ĐBSCL: Sản lượng lúa đạt gần 24 triệu tấn
Ngày 14-9, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung chủ trì hội nghị Sơ kết sản xuất trồng trọt vụ Hè thu, Thu đông năm 2023; triển khai kế hoạch sản xuất Đông xuân 2023-2024 vùng ĐBSCL.
“Được mùa, được giá lúa, nông dân ĐBSCL rất phấn khởi. Ngành nông nghiệp và các địa phương sẽ tiếp tục có những giải pháp để giúp nông dân trồng lúa có lợi nhuận ổn định, bền vững” - ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết.
Tại hội nghị, các đại biểu đã đánh giá kết quả thực hiện sản xuất trồng trọt các vụ sản xuất; bàn giải pháp sản xuất vụ Đông xuân 2023 - 2024 tại ĐBSCL. Phân tích những thuận lợi, khó khăn và giải pháp chỉ đạo sản xuất lúa, cây trồng các loại trong điều kiện bất lợi của khí hậu, thời tiết.
Đồng thời, đưa ra những khuyến cáo cụ thể về lịch thời vụ cho từng vùng và cơ cấu giống lúa phù hợp theo vùng sinh thái và nhu cầu của thị trường; giải pháp phòng chống lũ, hạn hán, mặn xâm nhập trong bối cảnh tác động của El Nino…
Theo ông Lê Thanh Tùng, Cục Phó Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), diện tích sản xuất lúa năm 2023 của ĐBSCL trên 3,8 triệu ha, sản lượng ước đạt 23,970 triệu tấn, tăng 416.000 tấn so với cùng kỳ năm 2022. Nhìn chung, tỷ lệ sử dụng giống lúa thơm và lúa chất lượng cao tăng, đáp ứng theo yêu cầu thị trường xuất khẩu gạo.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đánh giá mô hình cánh đồng lớn. Theo đó, hiện ĐBSCL có 2 hình thức liên kết chủ yếu: Doanh nghiệp đầu tư (giống, thuốc, cung ứng vốn) có tham gia một phần vào quá trình sản xuất của nông dân và bao tiêu sản phẩm; doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra nhưng không đầu tư, không tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất.
Thực hiện cánh đồng lớn ở ĐBSCL, diện tích liên kết sản xuất mỗi vụ khoảng 150.000ha – 200.000ha. Để việc hợp tác, liên kết sản xuất đạt kết quả tốt, thời gian tới cần rà soát điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cục Trồng trọt khuyến cáo, vụ lúa Đông xuân 2023-2024, ĐBSCL cần tiếp tục thực hiện giải pháp chỉ đạo gieo sạ tập trung, đồng loạt theo khung lịch khuyến cáo của Cục Trồng trọt. Tăng cường hệ thống bẫy đèn, dự tính, dự báo và phòng trừ sâu bệnh. Nhân rộng các mô hình hiệu quả cao trong sản xuất như: “Cánh đồng lớn”; “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, “Quản lý dịch hại bằng công nghệ sinh thái”. Đồng thời, tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học kỹ thuật góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dbscl-san-luong-lua-dat-gan-24-trieu-tan-post705538.html