ĐBQH THÍCH BẢO NGHIÊM: CẦN CÓ CƠ CHẾ PHỐI HỢP GIỮA CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ TRONG VÙNG THỦ ĐÔ

Đóng góp vào việc chỉnh lý, hoàn thiện Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Thích Bảo Nghiêm – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội nhấn mạnh: Cần có cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô. Luật có chương riêng về liên kết và phát triển Vùng là cần thiết, hợp lý. Vai trò Thủ đô Hà Nội không chỉ trong Vùng Thủ đô mà còn với vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Theo chương trình Phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) để Quốc hội tiếp tục thảo luận, xem xét thông qua dự thảo Luật này tại kỳ họp thứ 7 tới.

Luật Thủ đô đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 4 ngày 21/11/2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2013. Qua hơn 10 năm thực hiện, Luật đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về vị trí, vai trò và định hướng phát triển Thủ đô, đã tác động tích cực tới phát triển kinh tế- xã hội và quản lý Nhà nước trên địa bàn Thủ đô. Song bên cạnh kết quả tích cực, Luật còn có một số hạn chế, bất cập và chưa đáp ứng kịp với các văn bản qui phạm pháp luật mới ban hành. Để thực hiện những định hướng, đường lối, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết 15 - NQ/TW của Bộ Chính trị và từ thực tiễn của sự phát triển kinh tế-xã hội cũng như trong cuộc sống, việc sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô là cần thiết.

Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6.

Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6.

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã cho ý kiến về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Qua các cuộc thảo luận, Quốc hội đã thống nhất và đề nghị Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự thảo Luật tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến của các cơ quan, Bộ ngành, đại biểu Quốc hội (ĐBQH), giới chuyên gia, nhà khoa học để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật. Nếu đủ điều kiện, Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 diễn ra vào tháng 5/2024.

Đóng góp vào việc chỉnh lý để hoàn thiện Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội nhấn mạnh: Quá trình nghiên cứu, xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được thực hiện nghiêm túc, khoa học, luôn có sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy, UBND, HĐND. Việc góp ý kiến đã được thực hiện rộng rãi phong phú, đa ngành, đa lĩnh vực với sự tham gia rộng rãi, nhiệt huyết của các tầng lớp nhân dân, các Bộ, ngành Trung ương, các cấp lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Trung ương và Thành phố. Ban soạn thảo đã tích hợp được các đóng góp ý kiến, phối hợp hiệu quả với các bên liên quan để hoàn thành dự thảo Luật trình Quốc hội lần này. Dự thảo Luật được xây dựng với cấu trúc gồm 7 chương, 59 điều, so với Luật Thủ đô 2012 gồm 4 chương, 27 điều và so với các dự thảo đã trình bày, lấy ý kiến cũng có nhiều đổi mới và có chất lượng cao mang tính đặc thù, vượt trội, phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô của cả nước.

Qua tiếp xúc với cử tri, một số chuyên gia và truyền thông, báo chí đều có nhận định chung là nội dung dự thảo Luật lần này đã bám sát các quy định tại Nghị quyết 15 - NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến 2030, bám sát 9 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Thủ đô đã được Chính phủ thông qua, tổng hợp được những vấn đề tồn tại, bất cập trong thực hiện Luật Thủ đô (2012) để xây dựng các chính sách đặc thù có tính khả thi cao. Tuy nhiên, qua các hội thảo hội nghị lấy ý kiến cũng đã đề cập đến một số nội dung cần làm rõ hơn, nhất là các nội dung mang tính kỹ thuật.

Đại biểu, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội.

Đại biểu, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội.

Về cấu trúc Luật Thủ đô: Đây là vấn đề đã có nhiều điều chỉnh trong quá trình xây dựng dự thảo Luật. Ví dụ như cuối 2022 là 6 chương 52 điều, đầu năm 2023 là 6 chương 53 điều. Tại hội nghị tháng 7/2023 dự thảo 6 chương 59 điều. Tháng 8/2023 dự thảo tại hội nghị thẩm định là 7 chương 62 điều. Tại hội thảo lấy ý kiến nguyên lãnh đạo (9/2023) là 7 chương 59 điều và dự thảo lấy ý kiến hiện nay cũng là 7 chương 59 điều. So với Luật Thủ đô 2012, dự thảo Luật tăng 3 chương và 32 điều. Đại biểu Thích Bảo Nghiêm thống nhất với cấu trúc dự thảo lần này. Việc tách riêng các nội dung về chính quyền tại Thủ đô (chương II), tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực (chương IV), liên kết phát triển Vùng Thủ đô (chương V) là cần thiết. Tuy nhiên, đại biểu Thích Bảo Nghiêm đề nghị Ban soạn thảo dự thảo Luật cần xem xét thêm về tên các chương: Chương II chỉ nên là chính quyền Thủ đô (bỏ từ tại).

