ĐBSCL 'vượt trũng' bằng một diện mạo mới

Hôm nay, tại Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy hạ tầng giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Giao thông là lĩnh vực xuất hiện dày đặc trong lịch trình làm việc và chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ thời gian qua, cho thấy một quyết tâm rất lớn về việc hiện đại hóa hạ tầng ở lĩnh vực này.

Sự quan tâm của Thủ tướng cho đầu tư giao thông của vùng được kỳ vọng tạo ra động lực mới, khi ĐBSCL còn là “vùng trũng” trong bản đồ giao thông cả nước.

Thực tế, hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, hàng hải và hàng không với các trục huyết mạch, đường vành đai ven biển phía Đông và phía Tây, các tuyến cao tốc (TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Bắc - Nam, tuyến Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau), các trục quốc lộ Nam Sông Hậu, Quản Lộ - Phụng Hiệp, tuyến N1, N2, các cầu lớn vượt sông Tiền, sông Hậu, Hàm Luông, Cao Lãnh, Cái Lớn..., được xem như những “chiếc đũa vàng” nối mạch Cửu Long giang, vừa kết nối, vừa tạo không gian phát triển mới cho các tiểu vùng, nội vùng ĐBSCL và liên vùng với TPHCM, miền Đông Nam bộ.

Dù vậy, giao thông ĐBSCL vẫn nên được tiếp tục quan tâm đặc biệt, khi nhiều dự án thiếu vốn, thi công chậm tiến độ, đầu tư không đồng bộ, thiếu kết nối. Tình trạng đường chờ cầu nâng tải trọng, cảng chờ luồng thôi ách tắc, đường thủy vướng tĩnh không cầu..., vẫn xảy ra ở nhiều nơi.

Do vậy, Quyết định 287/QĐ-TTg ngày 28-2-2022 của Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định mục tiêu đến năm 2030, đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830km đường bộ cao tốc, khoảng 4.000km đường quốc lộ, 4 cảng hàng không, 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa, nên được hiện thực hóa bằng hành động cụ thể.

Thực tế triển khai đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận 13 năm, thay đổi chủ đầu tư 3 lần, có thể là một bài học kinh nghiệm quý về cơ chế quản lý, giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, chất lượng công trình..., để tránh lặp lại. Nhất là khi việc triển khai đồng loạt các dự án hiện nay đã và đang phát sinh nhiều vấn đề về nguồn cát đắp nền đường, bố trí vốn và phân kỳ đầu tư, kết nối các công trình giao thông... Nếu không có giải pháp đồng bộ, dù có xây dựng nhiều cầu mới, đường mới, các nút thắt giao thông ở ĐBSCL có thể chuyển từ điểm này sang điểm khác, từ tỉnh này sang tỉnh khác.

Giải giải quyết dứt điểm các điểm nghẽn cho giao thông miền Tây, do vậy, cần cách tiếp cận mới, đòi hỏi phát triển giao thông gắn với phát triển hạ tầng logistics, kết nối với công trình đầu tư phát triển khác của vùng và các địa phương; cần xác định quan điểm phát triển rõ ràng, có tư duy hệ thống, đảm bảo yêu cầu tích hợp trong quy hoạch và thực hiện quy hoạch, không cục bộ địa phương.

Đồng thời, sắp xếp không gian và nguồn lực đầu tư phù hợp với yêu cầu phối hợp đồng bộ, hiệu quả và đảm bảo tiến độ thi công, chất lượng công trình. Tập trung hoàn thành hệ thống giao thông kết nối, đường gom để phát huy tối đa hiệu quả hệ thống hạ tầng. Xây dựng bộ máy quản lý thi công công trình cũng như vận hành khai thác chuyên nghiệp và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ hiện đại để vận hành, khai thác công trình một cách tốt nhất.

Kỳ vọng những chỉ đạo liên tục và xuyên suốt của người đứng đầu Chính phủ đối với các bộ, ngành trung ương và địa phương, đến hết nhiệm kỳ này, ĐBSCL “vượt trũng” bằng một diện mạo mới đáp ứng yêu cầu phát triển của giai đoạn mới.

TS TRẦN HỮU HIỆP

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dbscl-vuot-trung-bang-mot-dien-mao-moi-post763828.html