ĐBQH TRẦN THỊ VÂN: CỬ TRI BẮC NINH KIẾN NGHỊ NHIỀU NỘI DUNG NHẰM HOÀN THIỆN DỰ ÁN LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI (SỬA ĐỔI)
Qua hoạt động giám sát và tiếp xúc cử tri chuyên đề, đại biểu Trần Thị Vân – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đã gửi gắm nhiều tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV nhằm góp phần hoàn thiện dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Chia sẻ với Cổng Thông tin điện tử Quốc hội, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho biết, để có thêm thông tin từ thực tiễn cuộc sống, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của cử tri, đối tượng chịu tác động, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến đóng góp vào dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); lấy ý kiến đóng góp của các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan liên quan.
Phóng viên: Thưa đại biểu, qua hoạt động tiếp xúc cử tri chuyên đề, lấy ý kiến của các cơ quan liên quan, của đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh, xin đại biểu cho biết các ý kiến kỳ vọng như thế nào về sự cần thiết sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014?
Đại biểu Trần Thị Vân – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh: Qua hoạt động tiếp xúc cử tri chuyên đề, lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động và các cơ quan có liên quan tại tỉnh Bắc Ninh, các ý kiến đều thống nhất việc Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) nhằm đáp ứng kỳ vọng của cán bộ, đảng viên, người lao động, lãnh đạo, chủ doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân. Sửa đổi luật trong thời điểm này sẽ tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho việc xây dựng hệ thống BHXH đa dạng và linh hoạt phù hợp với yêu cầu của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, cử tri kỳ vọng vào việc mở rộng các hình thức bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện; bổ sung, sửa đổi các chế độ BHXH còn bất hợp lý, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHXH; tách BHXH đối với khu vực hành chính nhà nước ra khỏi khu vực doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các lĩnh vực khác.
Cử tri cũng cho rằng, vấn đề điều chỉnh lương hưu và trợ cấp BHXH theo cơ chế tạo nguồn, độc lập tương đối với chính sách tiền lương, giảm dần phần hỗ trợ từ Ngân sách nhà nước (NSNN); từng bước cải thiện đời sống của người về hưu mà Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 30/01/2008 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã nhấn mạnh vai trò của BHXH trong hoàn thiện thể chế gắn kết tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng một số quy định trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) vẫn còn chung chung, chưa cụ thể. Còn có nhiều vấn đề phức tạp, nhạy cảm, cần tiếp tục được đánh giá tác động kỹ lưỡng, cụ thể để đảm bảo chính sách đồng bộ, khả thi, hiệu quả.
Phóng viên: Xin đại biểu cho biết một số nội dung cụ thể, cử tri Bắc Ninh đã kiến nghị thông qua Đoàn ĐBQH tỉnh?
Đại biểu Trần Thị Vân – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh: Cử tri tỉnh Bắc Ninh quan tâm đến nhiều nội dung của dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Trong đó, về các chế độ BHXH (Điều 5) quy định “bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp” là một trong các chế độ BHXH bắt buộc, đồng thời tại Điều 116 quy định các quỹ thành phần của quỹ BHXH có quỹ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp. Mặt khác, tại mục 2, Chương III về Tổ chức thực hiện Bảo hiểm xã hội có quy định rất nhiều nội dung về “bảo hiểm thất nghiệp”.
Tuy nhiên, hiện nay một phần của “Bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp” được quy định tại Luật An toàn, vệ sinh lao động và “Bảo hiểm thất nghiệp” được quy định tại Luật Việc làm. Như vậy, các chế độ BHXH hiện nay đang được quy định tại 3 luật khác nhau (Luật BHXH, Luật An toàn, vệ sinh lao động và Luật Việc làm). Có ý kiến cho rằng, ban soạn thảo cần nghiên cứu, xem xét, đánh giá cụ thể về mối quan hệ giữa Luật BHXH và các luật có điều chỉnh về các chính sách về BHXH để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Đồng thời để phù hợp nội dung cải cách chính sách bảo hiểm xã hội tại Nghị quyết 28-NQ/TW đó là: “Bảo hiểm xã hội bắt buộc (với các chế độ hưu trí, tử tuất, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, ốm đau, thai sản, thất nghiệp) dựa trên đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động...”
Vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung “Bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm” là một chế độ của BHXH bắt buộc, quy định tại khoản 2 Điều 5 dự thảo; đồng thời bổ sung Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp như một quỹ thành phần của quỹ BHXH quy định tại Điều 116 dự thảo.
