ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa: 'Để giữ chân công chức, viên chức có năng lực, cần phải tăng lương'
Chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam, ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội nêu quan điểm, việc cần làm đầu tiên là tăng lương để giữ chân công chức, viên chức...
Thời gian qua, có tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc ở nhiều bộ, ngành, địa phương. Đặc biệt, theo báo cáo của Bộ Y tế với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, có 9.397 nhân viên y tế bỏ việc, thôi việc, chuyển từ khu vực công ra khu vực tư trong 1 năm rưỡi qua (tính trong năm 2021 và 6 tháng năm 2022). Ông có suy nghĩ về thực trạng này?
Vừa qua, có hiện tượng nhiều cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc ở khu vực công. Trong lĩnh vực y tế, theo số liệu của Bộ Y tế, từ đầu năm 2020 đến nay (10/2022) đã có hơn 12.000 nhân viên y tế thôi việc trong khu vực công.
Một phần trong số đó chuyển sang khu vực khám chữa bệnh tư nhân nhưng cũng có một phần chuyển sang làm công việc khác. Tôi cho rằng, thời gian qua, do tình hình dịch bệnh, công việc của nhân viên y tế, nhất là trong khu vực y tế công rất áp lực, vất vả.
Trong khi đó, thu nhập của phần lớn nhân viên y tế lại chưa đáp ứng được nhu cầu nên mọi người tìm cách chuyển việc, đổi việc để có môi trường làm việc và thu nhập tốt hơn.
Ngoài ra, sự chuyển việc của nhân viên y tế từ khu vực công sang khu vực tư cũng một phần thể hiện dấu hiệu tích cực, đó là sự phát triển và ngày càng lớn mạnh của khu vực y tế tư nhân ở nước ta.
Gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức xin thôi việc có được xem là bình thường trong cơ chế kinh tế thị trường hiện nay?
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, từ 1/1/2020 đến 30/6/2022, thống kê của 63 tỉnh, thành, các bộ, ngành cho thấy, số công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc là 39.552 người. Trong đó, viên chức chiếm tỷ lệ đa số, còn công chức chỉ chiếm khoảng 10%. Cụ thể, số công chức có hơn 4.000 người, còn viên chức là 35.523 người.
Với ngành giáo dục, hai năm rưỡi qua, có 16.427 người xin thôi việc, chiếm 41,53% trong tổng số viên chức xin nghỉ, trong đó trình độ đại học trở lên chiếm 49%, độ tuổi dưới 40 chiếm 60%.
Trong khi đó, với ngành y tế, 2,5 năm qua có 12.198 người xin thôi việc, chiếm 30,84% trong tổng số viên chức xin nghỉ; độ tuổi dưới 40 trở xuống là 74,72% và có trình độ đại học trở lên là 56,27%.
Theo thông tin tôi tìm hiểu, đối với ngành giáo dục, số viên chức nghỉ việc để chuyển sang làm việc ở khu vực giáo dục tư là rất ít. Hiện tượng giáo viên nghỉ việc diễn ra ở cả khu vực công và tư.
Trong số hơn 16.000 giáo viên nghỉ việc, có hơn 10.000 người thuộc các trường công lập và hơn gần 6.000 nhân sự tại trường dân lập.
Nếu như việc cán bộ, công chức, viên chức y tế chuyển từ khu vực công sang khu vực tư thể hiện sự chuyển dịch bình thường của thị trường lao động thì việc hơn 16.000 giáo viên nghỉ việc là hiện tượng rất bất bình thường. Ở đây, các nhà giáo bỏ nghề chứ không phải bỏ việc ở khu vực công để sang khu vực tư - nghề giáo đã không còn đủ sức hấp dẫn để níu chân thầy cô.
Trong bối cảnh cả nước thiếu hơn 100.000 giáo viên, hiện tượng nêu trên cần được hết sức quan tâm.
Vậy ông nhìn nhận như thế nào về thực tế nhiều người bỏ việc khu vực công vì thu nhập không đủ sống? Đây có phải là hồi chuông báo động về lương hay còn lý do nào khác, theo ông?
Đúng vậy, thu nhập thấp là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc. Do đó, để giữ chân công chức, viên chức, việc cần làm đầu tiên là tăng thu nhập, từng bước bảo đảm thu nhập đủ sống cho công chức, viên chức và thành viên gia đình họ.
Chúng ta đã nhiều năm lỡ hẹn cải cách chính sách tiền lương một cách cơ bản cho công chức, viên chức theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Tại Kỳ họp Quốc hội lần này, Chính phủ đã đề xuất tăng mức lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng. Việc tăng này được rất nhiều ủng hộ và sẽ góp phần nâng cao thu nhập của công chức, viên chức.
Ngoài nguyên nhân chính là thu nhập thấp, lý do thứ hai là môi trường làm việc của cán bộ, công chức, viên chức chưa thực sự hấp dẫn. Ví dụ, có quá nhiều quy định, quy chế ràng buộc, gò bó hành chính. Việc đánh giá kết quả làm việc của cán bộ, công chức chưa thực sự khoa học, minh bạch cũng như đánh giá đúng công sức mà người lao động bỏ ra.
Nguyên nhân thứ ba cũng hết sức quan trọng, đó là cơ hội phát triển, trong đó có cơ hội thăng tiến của công chức, viên chức còn hạn chế, chưa khách quan, chưa khuyến khích người phấn đấu tốt.
Ông có đưa ra giải pháp gì cho thực trạng này?
Để hạn chế tình trạng nghỉ việc, chuyển việc của công chức, viên chức cũng như thu hút người có năng lực vào làm việc trong khu vực công, theo tôi, cần có giải pháp tổng thể, toàn diện và chiến lược từ thu nhập, đến môi trường làm việc, vị thế, vai trò và sự tôn trọng của xã hội đối với công chức, viên chức.
Với mỗi một nội dung cụ thể lại cần các lộ trình và giải pháp khác nhau như để tăng lương thì cần tạo nguồn lực qua phát triển kinh tế, tăng năng suất lao động, giảm những vị trí việc làm không cần thiết...
Hay để nâng cao vị thế của công chức, viên chức, cần có giải pháp dài hơi. Ví dụ như cần có giải pháp để củng cố niềm tin, sự kính trọng của xã hội đối với giáo viên, bác sĩ - một truyền thông tốt đẹp của dân tộc ta từ xưa. Đó là "tôn sư trọng đạo" hay "lương y như từ mẫu".
Các giải pháp tổng thể này sẽ góp phần quan trọng nâng tính cạnh tranh của khu vực công để giữ chân và thu hút người tài, người có năng lực vào khu vực công.