ĐBQH: quy định rõ trách nhiệm của người dân trong trang bị hệ thống báo cháy

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 27/6, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH).

Các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật, đồng thời quan tâm đến công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức PCCC trong cộng đồng; quy định cụ thể về điều kiện PCCC với nhà ở kết hợp kinh doanh.

Làm rõ hơn điều kiện bảo đảm phòng cháy với nhà ở kết hợp kinh doanh

Quan tâm đến công tác phòng cháy với loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông) cho biết, thời gian qua trên cả nước liên tiếp xảy ra các vụ cháy, nổ gây thiệt hại về người và tài sản. Vì thế, việc ban hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là cần thiết; nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác bảo đảm an ninh, trật tự; bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông) - Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông) - Ảnh: Quochoi.vn

Góp ý về một số nội dung cụ thể về Phòng cháy đối với nhà ở (điều 17), đại biểu cho rằng dự thảo Luật chưa có những quy định cụ thể về điều kiện đảm bảo PCCC, đặc biệt là nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh. Do đó, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị làm rõ hơn điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh, có đánh giá tác động cụ thể, kỹ lưỡng hơn để đảm bảo tính khả thi khi triển khai Luật.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) quan tâm tới những giải pháp và biện pháp phòng cháy quy định tại Chương II của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý đề nghị bổ sung vào điều 13 về Quy hoạch xây dựng, lập dự án, thiết kế xây dựng công trình, thiết kế phương tiện giao thông cơ giới nội dung: Tiến hành thanh tra tình hình, tình trạng lấn chiếm các hành lang thoát hiểm phục vụ công tác chữa cháy trong các khu dân cư.

Đại biểu Trần Thị Thu Phước (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum) bày tỏ, thời gian qua, một trong những vấn đề vướng mắc, bất cập đó là để xảy ra tình trạng xây dựng các công trình nhà ở riêng lẻ, có nhiều tầng, nhiều căn hộ không tuân thủ quy định của pháp luật. Vì vậy, dự thảo Luật đã bổ sung nhiều quy định giải quyết các công trình hiện hữu chưa bảo đảm an toàn về PPCC. Đại biểu đề nghị, nếu chính sách này được Quốc hội thông qua, cần kịp thời ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện nhanh chóng, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.

Quang cảnh phiên làm việc chiều 27/6

Quang cảnh phiên làm việc chiều 27/6

Bên cạnh việc nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, Dự thảo Luật cũng cần bổ sung quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của người dân về trang bị các thiết bị báo động cháy, báo khói; khuyến khích lắp đặt hệ thống báo cháy tự động hoặc từ xa thông qua các thiết bị điều khiển thông minh. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng hệ thống dữ liệu khuyến khích người dân chia sẻ dữ liệu từ các thiết bị báo cháy gia đình lên hệ thống dữ liệu chung của cơ quan chức năng để làm tốt công tác cảnh báo.

Bổ sung chương riêng quy định về "thoát nạn"

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định) cho rằng, trong giải thích từ ngữ có quy định về PCCC&CNCH, thoát nạn nhưng phần lớn các nạn nhân tử vong do không biết cách thoát nạn khi các lực lượng cứu nạn chưa đến kịp để tổ chức thoát nạn.

Vì vậy, đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cần có một chương riêng quy định về thoát nạn. Chương này sẽ quy định trách nhiệm hướng dẫn người dân, học sinh, sinh viên, trẻ em quy trình thao tác thoát nạn ở các không gian vị trí, hoàn cảnh khác nhau để nâng cao hiệu quả thoát nạn.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định)

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định)

Tán thành với các biện pháp trong phòng cháy nêu tại điều 12 dự thảo Luật, đại biểu Vũ Thị Liên Hương (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi) nhấn mạnh, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng cháy có vai trò rất quan trọng nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kĩ năng ngăn chặn sự cố cháy xảy ra. Đại biểu đề nghị cần chế định đầy đủ việc trang bị kiến thức, kĩ năng về phòng cháy, chữa cháy cho người dân.

Về trách nhiệm giáo dục, đào tạo về PCCC&CNCH, đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Hảo (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên) đề nghị Chính phủ giao cho cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục, đào tạo đưa kiến thức, kỹ năng về PCCC&CNCH vào giáo trình, bài giảng trong chương trình học tập phù hợp với từng cấp học, ngành học. Đồng thời Chính phủ, Bộ Công an cần bố trí các điều kiện cần thiết về nguồn lực nhằm nâng cấp các cơ sở giáo dục về PCCC&CNCH.

Đối với nội dung huy động lực lượng, phương tiện, tài sản tham gia PCCC&CNCH tại điều 35 và điều 36 dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh) cho rằng, đây là nội dung liên quan đến quyền tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân nhưng quy định trong dự thảo Luật còn chung chung. Do đó, để có cơ sở triển khai quy định này và tránh phát sinh vướng mắc trong thực tiễn, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định về cơ quan chủ trì chịu trách nhiệm việc bồi thường là cơ quan phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ hay là UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện, nơi xảy ra cháy, sự cố, tai nạn hay là cơ quan chuyên môn nào khác?

Đồng thời bổ sung quy định về quy trình, thủ tục thực hiện việc bồi thường; bổ sung quy định về nguyên tắc và phương án, xác định giá trị đối với các phương tiện giá trị bị tổn hao, nhà và công trình bị phá dỡ…; bổ sung quy định về nguồn kinh phí thực hiện việc bồi thường.

Đại biểu Quốc hội tham dự phiên thảo luận

Đại biểu Quốc hội tham dự phiên thảo luận

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình) nêu, quy định về PCCC trong cung ứng điện, bảo đảm chất lượng đối với thiết bị điện được quy định tại điều 20 của dự thảo Luật này. Đại biểu nhận thấy cần xem xét, cân nhắc đối với quy định đơn vị điện lực có trách nhiệm thực hiện, duy trì các biện pháp bảo đảm an toàn về PCCC đối với hệ thống điện truyền tải.

Đồng thời, cần kịp thời lắp đặt, sử dụng, đảm bảo an toàn đối với hệ thống thiết bị điện theo tiêu chuẩn kỹ thuật trước khi ký hợp đồng bán điện và trong quá trình sử dụng điện. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm trách nhiệm của đơn vị tư vấn thiết kế đối với khách hàng có hồ sơ thiết kế về hệ thống điện, đảm bảo tiêu chuẩn, yêu cầu về an toàn điện.

Vân Hà

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dbqh-quy-dinh-ro-trach-nhiem-cua-nguoi-dan-trong-trang-bi-he-thong-bao-chay.html