Ngoài ra, liên kết phát triển Vùng Thủ đô (chương V) là nội dung cần thể hiện vai trò đặc thù, song Hà Nội còn có vai trò với vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Do vậy, tiêu đề chương chỉ là liên kết phát triển Vùng. Trong chương bổ sung điều nguyên tắc về trách nhiệm Thủ đô với Vùng để thể hiện Thủ đô vì cả nước.

Tên chương VI: Trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô, đại biểu Thích Bảo Nghiêm đề nghị bỏ cụm từ “giám sát, kiểm tra, thanh tra” trong dự thảo Luật vì nội dung này cũng thuộc nội hàm trách nhiệm.

Về quy định chung (chương I): Đại biểu Thích Bảo Nghiêm thống nhất về phạm vi điều chỉnh, vị trí, vai trò Thủ đô; đồng thời cho rằng, cần rà soát lại nội dung điều 3 (giải thích từ ngữ). Đây là nội dung có nhiều biến động trong các dự thảo, do đó Ban soạn thảo dự thảo Luật nên kế thừa Luật Thủ đô 2012 như Vùng Thủ đô, nội thành (gồm các quận và bổ sung thành phố trực thuộc Thủ đô), bổ sung thuật ngữ mới như: Đô thị trung tâm nội đô lịch sử, đô thị vệ tinh... khởi nghiệp sáng tạo, phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD). Riêng về thuật ngữ: Khu vực TOD nhiều chuyên gia cho rằng dự thảo nêu chưa khoa học.

Trong chương I, vấn đề được quan tâm là áp dụng Luật Thủ đô (điều 4). Đây là nội dung có nhiều ý kiến khác nhau trong một số hội thảo. Dự thảo nêu yêu cầu khi các Luật, Nghị quyết Quốc hội có qui định khác so với Luật Thủ đô mà cần áp dụng thì phải quy định ngay trong Luật, Nghị quyết đó. Nội dung này không hợp lý, không thể hiện đặc thù của Thủ đô. Đại biểu Thích Bảo Nghiêm đề nghị nên áp dụng như đặc thù với Tp.Hồ Chí Minh (được thể hiện trong Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội). Cụ thể đề xuất là khi có quy định khác nhau về cùng nội dung giữa Luật, Nghị quyết mới ban hành mới Luật Thủ đô thì áp dụng quy định của Luật Thủ đô. Trường hợp quy định mới có nhiều ưu đãi, thuận lợi hơn Luật Thủ đô thì HĐND thành phố được quyền lựa chọn áp dụng mức ưu đãi thuận lợi hơn.

Về chính quyền Thủ đô (chương II): Dự thảo qua 10 điều đã tập trung phân cấp, giao quyền quy định trách nhiệm của Thủ đô. Để phát huy vai trò cộng đồng, HĐND, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã quy định tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân là cần thiết (125 đại biểu). Số lượng này so với bình quân cả nước là còn thấp hơn. Hơn nữa dự báo dân số Hà Nội cao hơn so với quy hoạch đã định (quy hoạch điều chỉnh đến 2030 không phải 9,2 triệu dân mà có thể tới 14 triệu), nên cần nghiên cứu thêm.

Trong dự thảo Luật đã đề cập đến chính quyền Thành phố thuộc Thành phố (điều 13 - 14 dự thảo) là cần thiết. Song dự thảo còn nêu nhiều nguyên tắc chung chưa đề cập chính sách đặc thù để phát huy vai trò mô hình chính quyền mới này. Ví dụ vai trò lựa chọn nhà đầu tư, ký kết hợp đồng dự án, điều chỉnh cục bộ quy hoạch, sử dụng tài sản công...

