-247849.htm