ĐBQH SÙNG A LỀNH: CẦN QUY ĐỊNH CƠ CHẾ ĐẦU TƯ ĐỂ NHÀ NƯỚC, DOANH NGHIỆP, CÁ NHÂN CÙNG TU BỔ, KHAI THÁC, PHÁT HUY HIỆU QUẢ GIÁ TRỊ CÁC DI TÍCH VĂN HÓA

Đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Lào Cai Sùng A Lềnh cho rằng, dự thảo Luật cần quy định cơ chế đầu tư để Nhà nước, doanh nghiệp, cá nhân cùng tu bổ, khai thác, phát huy hiệu quả giá trị các di tích văn hóa trong thời gian tới.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Lào Cai Sùng A Lềnh

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Lào Cai Sùng A Lềnh

Chiều ngày 18/6, sau khi nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Quốc hội đã thảo luận tại Tổ về dự án Luật này. Dự kiến, sáng ngày 26/06 tới đây, Quốc hội sẽ thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) có bố cục gồm 09 chương 102 điều, tăng 02 chương 29 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành (07 chương 73 điều), cụ thể: Chương I. Những quy định chung; Chương II. Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; Chương III. Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể; Chương IV. Bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu; Chương V. Bảo tàng; Chương VI. Hoạt động kinh doanh, dịch vụ di sản văn hóa; Chương VII. Điều kiện đảm bảo hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; Chương VIII. Quản lý nhà nước về di sản văn hóa; Chương IX. Điều khoản thi hành.

Trên cơ sở kế thừa các nội dung còn phù hợp của Luật Di sản văn hóa năm 2001, được sửa đổi, bổ sung năm 2009, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tập trung vào 03 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 159/NQ-CP.

Di sản văn hóa quy định tại dự thảo Luật bao gồm di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa vật thể và di sản tư liệu, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Dự thảo Luật quy định về các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ sở hữu, cơ quan tổ chức, người đại diện được giao quản lý, sử dụng di sản văn hóa và cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, cá nhân trong hoạt động bảo vệ đối với di sản văn hóa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đối tượng áp dụng của dự thảo Luật là các cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân người Việt Nam định cư ở Việt Nam; các cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân người nước ngoài định cư tại Việt Nam và người Việt Nam định cư ở nước ngoài, đang hoạt động tại Việt Nam.

Cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa

Góp ý về dự thảo Luật này, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Lào Cai Sùng A Lềnh này tỏ cơ bản nhất trí với sự cần thiết cần sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) với những lý do được nêu tại Tờ trình của Chính phủ; Tôi tán thành cao với nội dung báo cáo thẩm tra dự án Luật này của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. Dự thảo Luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, như Cương lĩnh, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Kết luận số 76/KL/TW ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước...

Đại biểu Sùng A Lềnh cho rằng, việc sửa đổi Luật là thực sự cần thiết nhằm tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, giải quyết các vấn đề phát sinh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đồng tời, bày tỏ đồng thuận với nhiều ý kiến về việc đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát dự thảo Luật với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, nhất là các luật như: Luật Lưu trữ, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Khoáng sản... để có cơ sở xây dựng các quy định, bảo đảm chất lượng, khả thi.

Cải tạo phong tục lạc hậu và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống

Liên quan đến các loại di sản văn hóa phi vật thể được quy định tại Điều 9, khoản 3 của Điều này quy định “ Tập quán và xã hội tín ngưỡng gồm các thực hành thường xuyên, ổn định thể hiện quan niệm, niềm tin của cộng đồng, thông qua các lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng”.

Theo đại biểu Sùng A Lềnh, cần làm rõ hơn khái niệm trong quy định này để vừa giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, vừa thực hiện tốt cải tạo phong tục lạc hậu nặng nề để các địa phương triển khai thống nhất.

Công tác kiểm kê di tích nên thực hiện 3 - 5 năm/lần

Đối với việc kiểm kê di tích và di tích trong danh mục được kiểm kê tại Điều 22, khoản 1 của Điều này quy định: “1. Các công trình xây dựng, địa điểm, cảnh quan thiên nhiên, khu vực thiên nhiên được nhận diện đáp ứng tiêu chí quy định tại Điều 21 Luật này phải được kiểm kê và đưa vào danh mục di tích được kiểm kê. Hoạt động kiểm kê di tích phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hằng năm.”

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Lào Cai Sùng A Lềnh cho rằng, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) cần quy định cơ chế đầu tư để Nhà nước, doanh nghiệp, cá nhân cùng tu bổ, khai thác, phát huy hiệu quả giá trị các di tích văn hóa trong thời gian tới

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Lào Cai Sùng A Lềnh cho rằng, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) cần quy định cơ chế đầu tư để Nhà nước, doanh nghiệp, cá nhân cùng tu bổ, khai thác, phát huy hiệu quả giá trị các di tích văn hóa trong thời gian tới

Theo đại biểu Sùng A Lềnh, cần xem xét, quy định lại việc kiểm kê thường xuyên hằng năm có thực sự cần thiết hay không trong khi 05 năm mới đề xuất danh mục kiểm kê 01 lần? Đại biểu cho rằng, thời gian kiểm kê nên quy định 3 - 5 năm/lần là phù hợp với các địa phương.

Đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định thành phần hồ sơ kiểm kê di tích để các địa phương có căn cứ thống nhất thực hiện. Bởi theo quy định của Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), các di tích trong danh mục kiểm kê được bảo vệ theo quy định của dự thảo Luật như đối với di tích cấp tỉnh, nên việc quy định thành phần hồ sơ kiểm kê di tích là rất quan trọng để có căn cứ, cơ sở đầy đủ phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và quy hoạch lập hồ sơ đề nghị xếp hạng các cấp.

Làm rõ hơn quy định về bảo vệ khu vực bảo vệ I và khu vực bảo vệ II của di tích

Về bảo vệ khu vực bảo vệ I và khu vực bảo vệ II của di tích (khoản 1, 2 Điều 26), đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị Ban soạn thảo làm rõ, đối với trường hợp khu vực khoanh vùng bảo vệ I và II của di tích có nhiều loại đất hỗn hợp như đất ở, đất vườn, đất trồng lúa, các loại đất khác, việc xây dựng mới nhà ở phát sinh thì quy định như thế nào? Đồng thời đề nghị, đối với loại hình di tích đặc thù là danh lam thắng cảnh như Ruộng bậc thang, cần có thêm điều khoản điều chỉnh về việc xây dựng mới nhà ở trong khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích, có hướng dẫn cụ thể về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong khu vực bảo vệ di tích.

Bên cạnh đó, trường hợp hộ gia đình người dân ở trong khu vực bảo vệ I và II của di tích danh thắng Ruộng bậc thang mà có nhu cầu xây dựng mới nhà ở nằm trong khu vực khoanh vùng bảo vệ của di tích, thửa đất ở hợp pháp của hộ gia đình thì có cần làm thủ tục theo quy định tại Điều 27 của Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) hay không? “Luật Đất đai có quy định các loại đất trong đó có đất di tích văn hóa; Luật Di sản quy định khu di tích được bảo vệ: khu vực bảo vệ I và bảo vệ II được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng….như vậy là liên quan đến quyền lợi của người dân về sử dụng đất, theo đó có phải giải phóng mặt bằng thu hồi đất bố trí tái định cư hay không? Các chính sách đối với các đối tượng bị tác động được thực hiện cụ thể như thế nào? Cần có quy định cụ thể trong dự thảo Luật.”, đại biểu Sùng A Lềnh nói.

Khai thác hiệu quả hơn đối với di tích sau khi xếp hạng

Về vấn đề liên quan đến việc đầu tư, khai thác phát huy giá trị của di tích, đại biểu Sùng A Lềnh phản ánh, thực tế hiện nay nhiều di tích đã được Nhà nước xếp hạng nhưng địa phương không đủ nguồn lực để đầu tư tu bổ, tôn tạo, khai thác đón khách du lịch, trong khi đó kinh phí tu bổ của Trung ương còn rất hạn chế trong đầu tư tu bổ các di tích đã xếp hạng cấp quốc gia ở địa phương, dẫn đến nhiều di tích loại hình danh lam thắng cảnh bị xuống cấp, thậm chí bị lãng quên, ít được quan tâm (loại hình danh thắng hang động, núi, thác nước...).

Đại biểu Sùng A Lềnh cho rằng, cần nghiên cứu, bổ sung thêm quy định về cơ chế đầu tư để Nhà nước và doanh nghiệp, cá nhân cùng đóng góp nguồn lực tu bổ và khai thác hiệu quả di tích; hoặc nghiên cứu, xem xét một số di tích giao cho doanh nghiệp có đủ năng lực đầu tư quản lý và khai thác theo quy định của Luật Di sản văn hóa (sau sửa đổi) và các luật khác như Luật Đầu tư… nhằm khai thác hiệu quả hơn đối với di tích sau khi xếp hạng. “Tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét bổ sung thêm điều khoản quy định về đầu tư, khai thác phát huy giá trị của di tích.”, đại biểu nói

Ngoài ra, đối với nội dung đưa thêm, di dời, thay đổi, thống kê hiện vật trong di tích, điểm b, khoản 2 Điều 30 của dự thảo Luật quy định: “b) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định việc đưa thêm, di dời, thay đổi hiện vật trong di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh.”.

Về nội dung này, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung thẩm quyền chấp nhận việc đưa thêm, di dời, thay đổi hiện vật đối với di tích nằm trong danh mục kiểm kê và điều chỉnh sửa lại như sau: “Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định việc đưa thêm, di dời, thay đổi hiện vật trong di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh, di tích nằm trong danh mục kiểm kê của tỉnh.” /.

Vạn Xuân - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=87553