Đại biểu Thích Bảo Nghiêm đề nghị tham khảo bài học kinh nghiệm từ thành phố Thủ Đức thuộc Tp.Hồ Chí Minh và các quyết định đã được Quốc hội cho phép với Thành phố Thủ Đức (tại Nghị quyết 98/2023/QH15 thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp.Hồ Chí Minh).

Tiềm năng tri thức, nhân lực chất lượng cao của Hà Nội là rất lớn nên cần được phát huy

Về trọng dụng nhân tài (Điều 17 dự thảo): Đại biểu Thích Bảo Nghiêm khẳng định, tiềm năng tri thức, nhân lực chất lượng cao của Hà Nội là rất lớn. Hà Nội có tới gần 70% tri thức cả nước, có gần 80 trường Đại học và nhiều Viện Nghiên cứu quốc gia. Do đó, cần được tập hợp, phát huy lợi thế. Đây cũng là nội dung được xác định là nhiệm vụ giải pháp chủ yếu trong Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị. Trong 8 nhiệm vụ đã nêu thì có tới 3 nhiệm vụ đề cập cụ thể đến yêu cầu: Huy động, sử dụng có hiệu quả nguồn lực, tiềm năng về văn hóa, khoa học, công nghệ...

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ tiếp tục được Quốc hội cho ý kiến, xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7 tới (ảnh minh họa: Internet)

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ tiếp tục được Quốc hội cho ý kiến, xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7 tới (ảnh minh họa: Internet)

Trong dự thảo đã đề cập đến một số chính sách cụ thể như: ưu tiên phát triển một số lĩnh vực, chính sách hỗ trợ ngân sách, hình thành các trung tâm Quốc gia... Song vẫn chưa đầy đủ so với Nghị quyết 15 - NQ/TW và Nghị quyết 27-NQ/TW về xây dựng đội ngũ trí thức. Vì vậy, đại biểu Thích Bảo Nghiêm đề nghị xem xét, bổ sung một số nội dung cụ thể như bố trí ngân sách, ưu đãi trong thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ trọng điểm. Ưu đãi trong chuyển giao, ứng dụng khoa học cồng nghệ, trong bảo tồn di sản đô thị.

Về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô (chương III): Nội dung chương II dự thảo Luật có 15 điều đã kế thừa chương II Luật 2012 (14 điều từ 8 - 22) và cập nhật được các yêu cầu từ đòi hỏi thực tiễn. Các cơ chế chính sách Luật mới ban hành. Tuy vậy, còn một số nội dung cần xem xét, nghiên cứu kỹ hơn.

Tại điều 19 đã nêu vai trò trục sông Hồng là cần nhưng chưa đủ. Theo định hướng quy hoạch, Hà Nội sẽ có 5 trục không gian cảnh quan, trục sông Hồng là trục cảnh quan trung tâm. Do vậy, trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nên sửa là: Phát triển bền vững các trục cảnh quan, ưu tiên trục cảnh quan sông Hồng.

Đối với việc bảo vệ môi trường, an ninh nguồn nước chỉ nêu với sông Hồng là chưa đủ (Hà Nội có sông Hồng và 6 sông nữa tạo thành hệ thống liên hoàn), nên cần nêu đồng bộ là an ninh nguồn nước của hệ thống sông qua Hà Nội. Ngoài ra, cần xem xét lại yêu cầu tại khoản 2: Tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống là chưa khoa học. Trong phát triển Hà Nội với 37 quy hoạch phân khu, còn cần ưu tiên các quy hoạch phân khu khác như 4 quy hoạch phân khu trong nội đô lịch sử, các quy hoạch phân khu của 2 thành phố thuộc Thủ đô…

Tại khoản 3 đề xuất thành phố được quyền quyết định điều chỉnh cục bộ quy hoạch là hợp lý và cần thiết. Đây là chính sách đặc thù đã được Quốc hội thống nhất với Tp.Hồ Chí Minh.

