ĐBQH: Tái giám sát nội dung đã được giám sát chuyên đề là cần thiết

Nhấn mạnh tầm quan trọng của tái giám sát chuyên đề, các ĐBQH cho rằng việc này nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát đồng thời thể hiện quyết tâm đi đến cùng vấn đề giám sát.

Chú trọng "tái giám sát"

Giám sát là một chức năng cơ bản, khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Nhiều vấn đề, nội dung trong các Nghị quyết, kết luận về giám sát chuyên đề đã tiếp tục được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chú trọng hoạt động "tái giám sát".

Như trong năm 2023, đầu năm 2024 trên cơ sở báo cáo của các Đoàn giám sát, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 4 Nghị quyết về giám sát chuyên đề.

Một trong những điểm mới, khác với hoạt động giám sát thông thường nhằm góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật, năm 2023, lần đầu tiên Quốc hội thực hiện giám sát đồng thời 3 chương trình mục tiêu quốc gia ngay trong giai đoạn triển khai thực hiện nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Đặc biệt, trên cơ sở kết quả giám sát, Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5.

Năm 2024, Quốc hội thực hiện giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội" ngay sau khi Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi) được thông qua nhằm góp phần đưa các luật này sớm đi vào cuộc sống.

Bên cạnh việc giám sát chuyên đề thì việc nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động giám sát được các ĐBQH đánh giá cũng rất quan trọng.

Về nội dung này, trao đổi với Người Đưa Tin, ĐBQH Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) cho biết, thực hiện giám sát là chức năng của Quốc hội, giám sát của Quốc hội rất cần thiết.

ĐBQH Trương Xuân Cừ.

ĐBQH Trương Xuân Cừ.

Theo ông Cừ, việc giám sát này để xem xét các Nghị quyết của Quốc hội, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước đi vào thực tiễn ra sao?

Trong đó, sẽ làm rõ những khó khăn, vướng mắc hiện nay trong vấn đề đưa các Chỉ thị, Nghị quyết vào thực tiễn. Từ đó, biết được thực tế hiện nay việc triển khai ở cơ sở gặp những vướng mắc ở đâu.

"Trước khi đi giám sát, Quốc hội đã có những thông tin như nhà ở xã hội cũng gặp khó, gói tín dụng hỗ trợ cũng giải ngân thấp… Nên khi đi giám sát sẽ biết được giải ngân thấp do đâu? Vướng ở đâu?. Giám sát là tất yếu", ông Cừ nói và cho rằng hoạt động giám sát đặc biệt quan trọng.

Tuy nhiên, đại biểu đoàn Hà Nội cũng cho rằng không nên kỳ vọng qua giám sát mọi khó khăn, vướng mắc tháo gỡ được ngay. Bởi, có nhiều vấn đề, lĩnh vực liên quan đến nhiều bộ, ngành nên cần tháo gỡ từng vấn đề.

Ông Cừ cho rằng, khi giám sát cần đánh giá các cơ chế, chính sách đã hợp lý hay chưa, cần điều chỉnh gì, các vướng mắc ở địa phương hiện nay là gì? Từ đó cần phải tìm cách tháo gỡ đồng bộ.

"Qua các kỳ giám sát, những khó khăn vướng mắc sẽ đặt ra yêu cầu đối các bộ, ngành cần tập trung giải quyết. Để sau một thời gian chúng ta lại "tái giám sát" để xem thực thi chức năng nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương đã được thực hiện ra sao. Do đó, tái giám sát chuyên đề rất cần thiết", ông Cừ nhấn mạnh.

Đã giám sát tối cao là những vấn đề, lĩnh vực quan trọng, sau khi giám sát còn nhiều tồn tại. Do đó, ông Cừ cho rằng cần phải đôn đốc, chỉ đạo các ngành tháo gỡ khó khăn.

"Các bộ, ngành gỡ khó ra sao để các Nghị quyết đi vào cuộc sống thì phải tái giám sát lại", ông Cừ nói và cho biết việc này là để có cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm và tiếp tục điều chỉnh cho tốt hơn.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát

ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, hoạt động giám sát chuyên đề đạt được nhiều kết quả quan trọng, đi vào chiều sâu, tạo chuyển biến trong thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả giám sát.

ĐBQH Phạm Văn Hòa.

ĐBQH Phạm Văn Hòa.

Tuy nhiên, vẫn còn một số yêu cầu tại các Nghị quyết về giám sát chuyên đề, báo cáo giám sát của các cơ quan của Quốc hội, ĐBQH chưa được thực hiện; việc theo dõi, đôn đốc chưa thực sự quyết liệt, thường xuyên làm ảnh hưởng tới hiệu quả giám sát.

Do đó, việc quan tâm, chú trọng "tái giám sát", giám sát lại đối với nội dung đã được giám sát chuyên đề là cần thiết nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát đồng thời thể hiện quyết tâm đi đến cùng vấn đề giám sát.

Những vấn đề được nêu ra sau các hoạt động giám sát phải được xử lý triệt để, không để tình trạng nêu ra rồi để đấy, phải có chế tài phù hợp nhằm đảm bảo các kết luận, kiến nghị được thực thi trên thực tế.

Bên cạnh đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trên phạm vi cả nước, kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành vào năm 2025.

Đánh giá về việc Quốc hội lựa chọn chuyên đề này, ông Cừ cho rằng đây là việc rất cần thiết. Bởi, mặc dù đã có Luật về Bảo vệ môi trường, các quy định khác nhưng môi trường vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế như nước thải sinh hoạt, ô nhiễm không khí, xử lý rác thải rắn, công nghệ, quy hoạch bãi xử lý rác thải rắn ra sao… cũng là vấn đề rất lớn.

"Xác định giám sát chuyên đề môi trường là rất trọng tâm, khi đi vào giám sát sẽ xem xét về Luật còn vướng mắc bất cập gì? Việc triển khai và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các bộ, ngành trong việc thực thi luật như thế nào cũng rất cần thiết", ông Cừ nói.

Giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường.

Giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường.

Đồng thời, cho biết thêm, mục đích giám sát nhằm đánh giá việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó trọng tâm là đánh giá việc tổ chức thực hiện Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14, các nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội có liên quan đến bảo vệ môi trường.

Qua giám sát sẽ chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân; rút ra bài học kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường…

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đề nghị, trong năm 2025 Quốc hội tiếp tục xem xét việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và giám sát chuyên đề để đánh giá sự chuyển biến sau chất vấn và giám sát chuyên đề. Đây là hình thức tái giám sát mang lại hiệu quả cao và là cơ sở quan trọng giúp cho các đại biểu Quốc hội đánh giá việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát, về chất vấn, và các lời hứa của các thành viên Chính phủ. Do vậy, đại biểu kiến nghị vẫn tiếp tục các hoạt động tái giám sát và phải coi đây là một hoạt động thường niên.

Hoàng Bích – Minh Thu

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/dbqh-tai-giam-sat-noi-dung-da-duoc-giam-sat-chuyen-de-la-can-thiet-204240727160205835.htm