ĐBQH Trần Khánh Thu (Thái Bình): Cần có chính sách đặc thù ưu đãi để thu hút nhà đầu tư về y tế

Chiều 8.6, thảo luận tại Hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, ĐBQH Trần Khánh Thu (Thái Bình) cho rằng: Cần phân cấp, thẩm quyền ban hành chính sách đặc thù ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư về y tế hay các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe người dân...

Khơi thông nguồn lực, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh

Theo ĐBQH Trần Khánh Thu (Thái Bình), TP. Hồ Chí Minh là một đô thị đặc biệt, lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị Khóa XI và 5 năm thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội Khóa XIV về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, thành phố tiếp tục phát huy vị trí đầu tàu của cả nước. Cơ cấu kinh tế của TP chuyển dịch theo hướng tích cực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, từng bước phát triển theo chiều sâu, dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Quy mô kinh tế năm 2020 tăng gấp 2,7 lần so năm 2010, GRDP bình quân đầu người tăng gấp đôi so với năm 2010, đạt hơn 6.200 USD/người; số thu ngân sách chuyển về Trung ương cao nhất cả nước, chiếm 27%. Như vậy có thể khẳng định, Nghị quyết 54/2017/QH14 là quyết sách kịp thời, tạo điều kiện tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát huy tính năng động sáng tạo cũng như thúc đẩy tự tháo gỡ những vấn đề khó khăn, vướng mắc cho TP. Hồ Chí Minh.

ĐBQH Trần Khánh Thu (Thái Bình) phát biểu ý kiến tại Hội trường. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Trần Khánh Thu (Thái Bình) phát biểu ý kiến tại Hội trường. Ảnh: Hồ Long

Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Khánh Thu, Nghị quyết số 54/2017/QH14 khi ban hành chưa bao phủ hết nội dung của một đô thị đặc biệt như TP. Hồ Chí Minh. Tại thời điểm soạn thảo nghị quyết, trong bối cảnh chúng ta nóng lòng muốn giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng, cần nguồn lực để đầu tư công là chủ yếu. Đại biểu cho rằng: trước một đô thị đặc biệt, cần tính toán về quy mô dân số, kinh tế, tốc độ đô thị hóa… từ đó đặt ra nhiều bài toán về quản lý dân cư, quản lý - quy hoạch đô thị, kể cả giao thông, con người đô thị; Đồng thời, hướng đến phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, trí tuệ nhân tạo, công nghệ cao.

Đại biểu cũng cho biết, trong thời gian qua, Bộ Chính trị, Quốc hội ban hành nhiều nghị quyết (Nghị quyết số 24-NQ/TW, Nghị quyết số 81/2023/QH15) với nhiều nội dung quan trọng, nhưng chỉ đề cập tới việc thúc đẩy TP. Hồ Chí Minh đột phá, phát triển. Đặc biệt, Nghị quyết số 31-của Bộ Chính trị ban hành ngày 30.12.2022, có nêu: TP. Hồ Chí Minh tiếp tục là động lực, đầu tàu, dẫn dắt trong vai trò của một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học - công nghệ, đổi mới, sáng tạo, giáo dục và đào tạo của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, là cửa ngõ quan trọng kết nối với khu vực và thế giới”. Tuy nhiên, nghị quyết này cũng chỉ ra việc TP chưa được khai thác hết hiệu quả tiềm năng, lợi thế của mình. Tính vượt trội, sự năng động, sáng tạo, vai trò đầu tàu, động lực, dẫn dắt đối với vùng và cả nước có chiều hướng suy giảm, kinh tế tăng trưởng chậm, năng lực cạnh tranh quốc tế còn thấp. Cùng với đó, những hạn chế, khuyết điểm, vướng mắc chưa được giải quyết dứt điểm thì nhiều khó khăn, thách thức mới phát sinh, trở thành điểm nghẽn cản trở sự phát triển của TP... Nhất là sau đại dịch Covid-19 nền kinh tế- xã hội chịu tác động mạnh trên nhiều lĩnh vực, tăng trưởng hầu hết ở các ngành đều giảm.

Từ thực tế trên, đại biểu cho rằng: Việc ban hành một nghị quyết mới về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 nhằm tạo điều kiện cho TP khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh và đặc biệt thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển đã nêu trong Nghị quyết 24, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 81 của Quốc hội đề ra là rất cần thiết. " Khi xây dựng nghị quyết mới, bên cạnh những cơ chế, chính sách về huy động nguồn lực trong giai đoạn tới thì điều quan trọng hơn là cần phải có những cơ chế, chính sách mới, đủ mạnh, vượt trội để TP. Hồ Chí Minh phát triển đột phá"- đại biểu Trần Khánh Thu nhấn mạnh.

