ĐBQH NGUYỄN THỊ THỦY: KHÔNG MỞ RỘNG PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH DỰ ÁN LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC ĐỂ TRÁNH XÁO TRỘN

Góp ý về dự án Luật Tài nguyên nước tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 4, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho rằng, không nên mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với nước khoáng, nước nóng thiên nhiên để tránh xáo trộn.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 4, vấn đề được Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường xin ý kiến các đại biểu Quốc hội là việc có nên hay không nên mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Tài nguyên nước đối với nước khoáng, nước nóng thiên nhiên. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho rằng, nước khoáng, nước nóng thiên nhiên có tính chất lý, hóa đặc biệt, có giá trị kinh tế cao hơn nước thông thường nên cần có yêu cầu quản lý nghiêm ngặt, chặt chẽ như một loại tài nguyên, khoáng sản có giá trị kinh tế. Loại nước này hiện đang được quản lý ổn định theo pháp luật về khoáng sản. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy cho biết, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường không bổ sung 2 loại nước này trong phạm vi điều chỉnh để tránh xáo trộn.

Tán thành với quan điểm của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường về vấn đề này là không bổ sung 2 loại nước này trong phạm vi điều chỉnh để tránh xáo trộn, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đưa ra 5 lý do. Cụ thể,

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đưa ra 5 lý do không nên mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với nước khoáng, nước nóng thiên nhiên

Thứ nhất, nước khoáng và nước nóng thiên nhiên là khoáng sản, có tính chất tự nhiên rất khác biệt so với các nguồn nước mặt, cũng như là các nguồn nước khác ở dưới lòng đất. Vì lý do này nên trên thế giới cũng như ở Việt Nam đều đang quy định là khoáng sản và đang được quản lý, khai thác, vận hành hiệu quả cho mục tiêu phát triển kinh tế, cũng như y học.

Thứ hai, do xác định là khoáng sản nên hiện nước khoáng, nước nóng thiên nhiên đang được điều chỉnh trong Luật Khoáng sản và được quản lý, bảo vệ, khai thác theo một quy trình rất chặt chẽ như đối với tất cả các khoáng sản khác. Ngay từ khâu thăm dò cũng đã phải có giấy phép thì mới được thực hiện, và trong quá trình thực hiện phải thiết lập vành đai bảo vệ. Đến khâu khai thác, để được cấp giấy phép khai thác, các chủ thể phải đáp ứng đầy đủ 3 nhóm điều kiện quy định tại Điều 53, Luật Khoáng sản.Đặc biệt, tại Điều 5, Luật Khoáng sản quy định trách nhiệm rất cao đối với các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản.

Các đại biểu Quốc hội tại hội nghị

Các đại biểu Quốc hội tại hội nghị

Thứ ba, nếu đưa nước khoáng, nước nóng thiên nhiên sang điều chỉnh tại dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và áp dụng cơ chế quản lý của Luật này, đại biểu Nguyễn Thị Thủy lo ngại, sẽ không phù hợp về mặt bản chất, có nguy cơ gây thất thoát nguồn tài nguyên có giá trị kinh tế cao này. Bởi, trong dự thảo Luật Tài nguyên nước hiện hành quy định không phải mọi trường hợp khai thác đều phải được cấp giấy phép. Tại dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) cũng đang liệt kê 15 trường hợp khai thác tài nguyên nước không cần phải có giấy phép, đặc biệt quá trình thăm dò không cần phải thiết lập vành đai bảo vệ bao gồm là vành đai bảo vệ nghiêm ngặt và vành đai bảo vệ sinh thái như quy định áp dụng đối với khai thác khoáng sản”. Do vậy, áp dụng cơ chế của dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) là không phù hợp đối với nước khoáng và nước nóng thiên nhiên này.

Thứ tư, trên phạm vi cả nước có 35 tỉnh, thành phố đang thực hiện hoạt động thăm dò, khai thác nước khoáng, nước nóng thiên nhiên, với 66 mỏ đã được cấp giấy phép. Số liệu thống kê chuyên ngành cũng cho thấy, nhiều tỉnh, thành phố đang khai thác hiệu quả nguồn nước khoáng, nước nóng thiên nhiên này phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế cũng như hoạt động y học ở địa phương thông qua mô hình du lịch kết hợp với nghỉ dưỡng. Do vậy, nếu đưa nước khoáng, nước nóng thiên nhiên sang để điều chỉnh và áp dụng cơ chế quản lý của Luật Tài nguyên nước sẽ không chỉ không phù hợp về mặt bản chất mà sẽ tác động lớn đến thu ngân sách của địa phương, trong khi vấn đề chưa được đánh giá tác động.

Thứ năm, kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, nhiều nước trên thế giới hiện nay ban hành luật riêng hoặc văn bản riêng quy định về nước khoáng, nước nóng thiên nhiên./.

Thu Phương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=79406