Về biện pháp thực hiện quy hoạch (điều 20): Nội dung điều này và thẩm quyền Thủ tướng tại khoản 2 về danh mục, biện pháp các đối tượng phải di dời đã được đề cập từ hơn 10 năm nay, nhưng chưa thực hiện như kế hoạch. Song dự thảo Luật nêu thẩm quyền Ủy ban TP không quyết định biện pháp, lộ trình di dời các cơ sở nêu trên là chưa thể hiện hết trách nhiệm của Thủ đô. Đại biểu Thích Bảo Nghiêm cho rằng, cần diễn đạt lại vì nhiều cơ sở di dời theo quy hoạch vùng, song cũng không ít cơ sở được di dời theo quy hoạch chung Thủ đô đã xác định. Do vậy, đây cũng là trách nhiệm của Hà Nội.

Khoản 5 điều 20 dự thảo chỉ xác định thẩm quyền Hà Nội được điều chỉnh một số chỉ tiêu trong khu vực TOD là chưa đầy đủ. Việc này Chính phủ đã cho phép Hà Nội xây dựng đặc thù cho Hà Nội. Việc này đã triển khai, đang hoàn thiện.

Quản lý không gian ngầm (khoản 2 điều 21), đã có nguyên tắc chung nêu trong Nghị định 39/2010 của Chính phủ về quản lý không gian ngầm. Trong Quyết định 913/QĐ - UBND phê duyệt quy hoạch không gian ngầm đô thị trung tâm thành phố Hà Nội đã nêu khá cụ thể. Hơn nữa, trong Luật Đất đai đang trình duyệt cũng có nhiều quy định mới. Do vậy, đại biểu Thích Bảo Nghiêm cho rằng, nên tham khảo để chỉ nêu chính sách đặc thù, không nêu nguyên tắc chung như dự thảo

Đối với việc cải tạo, chỉnh trang tái thiết đô thị (điều 22), đây là nội dung mới so với Luật 2012 rất cần có chính sách đặc thù. HĐND, UBND cũng đã có một số văn bản cụ thể hơn điều 10 Luật Thủ đô 2012. Dự thảo Luật đã nêu được một số chính sách cụ thể, song đối tượng áp dụng chỉ đề cập đến công trình kiến trúc có giá trị là chưa đủ, cần đề cập đến không gian kiến trúc đặc thù (khu vực hồ Gươm, hồ Tây... Sơn Tây...). Việc dự thảo đề xuất quỹ bảo tồn là cần thiết, song không nên chỉ áp dụng cho nội đô lịch sử, mà nên mở rộng cho thành phố. Vì nhiều công trình tôn giáo, văn hóa, nhà ở nông thôn ngoài nội đô lịch sử rất có giá trị (nhiều công trình còn là di tích cấp Quốc gia), cũng cần được hỗ trợ từ quỹ phát triển văn hóa, thể thao (điều 23)

Tại khoản 4 đã nêu các khu vực, di tích được tập trung nguồn lực để bảo tồn, phát huy giá trị, đã kế thừa khoản 2 điều 21 Luật Thủ đô 2012 có làm rõ hơn một số đối tượng. Tuy vậy, cần xem xét đối tượng là công trình kiến trúc có giá trị xây dựng giai đoạn 1954 - 1985, là đối tượng đã có nhiều nghiên cứu khoa học, nhiều bạn bè nước ngoài đánh giá cao. Do vậy phải chăng chỉ nêu là công trình kiến trúc có giá trị được thành phố công nhận (không nên nêu chỉ là công trình xây dựng trước 1954)

Về phát triển khoa học và công nghệ (điều 25): Dự thảo Luật đã cụ thể hóa hơn so với điều 13 của Luật năm 2012, cập nhật nhiều chính sách mới đã và sẽ áp dụng. Tuy vậy, đối tượng áp dụng nên bổ sung thêm phương thức chuyển giao khoa học- công nghệ.

Về quản lý, sử dụng đất đai (điều 30): Dự thảo Luật đã cập nhật được những chính sách đổi mới đề cập trong Luật Đất đai sửa đổi và đã nêu được các quy định cụ thể, mạnh dạn để bảo đảm sinh kế bền vững cho người dân. Riêng về bãi nổi, bãi sông (khoản 9) nên nhấn mạnh phát triển không gian xanh công cộng.

Về phát triển nhà ở (điều 31): Đây là nội dung được cử tri quan tâm, không chỉ từ sửa đổi Luật Nhà ở, mà trước mắt là từ chính sách đặc thù của Hà Nội, nhất là về nhà ở xã hội và cải tạo chung cư cũ. Dự thảo Luật đã kế thừa các chính sách từ đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ của Thành phố và chương trình phát triển nhà ở của Thành phố.

