ĐBQH trăn trở tại sao sau 23 năm không cải thiện được chất lượng y tế cơ sở?

Theo các ĐBQH, cải thiện chất lượng y tế cơ sở sẽ là lời giải cho bài toán quá tải bệnh viện tuyến trên, người bệnh không còn khổ sở vì phải đi lại hàng trăm cây số để xin giấy chuyển tuyến, chuyển viện.

Cử tri đã gửi ý kiến đến Quốc hội về việc xem xét hủy bỏ thủ tục giấy chuyển tuyến để thuận lợi cho người dân tham gia khám, chữa bệnh. Trước ý kiến này, các ĐBQH bày tỏ nhiều trăn trở, cho rằng cải thiện chất lượng y tế cơ sở sẽ là lời giải cho bài toán quá tải bệnh viện tuyến trên và chắc chắn người bệnh không còn khổ sở vì phải đi lại hằng trăm cây số để xin giấy chuyển tuyến, chuyển viện...

“Tôi thấy thương người bệnh”

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH Hà Nội) cho biết, câu chuyện người bệnh phải đi đi lại lại xin giấy chuyển tuyến, chuyển vẫn còn. Đại biểu đoàn Hà Nội đã chứng kiến những trường hợp bệnh nhân bị K, những phụ nữ thai nặng nề phải di chuyển nhiều, tốn kém chi phí để xin giấy chuyển tuyến.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH Hà Nội) trao đổi bên hành lang Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH Hà Nội) trao đổi bên hành lang Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Anh Trí đánh giá, nỗi lo thường trực hiện nay là người bệnh chuyển tuyến sẽ dẫn đến việc “vượt lên” hết tuyến trên, gây quá tải. Vì lý do này mới có yêu cầu đăng ký cơ sở khám chữa bệnh ban đầu.

Tuy nhiên, về mặt tầm nhìn, đây là cách quản lý “thô”, không còn phù hợp nữa khi dùng biện pháp hành chính để ngăn bệnh nhân chuyển lên tuyến trên.

“Với các điều kiện về công nghệ hiện nay, tôi cho rằng người bệnh đáng nhẽ không cần phải trực tiếp đi xin giấy chuyển tuyến, mà có thậm chí có thể thao tác trên điện thoại, thực hiện ngay tại cơ sở đã chuyển đến. Không chỉ giấy tờ thủ tục này, mà cả thông tin, tình trạng người bệnh, phim chụp… đều được chuyển đi để người bệnh tiếp tục được điều trị. Tôi rất phản đối việc người bệnh muốn chuyển lên tuyến trên là phải xin giấy”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.

ĐBQH đoàn Hà Nội nhấn mạnh, phải tính đến việc cải thiện chất lượng khám chữa bệnh ở tất cả các cơ sở, nâng cao trình độ chuyên môn, phải có bác sĩ giỏi và có giá cả hợp lý để người bệnh thực hiện khám chữa bệnh ở đâu gần nhất, thuận tiện nhất thay vì phải chuyển lên tuyến trên.

“Điều này thực hiện ở năm 2000 là rất khó, nhưng chúng ta đã đi qua 23 năm rồi mà chưa làm được điều này là có lỗi. Khi nâng cao được trình độ chuyên môn, chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến dưới thì vấn đề này sẽ được giải quyết”, ông Trí trăn trở.

Việc để cho người bệnh được lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh cũng sẽ góp phần thúc đẩy, tạo động lực để phát triển chuyên môn, cải thiện chất lượng khám chữa bệnh ở các cơ sở tuyến dưới.

Đồng tình với giải pháp căn cơ là y tế tuyến dưới phải đảm bảo chất lượng và chuyên môn để phải tạo niềm tin cho người dân, đại biểu Nguyễn Tri Thức (Đoàn ĐBQH TP.HCM) nêu ý kiến: “Bác sĩ tuyến Trung ương luân chuyển về tuyến tỉnh, tuyến tỉnh luân chuyển về tuyến huyện, tuyến huyện luân chuyển về tuyến xã, tuyến xã luân chuyển ngược lên tuyến trên để học, tạo nên một vòng xoay. Và sẽ không lo nhân lực y tế không đủ”.

