ĐBQH. Phạm Trọng Nghĩa: Cần phát huy lợi thế dân số vàng, chuyển từ 'vàng' số lượng sang chất lượng

Chia sẻ với Báo Thế giới & Việt Nam, ĐBQH. TS. Phạm Trọng Nghĩa, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội nêu quan điểm, chúng ta cần nhanh chóng có giải pháp nhằm phát huy tối đa lợi thế của thời kỳ dân số vàng, để chuyển từ 'vàng' số lượng sang 'vàng' chất lượng.

ĐBQH. Phạm Trọng Nghĩa cho rằng, để tận dụng cơ hội dân số vàng cũng như tăng năng suất lao động thì việc tăng trình độ, kỹ năng cho người lao động có ý nghĩa quyết định. (Nguồn: Quochoi)

ĐBQH. Phạm Trọng Nghĩa cho rằng, để tận dụng cơ hội dân số vàng cũng như tăng năng suất lao động thì việc tăng trình độ, kỹ năng cho người lao động có ý nghĩa quyết định. (Nguồn: Quochoi)

Thị trường lao động còn nhiều hạn chế

Dưới góc nhìn của ông, thị trường lao động nước ta đã theo kịp được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, thích ứng đầy đủ với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế hay chưa?

Thị trường lao động đóng vai trò chủ động trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Trong nhiều năm vừa qua, thị trường lao động nước ta có bước phát triển tương đối tốt. Hệ thống thể chế, chính sách thị trường lao động được hoàn thiện; quan hệ cung-cầu lao động gia tăng. Đồng thời, chất lượng việc làm ngày càng cải thiện, từng bước chính thức hóa việc làm phi chính thức. Giảm tỷ trọng lao động khu vực nông nghiệp, tăng tỷ trọng lao động khu vực công nghiệp và dịch vụ. Kỹ năng và thu nhập của người lao động tăng lên.

Bên cạnh nhiểu kết quả đạt được, thị trường lao động nước ta còn có một số hạn chế, đã được Chính phủ chỉ ra như sau: Thứ nhất, thị trường lao động chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, chưa thích ứng đầy đủ với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế.

Thứ hai, thể chế phát triển thị trường lao động còn bất cập; chưa có cơ chế, chính sách đầy đủ về giao dịch việc làm, quản lý chất lượng thị trường, các quy định về tiêu chuẩn lao động và quan hệ lao động.

Thứ ba, cân đối cung-cầu lao động chưa thật hiệu quả, bền vững dẫn tới chưa tiệm cận được năng suất tiềm năng (còn thiếu-thừa lao động cục bộ, làm việc không đúng ngành nghề đào tạo…). Hệ thống thông tin thị trường chưa thực sự hoàn chỉnh. Kết nối thị trường lao động trong nước và quốc tế còn yếu.

Ngoài ra, trong năm 2023 và có thể kéo dài trong nhiều năm tiếp theo, xu hướng suy giảm của kinh tế thế giới tiếp tục tác động tiêu cực đến kinh tế nước ta. Kéo theo đó là tác động mạnh đến thị trường lao động trong nước, khả năng chống chịu của thị trường trong nước còn hạn chế. Trong khi đó, khả năng chuyển đổi nghề nghiệp của người lao động còn yếu và kỹ năng, trình độ chưa đáp ứng được sự thay đổi của cơ cấu việc làm.

Khoảng cách về năng suất lao động giữa nước ta với các nước trong khu vực còn rất xa. Cần có giải pháp gì để tránh nguy cơ lãng phí nguồn nhân lực của thời kỳ dân số vàng?

Báo cáo năm 2020 của Tổ chức năng suất châu Á cũng cho thấy, năng suất lao động của Việt Nam đi sau Thái Lan 10 năm, Malaysia 40 năm và Nhật Bản là 60 năm. Nước ta đang trong thời kỳ dân số vàng với lực lượng lao động hùng hậu với hơn 51 triệu người, đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN.

Nếu chúng ta không có chính sách để tận dụng thời cơ và phát huy thế mạnh của thời kỳ dân số vàng thì đây sẽ là lãng phí rất lớn, có tác động tiêu cực về nhiều mặt và kéo dài qua nhiều thế hệ.

