ĐBQH Phan Xuân Dũng: Cần cơ chế cho Ninh Thuận thực hiện sứ mệnh của mình
Theo ĐBQH Phan Xuân Dũng, cần có cơ chế, chính sách đưa vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội để tạo điều kiện cho Ninh Thuận thực hiện sứ mệnh của mình trong đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân.
Trong chương trình làm việc của Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiếp tục thảo luận về một số cơ chế, chính sách đặc thù cho dự án đầu tư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
TSKH Phan Xuân Dũng - Đại biểu quốc hội tỉnh Ninh Thuận (Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho biết, 15 năm trước, chuẩn bị cho xây dựng nhà máy điện hạt nhân, vị trí nhà máy điện hạt nhân thấp hơn hiện nay khoảng 150m. Như vậy, việc giải tỏa đền bù bây giờ chắc phải khác trước.
Thứ nhất, mức đền bù bây giờ chắc phải khác so với cách đây hơn 15 năm chúng ta dự kiến.
Thứ hai, diện tích số dân bây giờ khác trước rất nhiều và rộng hơn, bởi vì chúng ta đưa độ cao lên khoảng 150m. Theo đó, đại biểu đề nghị, nên cân nhắc bổ sung thêm những vấn đề liên quan việc di dân, tái định cư.
![TSKH Phan Xuân Dũng - Đại biểu quốc hội tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Báo Công Thương.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_15_180_51485434/581ddc87efc906975fd8.jpg)
TSKH Phan Xuân Dũng - Đại biểu quốc hội tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Báo Công Thương.
Theo đại biểu Phan Xuân Dũng, cũng cách đây 15 năm, với tư cách trong Đảng đoàn Quốc hội, khi về Ninh Thuận, ông được người dân chia sẻ: "Trong chiến tranh, trong kháng chiến, chúng tôi theo lời Đảng, theo lời Bác Hồ để di chuyển thì bây giờ, để phục vụ cho việc xây dựng, phát triển kinh tế đất nước, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ".
“Những câu nói thực sự rất cảm động với chúng tôi, những người được giao trách nhiệm lấy ý kiến bà con, cô bác tại Ninh Thuận. Sau ý kiến này, chúng tôi đã báo cáo tại Trung ương, với những người dân ở đây như vậy, chúng ta không có lý do gì không có những cơ chế thực sự đặc biệt cho bà con. Do đó, tôi đề nghị, trong Nghị quyết này, những gì liên quan đến bà con Ninh Thuận chuẩn bị di dời, ta phải đặc biệt quan tâm”, đại biểu Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.
Đại biểu Phan Xuân Dũng khẳng định, cần có cơ chế, chính sách đưa vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội để tạo điều kiện cho Ninh Thuận có nguồn lực thực hiện sứ mệnh của mình trong công tác đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Nhìn nhận về cơ chế đặc thù cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh: "Chúng ta đang trong quá trình hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội, đòi hỏi ở đây là rất cấp bách, nhanh, hiệu quả. Trong khi đó, thể chế pháp luật của chúng ta đã được xây dựng từ rất lâu, có những nội dung đang trong quá trình sửa chữa, hoàn thiện và để hoàn thiện cần phải có một số thủ tục, thời gian. Nếu cứ làm tuần tự, từng bước, sẽ không đáp ứng được thời gian yêu cầu.
Trong các dự án hiện nay được đệ trình thường được kèm theo nhóm chính sách, hay gọi một số cơ chế đặc thù đâu đó có khác biệt nhưng cần thiết để nâng cao hiệu quả đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Đây là quy định mang tính chất thử nghiệm, nếu quy định đó là tốt, chúng ta sẽ có tổng kết thực tiễn và được đưa vào trong quá trình hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật".
“Do đó, dự án nhà máy điện hạt nhân hay các dự án đầu tư đường sắt, đường bộ thường kèm theo các nhóm chính sách đặc thù. Về chủ trương Quốc hội thống nhất, tuy nhiên, trong quá trình xem xét các nhóm chính sách, Quốc hội cũng dựa trên một số nguyên tắc. Vấn đề gì thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì mới quyết; nếu thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Chính phủ tự làm, tự quyết; đảm bảo nguyên tắc hạn chế khả năng lạm dụng và đề cao trách nhiệm”, ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Chu Hồi - đoàn TP. Hải Phòng khẳng định: “10 nhóm cơ chế, chính sách được Bộ Công Thương báo cáo trước Quốc hội tuy chuẩn bị gấp nhưng đã được tiếp thu chỉnh sửa, loại bỏ những chính sách không thuộc thẩm quyền của Quốc hội”.
Về đề xuất phân thêm thẩm quyền để đẩy nhanh tiến độ bảo đảm chất lượng của dự án, đại biểu Nguyễn Chu Hồi cho rằng, đã là chính sách đặc thù thì những thẩm quyền giao thêm phải không nằm trong các quy định của pháp luật hoặc những văn bản có tính chất pháp luật hiện nay.
Tuy nhiên, theo đại biểu, quyền hạn phải đi cùng nghĩa vụ, nên trong Nghị quyết cần quy định rõ để “giao quyền nhưng không phải giao khoán”, cơ quan được giao quyền phải có trách nhiệm kiểm soát, tránh lãng phí, thất thoát xảy ra.
Đại biểu cho rằng, Chính phủ giao dự án cho một số cơ quan của ngành Công Thương trực tiếp đứng ra làm chủ đầu tư, đấy là chủ trương đúng.
“Chúng ta đã có kinh nghiệm thực tiễn, mặc dù chúng ta vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, nhưng về lâu dài, chúng ta phải nội lực hóa các sản phẩm do chúng ta làm ra, nhất là trong bối cảnh chúng ta chủ trương phát triển độc lập, tự chủ”, đại biểu Nguyễn Chu Hồi cho hay.
Trước đó, tại phiên thảo luận tổ vào chiều ngày 14/2, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương - Đoàn Ninh Thuận cũng đề nghị cần có cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho Ninh Thuận có nguồn lực để thực hiện sứ mệnh của mình trong công tác đầu tư xây dựng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Trong 5 nhóm chính sách đặc thù được Ninh Thuận đề xuất, đáng chú ý, Ninh Thuận đề xuất cho áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi để thực hiện dự án đối với người sử dụng đất chưa có giấy chứng nhận mà đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận như đối tượng người được sử dụng có giấy chứng nhận.
Cùng với đó, cho áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư khu thu hồi đất để xây dựng dự án nhà máy điện hạt nhân ở mức cao nhất theo mức quy định nhân (X) với 1,5 lần.
Theo đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, sau 15 năm dự án được phê duyệt rồi tạm dừng và giờ là tiếp tục triển khai, người dân vùng dự án đã chịu rất nhiều thiệt thòi, không được hưởng những quyền lợi cơ bản như: Đầu tư phát triển kinh tế, hạ tầng, xây dựng, chuyển nhượng, thừa kế quyền sử dụng đất… Do vậy, việc thực hiện các chính sách ưu tiên trên nhằm bù đắp cho người dân cũng như góp phần thúc đẩy nhanh công tác di dời, đền bù cho người dân.