Có nên bỏ giấy chuyển tuyến khám chữa bệnh?

Theo đại biểu Nguyễn Tri Thức, khi người dân có niềm tin vào y tế cơ sở thì họ sẽ không việc gì phải đi xa, đi lên tuyến trên tốn thêm chi phí để khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, để có niềm tin sẽ là cả một quá trình lâu dài.

Đại biểu Nguyễn Tri Thức (Đoàn ĐBQH TP.HCM)

Đại biểu Nguyễn Tri Thức (Đoàn ĐBQH TP.HCM)

Y tế cơ sở thiếu nhân lực, chế độ ưu đãi không đầy đủ... nhưng để giải quyết những vấn đề này thì một mình ngành y tế không thể giải quyết được. Ông Thức cho rằng, việc luân chuyển bác sĩ tuyến trên về tuyến dưới sẽ một mặt để chuyển giao kỹ thuật, kiến thức cho đồng nghiệp, một mặt cũng là để bác sĩ học được nhiều kiến thức mà chỉ ở cơ sở mới có được.

“Tôi đã đề xuất nhiều lần là hãy đưa y tế tuyến trên về tuyến dưới. Khi vòng tròn xoay đều, sẽ luôn có đủ nhân lực y tế có tay nghề, đủ trình độ, tạo niềm tin cho người dân. Lúc đó người dân sẽ đến y tế cơ sở. Việc luân chuyển 6 tháng không phải là quá dài, không ảnh hưởng gì đến sự nghiệp của một con người, rất tốt cho xã hội, cho người dân, tại sao mình không làm?”, đại biểu đoàn TP.HCM nói.

Với kiến nghị của cử tri về việc bỏ giấy chuyển tuyến được cho là gây khó cho người bệnh, đại biểu Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, có 2 luồng ý kiến về vấn đề này. Với ĐBQH đoàn TP.HCM, nếu bỏ phân tuyến thì bệnh viện tuyến trên sẽ được hưởng lợi. Vì nguồn bệnh nhân sẽ đổ hết về tuyến trên, đây là cái lợi trước mắt. Nhưng về lâu dài sẽ phá vỡ hệ thống y tế và không mang lại lợi ích. Nếu bỏ chuyển tuyến thì một bệnh nhân với tình trạng có thể điều trị ở trạm y tế xã sẽ lại có tâm lý lên tuyến Trung ương như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bạch Mai, Việt Đức… điều đó sẽ dẫn đến hệ lụy về mặt kinh tế cho người bệnh, gây quá tải bệnh viện.

“Tâm lý của người dân thì cho rằng phiền phức và muốn có thể đi khám bất cứ cơ sở nào mình muốn. Nhưng, kết cấu của y tế Việt Nam rất tốt, len lỏi cả trong các thôn, bản, tới y tế xã, y tế huyện, tỉnh rồi tới y tế Trung ương. Đây là một mạng lưới y tế rộng khắp, bao phủ. Vấn đề hiện nay là cần phát huy hết chức năng của từng vị trí”, ông Thức nói.

Đại biểu Tri Thức cũng đặt lại câu hỏi: Khi ai cũng chuyển hết lên tuyến Trung ương thì tương lai của y tế cơ sở sẽ đi về đâu?: “Y tế cơ sở sẽ ngày càng không có người bệnh và càng ngày chuyên môn sẽ ngày càng thui chột đi và dần dần sẽ dẫn đến triệt tiêu. Còn tuyến trên thì sẽ dần dần quá tải, nếu bỏ giấy chuyển tuyến thì sẽ không phục vụ được bệnh nhân. Bởi, không thể nào một ngày bác sĩ có thể khám cả nghìn bệnh nhân được”.

Cũng theo ông Thức, khi bỏ giấy chuyển tuyến chỉ kéo lợi ích ở một thời điểm nhất định. Còn bỏ đi một chính sách sẽ gây ra nhiều hệ lụy, thậm chí, hệ thống y tế sẽ bị tê liệt nếu bỏ chuyển tuyến.

Lê Hoàng/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/dbqh-tran-tro-tai-sao-sau-23-nam-khong-cai-thien-duoc-chat-luong-y-te-co-so-post1055557.vov