"Cần xây dựng chiến lược thu hút nguồn lực to lớn của hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài. Nhất là, thu hút các nhà khoa học tự nhiên, khoa học cơ bản, các chuyên gia về quản trị quốc gia. Để làm được như vậy, cần có môi trường làm việc đủ sức thu hút, để các nhà khoa học, các chuyên gia tự tin trở về, gắn bó và hết mình công hiến cho quê hương, cho đất nước".

Tôi cho rằng, chúng ta cần nhanh chóng có giải pháp để phát huy tối đa lợi thế của thời kỳ dân số vàng, để chuyển từ “vàng” về số lượng sang “vàng” về chất lượng. Theo đó, tôi khuyến nghị một số giải pháp:

Thứ nhất, khẩn trương ban hành Chiến lược phát triển nhân lực và Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn 2021-2030. Đề án thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Nghiên cứu Đổi mới toàn diện chế độ làm việc trong khu vực công, nâng cao văn hóa và đạo đức công vụ.

Thứ hai, xây dựng cơ chế làm cầu nối giữa thị trường lao động với hệ thống giáo dục và đào tạo nhằm giải quyết vấn đề mất cân bằng cung cầu kỹ năng như Hội đồng kỹ năng nghề quốc gia, Hội đồng kỹ năng nghề theo nhóm ngành. Ban hành và tổ chức thực hiện Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động. Xây dựng Chiến lược nâng cao giá trị của lao động Việt Nam, từng bước nói không với nhân công giá rẻ.

Thứ ba, cùng với các chiến lược phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực trong nước, cần xây dựng chiến lược thu hút nguồn lực to lớn của hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài. Nhất là, thu hút các nhà khoa học tự nhiên, khoa học cơ bản, các chuyên gia về quản trị quốc gia. Để làm được như vậy, cần có môi trường làm việc đủ sức thu hút, để các nhà khoa học, các chuyên gia tự tin trở về, gắn bó và hết mình cống hiến cho quê hương, đất nước.

Lao động của chúng ta dồi dào nhưng chất lượng lao động chưa cao. (Nguồn: Dangcongsan)

Lao động của chúng ta dồi dào nhưng chất lượng lao động chưa cao. (Nguồn: Dangcongsan)

Tăng trình độ, kỹ năng cho người lao động có ý nghĩa quyết định

Mức độ cần thiết của việc thúc đẩy tăng năng suất lao động ở thời điểm này để thu hẹp khoảng cách với các quốc gia?

Chất lượng nguồn nhân lực là yếu có cơ bản quyết định đến Năng suất lao động mà năng suất lao động cao là chìa khóa dẫn đễn sự thịnh vượng của quốc gia. Theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), nếu năng suất lao động tăng 1% thì GDP của toàn nền kinh tế tăng 0,94 điểm phần trăm. Do đó, thúc đẩy tăng năng suất lao động là công cụ hữu hiệu nhất để thu hẹp khoảng cách phát triển với các quốc gia khác.

Chìa khóa của tăng năng suất lao động, theo ông, là gì?

Đảng ta đã xác định phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược. Thể chế hóa quan điểm của Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành và tích cực triển khai nhiều chiến lược để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Trong 10 năm qua, năng suất lao động của nước ta có sự cải thiện đáng kể, Việt Nam là một trong số quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao nhất khu vực ASEAN. Giai đoạn 2011-2015 là 4,53%/năm, giai đoạn 2016-2020 là 5,97%/năm. Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp, tốc độ tăng chưa đủ nhanh, nên khoảng cách về năng suất lao động giữa nước ta với các nước trong khu vực vẫn còn rất xa.

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới năm 2020, năng suất lao động theo sức mua tương đương của Việt Nam chỉ bằng 9,1% của Singapore; bằng 26,2% của Malaysia; bằng 46,8% của Thái Lan và bằng 68,7% của Philippines.

"Nếu không có giải pháp tổng thể để phát huy lợi thế dân số vàng và quy mô dân số lớn thì đây là thách thức không nhỏ đối với nước ta như vấn đề giải quyết việc làm, an sinh xã hội, tránh bẫy thu nhập trung bình cũng như các giải pháp đối phó với tình trạng già hóa dân số đang đến rất nhanh".