Đối với nhà ở xã hội độc lập (mục C khoản 2) rất cần có đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Song quy định trong phạm vi ranh giới của dự án là khó thực hiện, nên cân đối trong cả khu vực. Vì vậy, trong dự thảo Luật nên bỏ cụm từ “trong danh giới dự án”.

Về phát triển nông nghiệp, nông thôn (điều 3) đề cập việc phát triển nông nghiệp đã nêu được những chính sách cụ thể, song đối chiếu với Nghị quyết 19- NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thì dự thảo Luật nên được bổ sung về chính sách ưu đãi trong xây dựng nông thôn (tham khảo nhiệm vụ giải pháp chủ yếu số 4 đã nêu trong Nghị quyết).

Vai trò của Thủ đô Hà Nội còn ở vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

Về liên kết phát triển Vùng Thủ đô (chương V): Đại biểu Thích Bảo Nghiêm cho rằng, vùng Thủ đô Hà Nội được thành lập từ 2003 (quyết định 118//2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) bao gồm 8 tỉnh. Quy hoạch Vùng Thủ đô đã được nghiên cứu và phê duyệt tại Quyết định 490/QĐ-TTg ngày 5/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ.

Sau khi Hà Nội mở rộng địa giới 2008, đã có điều chỉnh phạm vi Vùng Thủ đô theo quyết định số 1758/QĐ-TTg ngày 20/11/2012 bao gồm 10 tỉnh. Điều chỉnh quy hoạch Vùng Thủ đô đã được nghiên cứu và phê duyệt năm 2016 tại quyết định số 768/QĐ-TTg. Trong Luật Thủ đô (2012) đã có xác định cần có cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô để thi hành các quy định của pháp luật về Thủ đô. Song trong thực hiện còn hạn chế do cả chủ quan và khách quan nên cần có cơ chế đặc thù. Trong Nghị quyết 15-NQ/TW về phát triển Thủ đô đến 2030 tầm nhìn 2045 đã nhận diện những kết quả Hà Nội đã đạt được và cũng nhận xét những hạn chế, yếu kém trong đó có Hà Nội chưa thể hiện rõ vai trò là trung tâm, động lực tăng trưởng và phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và cả nước.

Trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm (2021 - 2030) được Đại hội Đảng toàn quốc lần XIII thông qua về nhiệm vụ phát triển Vùng (một trong 10 nhiệm vụ chủ yếu) đã có đề cập đến vai trò Thủ đô trong các vùng có liên quan. Trong bối cảnh này, Luật Thủ đô (sửa đổi) có chương riêng về liên kết và phát triển Vùng là cần thiết, hợp lý. Vai trò Thủ đô Hà Nội không chỉ trong Vùng Thủ đô mà còn với vùng đồng bằng sông Hồng (gồm 9 tỉnh) và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (gồm 7 tỉnh). Do vậy tiêu đề chương V nên là: Liên kết, phát triển Vùng để thực hiện các định hướng nêu trên và phù hợp với khoản 3 điều 46.

Dự thảo chương V bao gồm 7 điều (điều 47 - 52) với các nội dung hợp lý. Việc đề xuất tại khoản 2 điều 47: Chính quyền Thủ đô chủ trì, điều phối thực hiện và quản lý quy hoạch vùng sau khi được Thủ tướng Chính phủ duyệt là rất cần thiết (Bài học từ xây dựng vành đai 4 vừa qua là minh chứng hiệu quả rõ). Về các lĩnh vực liên kết vùng (điều 49) ngoài 10 lĩnh vực dự thảo đã nêu, đề nghị bổ sung: Phân bố dân cư. Về thành lập Hội đồng điều phối Vùng Thủ đô (Khoản 3 điều 50) do Thủ tướng Chính phủ quyết định là hợp lý, song nên bổ sung: Hà Nội là Thường trực Hội đồng.

Chương VI trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chỉ nên xác định tiêu đề là: Trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô là đầy đủ. Về trách nhiệm các Bộ, cơ quan ngang Bộ (điều 55) tại khoản 5 không chỉ là di dời trụ sở mà nên nêu chung là các cơ sở không phù hợp quy hoạch (theo quy hoạch chung Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt)./.

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=85323