Về trách nhiệm của người tham gia và người thụ hưởng các chế độ BHXH (Điều 10), có ý kiến cho rằng việc quản lý, xác minh thông tin người hưởng BHXH hàng tháng qua ATM gặp rất nhiều khó khăn do đối tượng di chuyển nhiều nơi. Đề nghị bổ sung nội dung sau: “Đối với người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua tài khoản tiền gửi ngân hàng, định kỳ 6 tháng cung cấp cho cơ quan BHXH thông tin về nơi cư trú”.
Về quyền và trách nhiệm của công đoàn, tổ chức của người lao động, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận (Điều 13), có ý kiến đề nghị xem xét quy định rõ và riêng biệt giữa “Quyền” và “Trách nhiệm” của công đoàn tại Khoản 1, Điều 13 của dự thảo luật và đề nghị bổ sung những quyền: Yêu cầu người sử dụng lao động, cơ quan BHXH cung cấp thông tin về BHXH của người lao động; Kiến nghị, tham gia xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về BHXH. Việc bổ sung nhằm giúp tổ chức công đoàn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động về BHXH.
Đối với quy định về mức đóng và phương thức đóng của người lao động (Điều 32), cử tri tỉnh Bắc Ninh cho rằng, để đảm bảo tính khả thi việc thực hiện BHXH bắt buộc với lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 3 của dự thảo Luật), cần quy định cụ thể phương thức đóng, trình tự, thủ tục thực hiện đóng BHXH. Đồng thời, bổ sung quy định quyền và trách nhiệm tương ứng của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam tại nước ngoài về nội dung này hoặc bổ sung quy định để người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ủy quyền cho người khác ở trong nước đóng BHXH bắt buộc của mình cho cơ quan BHXH.
Về xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, khoản 2 Điều 37 dự thảo luật quy định: “Cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 06 tháng trở lên, đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc phải đóng”. Có ý kiến đề nghị cân nhắc về việc bổ sung chế tài này vì biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn không chỉ liên quan đến toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nghiệp có thể phải ngừng hoạt động nếu như phải ngừng sử dụng hóa đơn còn ảnh hưởng trực tiếp đến công ăn, việc làm của người lao động, đến đời sống của người lao động.
Tại khoản 3 Điều 37 quy định: “Cơ quan có thẩm quyền quyết định hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 12 tháng trở lên, đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc phải đóng”. Có ý kiến cho rằng quy định 12 tháng trở lên mới hoãn xuất cảnh chưa ngăn chặn sớm được người đại diện pháp luật của doanh nghiệp bỏ trốn. Trên thực tế doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ trốn đóng bảo hiểm xã hội khoảng 03 tháng, người đại diện pháp luật của doanh nghiệp đã bỏ trốn về nước. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu giảm thời gian quy định từ 12 tháng xuống còn 06 tháng đối với hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội…
Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến chế độ hưu trí; trợ cấp một lần khi nghỉ hưu; về rút bảo hiểm y tế một lần; Tạm dừng, chấm dứt, hưởng tiếp lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng; Chi phí quản lý bảo hiểm xã hội; đối tượng áp dụng và về giải thích từ ngữ của dự án Luật BHXH (sửa đổi).
Trong đó, về mức lương hưu hằng tháng, có ý kiến cho rằng theo quy định tại khoản 1 Điều 66 dự thảo Luật, do cách tính mức lương hưu dựa trên thời gian đóng và mức tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng BHXH nên việc giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH sẽ có thêm nhiều trường hợp người lao động nghỉ hưu với mức lương hưu rất thấp (lao động nam tỷ lệ hưởng thấp nhất là 33,75%). Đồng thời, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã bỏ quy định về mức lương hưu thấp nhất bằng lương cơ sở. Do đó, có thể dẫn đến xu hướng “nghèo hóa” của một bộ phận người dân trong tương lai. Đề nghị cần xem xét thiết kế cách tính lương hưu có tính chia sẻ để hỗ trợ cho những người có tiền lương hưu quá thấp.
Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi theo quy định chỉ giảm 1% vì mức giảm 2% theo quy định trên là quá cao, đề nghị sửa khoản 2, Điều 66 thành: “2. Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 72 của Luật này được tính như quy định tại khoản 1 Điều này, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 1%”
Về trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, có ý kiến đề nghị nâng mức trợ cấp một lần đối với người lao động có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ lương hưu 75% bằng 1 lần mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho những năm đóng BHXH cao hơn để khuyến khích người lao động gắn bó lâu dài với hệ thống BHXH.