Báo cáo Năng suất lao động Việt Nam của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, trình độ kỹ năng người lao động tác động tích cực đến năng suất lao động tại doanh nghiệp.

Nếu tăng 1% các nhóm lao động: qua đào tạo chưa có văn bằng, chứng chỉ; có chứng chỉ sơ cấp nghề; bằng trung cấp, cao đẳng; bằng đại học trở lên; chứng chỉ khác thì năng suất lao động tăng lên tương ứng là: 0,04%; 0,16%; 0,19%; 0,22%; 0,13%.

Cũng theo báo cáo, năng suất đóng góp trong tăng trưởng GDP khoảng 65-75%. Vì vậy, nguồn nhân lực có kỹ năng nghề đóng góp trực tiếp cho năng suất lao động và tăng trưởng GDP.

Để tăng năng suất lao động thì việc tăng trình độ, kỹ năng cho người lao động có ý nghĩa quyết định. Cần chú ý tới tăng cường đầu tư cho khoa học, ứng dụng công nghệ tiên tiến, tăng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển, đầu tư cho cơ sở hạ tầng, kết nối thông minh.

Thúc đẩy mạnh mẽ cải cách thể chế pháp luật, cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí giao dịch cho nền kinh tế. Đặc biệt, phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo của người dân, của doanh nghiệp, tranh thủ các cơ hội tạo ra từ cách mạng công nghiệp 4.0, để từng bước phát triển nền kinh tế số.

Nâng cao năng suất lao động thì phải có sự chung tay của ba bên: Nhà nước, người lao động và giới chủ. Trong đó, Nhà nước cần giữ vai trò chủ đạo thông qua kiến tạo, định hướng và thúc đẩy.

Tận dụng cơ hội dân số vàng

Vậy góc nhìn của ông về cơ hội và thách thức khi dân số nước ta cán mốc 100 triệu người?

Tháng 4/2023 đánh dấu dân số nước ta đạt mức 100 triệu người. Đây là lợi thế, là cơ hội và cũng là thách thức lớn. Về lợi thế, Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng, với lực lượng lao động trẻ, số lượng lớn (trên 50 triệu người). Nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia khu vực châu Á, đã tận dụng cơ hội dân số vàng để tạo nên kỳ tích trong phát triển kinh tế như Nhật Bản, Hàn Quốc …

Với dân số 100 triệu và còn tiếp tục tăng trong vài chục năm tới, Việt Nam là thị trường lớn trong khu vực ASEAN. Đây là cơ hội để thu hút đầu tư, kích thích tiêu thụ sản phẩm trong nước từ đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Bên cạnh đó, nếu không có giải pháp tổng thể để phát huy lợi thế dân số vàng và quy mô dân số lớn (đứng 15 thế giới) thì đây cũng là thách thức không nhỏ đối với nước ta như vấn đề giải quyết việc làm, an sinh xã hội, tránh bẫy thu nhập trung bình cũng như các giải pháp đối phó với tình trạng già hóa dân số đang đến rất nhanh.

Trước bài toán chênh lệch cung-cầu, vừa thiếu vừa thừa lao động thì cần làm thế nào để thích ứng với thị trường lao động theo xu hướng chuyển đổi số?

Lao động của chúng ta dồi dào nhưng chất lượng lao động chưa cao, nếu lấy chỉ số đào tạo thì tỷ lệ lao động qua đào tạo mới đạt 67% và tỷ lệ có văn bằng, chứng chỉ mới đạt 27%. Lao động làm việc trong khu vực phi chính thức còn cao, chiếm hơn 65%. Lao động chính thức thì chủ yếu làm trong ngành nghề có thâm dụng lao động cao như dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ...

Những ngành nghề này sẽ bị cạnh tranh khốc liệt trong cuộc CMCN 4.0. Do vậy, cần phải có tầm nhìn dài hạn, chiến lược tổng thể cả về phát triển nguồn nhân lực, cả về thu hút đầu tư như đã phân tích ở trên để lao động Việt Nam có thể chiến thắng trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này.

Xin cảm ơn ông!

Nguyệt Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dbqh-pham-trong-nghia-can-phat-huy-loi-the-dan-so-vang-chuyen-tu-vang-so-luong-sang-chat-luong-225207.html