Cần phân cấp thẩm quyền ban hành chính sách đặc thù cho Thành phố

Theo ĐBQH Trần Khánh Thu, dự thảo nghị quyết mới phạm vi khá lớn: Với 44 cơ chế, chính sách. Trong đó có hai chính sách kế thừa, năm chính sách vừa kế thừa vừa “nâng cấp” từ Nghị quyết Nghị quyết 54/2017/QH14, bốn chính sách tương tự các địa phương khác, sáu chính sách được dự kiến trong dự thảo Luật Đất đai và Luật Nhà ở (sửa đổi), cùng với 22 cơ chế, chính sách mới hoàn toàn. Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn: nghị quyết mới ban hành đã đủ để tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thể chế, chính sách pháp luật để TP phát huy khả năng và tiềm lực của mình chưa? Đặc biệt, những nội dung chưa triển khai được hay triển khai chưa hiệu quả khi thực hiện Nghị quyết 54 hay chưa, vì xuất phát điểm khi thực hiện nghị quyết mới này không còn được như khi bắt đầu thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 nữa.

Về các chính sách cụ thể, ĐBQH Trần Khánh Thu cơ bản thống nhất với dự thảo Nghị quyết, song đại biểu cũng cho rằng, đối với lĩnh vực y tế, việc chăm sóc sức khỏe sau đại dịch Covid-19 chắc chắn đã có những thay đổi về cơ cấu bệnh tật; sức ép từ sự quá tải do lượng người dân đến khám chữa bệnh đông, không chỉ TP mà còn nhiều tỉnh thành khác; điều kiện làm việc còn nhiều khó khăn do máy móc, thiết bị hư hỏng do phục vụ trong dịch Covid, khó khăn trong triển khai mua sắm. Trong khi đó, hệ thống khám chữa bệnh chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Dẫn chứng việc này, đại biểu cho biết: hiện nay, bên cạnh 51 bệnh viện công lập của TP, 13 bệnh viên các bộ ngành đóng trên địa bàn, thành phố có 66 bệnh viện tư nhân (chiếm trên 56%); 7.868 phòng khám tư nhân (chiếm 99%) thực hiện nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân bên cạnh hơn 9 triệu người dân thành phố, còn có gần 5 triệu người dân các tỉnh, thành khác ở đây. "Vừa qua, đại dịch Covid-19, chúng ta cũng đã có những bài học kinh nghiệm trong việc huy động nguồn nhân lực y tế để tham gia phòng chống dịch bệnh"- đại biểu Thu nhấn mạnh.

Đại biểu cũng cho rằng: trong dự thảo Nghị quyết chưa thấy nêu rõ các chính sách thực sự đột phá tạo bước chuyển mới để phục hồi, duy trì và phát triển hệ thống này đặc biệt các chính sách thu hút, ưu đã đối với hệ thống khám chữa bệnh tư nhân; nên cần có cơ chế chính sách nhằm thu hút nguồn lực xã hội, nhất là hệ thống y tế tư nhân đồng hành tham gia cùng. Theo đó, đại biểu đề nghị, TP cần được phân cấp thẩm quyền ban hành chính sách đặc thù ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư về y tế hay các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe người dân. Ví dụ như việc giao đất, các thủ tục đầu tư, thủ tục hành chính để hệ thống y tế tư nhân tham gia xây dựng thêm các bệnh viện mới, cơ sở mới đặc biệt các lĩnh vực Ung bướu, tim mạch, chấn thương chỉnh hình …

Liên quan đến việc thành lập Sở An toàn thực phẩm tại TP, ĐBQH Trần Khánh Thu cho rằng, việc thành lập Sở là cần thiết, đây có thể coi là chính sách đột phá để tham gia bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân từ sớm từ xa, cũng là giải pháp để hiện thực hóa hành động chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 17 về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới.

Cũng theo đại biểu, trên nền tảng kế thừa tính thực tiễn hiệu quả hoạt động trong 6 năm của mô hình Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh nhưng cũng sẽ khắc phục được tồn tại khi hoạt động Ban thì mô hình hoạt động không theo loại cơ quan nào của Chính phủ. Khi hoạt động giống như cơ quan quản lý Nhà nước nhưng lại thiếu chức năng thanh tra, xử lý vi phạm và các hoạt động bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm hiện nay đang dàn trải ở 4 ngành chủ trì từng lĩnh vực khác nhau Y tế, Công thương, Nông nghiệp, Thanh tra… nên việc hợp nhất chức năng sẽ thống nhất được tránh được việc chồng chéo kể cả khi thực hiện nhiệm vụ cũng như khi chịu trách nhiệm.

Mai Phương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/y-kien-dai-bieu/dbqh-tran-khanh-thu-thai-binh-can-co-chinh-sach-dac-thu-uu-dai-de-thu-hut-nha-dau-tu-ve-y-te-i331852/