Về rút BHXH một lần (Điều 70), có ý kiến đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu để có lộ trình áp dụng phù hợp để thực hiện các phương án về BHXH một lần, tránh gây “sốc” về chính sách đối với người lao động, có thể khiến người lao động ồ ạt rút BHXH một lần, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định xã hội.
Đóng góp ý kiến về việc tạm dừng, chấm dứt, hưởng tiếp lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng (Điều 74), khoản 1 quy định: “Tạm dừng việc hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng đối với người đang hưởng khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Xuất cảnh trái phép;
b) Bị Tòa án tuyên bố là mất tích;
c) Có căn cứ xác định việc hưởng bảo hiểm xã hội không đúng quy định của pháp luật”.
Có ý kiến đề nghị bỏ quy định tại điểm c vì thực tế cho thấy đối với các trường hợp có dấu hiệu vi phạm thì thời gian cơ quan có thẩm quyền phải tiến hành kiểm tra, xác minh, điều tra, xét xử kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Do đó, việc tạm dừng chỉ 1 tháng như quy định tại khoản 4 Điều 74 của dự thảo luật là không khả thi.
Tại Khoản 5 quy định: “5. Người sử dụng lao động có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH theo quy định của Bộ luật Hình sự thì cơ quan BHXH kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật”. Có ý kiến cho rằng, chủ thể có trách nhiệm tham gia quản lý, tổ chức thực hiện về BHXH không chỉ có cơ quan BHXH, do vậy ngoài cơ quan BHXH, các cơ quan quản lý nhà trong lĩnh vực BHXH và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác khi phát hiện hành vi dấu hiệu tội phạm trốn đóng BHXH đều phải có trách nhiệm lập hồ sơ kiến nghị khởi tố. Đề nghị sửa khoản 5 như sau: “Người sử dụng lao động có dấu hiệu phạm tội trốn đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Bộ luật Hình sự thì cơ quan có thẩm quyền lập hồ sơ kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật
Phóng viên: Một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm của cử tri và nhất là cử tri đang trong độ tuổi lao động là các quy định liên quan đến chế độ ốm đau, thai sản. Đại biểu có thể chia sẻ thêm về những tâm tư, kiến nghị đối với vấn đề này?
Đại biểu Trần Thị Vân – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh: Qua tiếp xúc cử tri, các chế độ về ốm đau, điều kiện hưởng chế độ ốm đau được nhiều cử tri quan tâm.
Về thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về thời gian người lao động được nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau trong trường hợp con bị mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày theo quy định của Bộ Y tế. Về chế độ thai sản, có ý kiến đề nghị bổ sung trường hợp “cấy que tránh thai” vì đây là biện pháp tránh thai mới, và khi thực hiện biện pháp đó cũng ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của người phụ nữ.
Thời gian hưởng chế độ khi đình chỉ thai nghén (Điều 50), có ý kiến đề nghị nghiên cứu, xem xét lại quy định tại Điều 50, dự thảo Luật vì Điều 50 chỉ quy định thời gian hưởng chế độ thai sản đối với trường hợp đình chỉ thai nghén vậy đối với trường hợp sảy thai, thai chết lưu có được hưởng chế độ thai sản hay không? Vì về bản chất 2 trường hợp này khác nhau, đình chỉ thai nghén được thực hiện theo nguyện vọng của người mang thai hoặc chỉ định của bác sỹ, cơ sở khám chữa bệnh (có thể do thai có bệnh lý, hoặc do bản thân người mang thai muốn đình chỉ hoạt động của thai mà hiện nay đang dùng từ nạo, hút thai); nhưng sảy thai, thai chết lưu là hiện tượng khách quan, không mong muốn.
Chế độ thai sản đối với trường hợp người mẹ nhờ mang thai hộ và trường hợp nhận nuôi con nuôi cũng được cử tri quan tâm đóng góp ý kiến. Trong đó, đối với 2 trường hợp nhờ mang thai hộ và nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi, người mẹ đều không trực tiếp sinh con nhưng người mẹ nhờ mang thai hộ khi không phải nghỉ việc chăm con, ngoài tiền lương vẫn được hưởng chế độ thai sản, còn người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi khi không phải nghỉ việc để chăm con lại không được hưởng chế độ thai sản. Có ý kiến đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu và quy định thống nhất về chính sách đối với 02 trường hợp này.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=81737