Đoàn ĐBQH Hà Nam tham gia thảo luận ở tổ

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, sáng 15/2, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh điều hành phiên thảo luận.

Đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh điều hành phiên thảo luận.

Đại diện Chính phủ trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hà Nam tham gia thảo luận ở tổ 18, gồm các tỉnh: Hà Nam, Thanh Hóa và Trà Vinh. Đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì phiên thảo luận.

Tham gia ý kiến thảo luận ở tổ về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, đồng chí Trần Văn Khải, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Hà Nam cho rằng: Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ được vận hành vào năm 2030 và tại kỳ họp bất thường này, Quốc hội sẽ thông qua các chính sách đặc thù để thực hiện có hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng, công tác chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà thầu, thu xếp vốn, lựa chọn công nghệ bảo đảm các thủ tục cần thông thoáng nhất. Muốn vậy đòi hỏi các chính sách đặc thù phải đúng, hợp hiến, hợp pháp, đúng thẩm quyền của Quốc hội và được Bộ Chính trị đồng ý về chủ trương. Cùng với đó, nâng cao hiệu quả công tác hậu kiểm và Chính phủ phải chịu trách nhiệm, Quốc hội và các cơ quan chức năng phải có giám sát.

Đồng chí Trần Văn Khải, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Hà Nam phát biểu thảo luận.

Đồng chí Trần Văn Khải, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Hà Nam phát biểu thảo luận.

Theo ĐBQH Trần Văn Khải, về cơ chế chỉ định chủ đầu tư và chỉ định thầu rút gọn theo quy định tại Điều 3 Dự thảo nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ giao chủ đầu tư thực hiện các dự án áp dụng hình thức hợp đồng trong tay và chỉ định thầu rút gọn thì vấn đề pháp lý của chính sách này cần thực hiện như nào? Vì, theo Luật Đầu tư công 2019 và Luật Đấu thầu mới nhất việc chỉ định thầu đã giao cho chủ đầu tư thuộc và thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Vậy thì Quốc hội có cần phải ra chính sách đặc thù hay không?

Đối với việc miễn thủ tục phê duyệt các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia, theo ĐBQH Trần Văn Khải, theo quy định tại Điều 53 và Điều 63 của Hiến pháp 2013 vấn đề này liên quan đến chủ quyền quốc gia và bảo vệ môi trường thì có thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Quốc hội cho phép…

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đại biểu, đồng thời làm rõ thêm một số nội dung về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Theo đó, đồng chí nhất trí cao với các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Khẳng định việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận rất cần thiết để bảo đảm nhu cầu về năng lượng cũng như phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, theo đồng chí Trương Quốc Huy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam cơ chế đặc biệt để đầu tư công có thể được chỉ định thầu và được làm song song các bước quy hoạch. Đồng thời, cần làm quy hoạch rút gọn để triển khai còn nếu đợi đầy đủ các thủ tục, trình tự thì chắc là sẽ rất khó khăn. Và đề nghị Trung ương cần có cơ chế hỗ trợ cho Ninh Thuận... Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam đề nghị thư ký đoàn ĐBQH các tỉnh tổng hợp đầy đủ nội dung thảo luận tại tổ, gửi về cơ quan soạn thảo.

PV

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/chinh-tri/nguoi-dai-bieu-nhan-dan/doan-dbqh-ha-nam-tham-gia-thao-luan-o-to-148887.html