Hơn 80 sản phẩm nông sản Mỹ đồng loạt ra mắt thị trường Việt Nam

Mỹ mong muốn mang đến cho người tiêu dùng Việt Nam các sản phẩm chất lượng cao, trong bối cảnh thương mại nông nghiệp là một trụ cột trong mối quan hệ hai bên.

Ngày 23/7, Phòng Đối ngoại Nông nghiệp thuộc Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội phối hợp cùng MM Mega Market Việt Nam, phát động chiến dịch "Từ những nông trang trù phú của nước Mỹ", nhằm giới thiệu hơn 80 sản phẩm nông nghiệp của nước này như anh đào, táo, nho, việt quất, xuân đào.

14 hiệp hội ngành hàng trực thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) tham gia sự kiện này và có hoạt động trải nghiệm cho người dùng kéo dài từ 23/7 đến 6/8.

Đại sứ Mỹ Marc Knapper.

Đại sứ Mỹ Marc Knapper.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper cho biết: "Năm nay đánh dấu kỷ niệm 30 năm bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam. Thương mại nông nghiệp là một trụ cột quan trọng trong mối quan hệ này. Chúng tôi rất tự hào khi có thể mang đến cho người tiêu dùng Việt Nam những sản phẩm nông nghiệp Mỹ với chất lượng và độ an toàn cao nhất thế giới. Từ trái cây tươi, tôm hùm, thịt bò cho đến các sản phẩm chế biến, đều là những mặt hàng tuyệt vời và hoàn toàn phù hợp với thị trường Việt Nam".

Trong 30 năm qua, hai nước đạt được nhiều bước tiến đáng kể trong việc mở rộng thị trường cho nông sản của nhau.

"Thời gian làm việc tại đây, tôi chứng kiến Việt Nam mở cửa thị trường cho nhiều loại trái cây như mận và xuân đào. Hai bên cũng hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề liên quan đến hải quan và phát triển bền vững, bao gồm cả việc sử dụng phân bón hiệu quả. Vì vậy, nông nghiệp thực sự trở thành một trụ cột trong mối quan hệ song phương", ông Knapper nhấn mạnh.

Việt Nam hiện là thị trường lớn thứ 9 của Mỹ về hàng nông sản. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Mỹ sang Việt Nam đạt mức kỷ lục 1,1 tỷ USD. Đây là kết quả của sự hợp tác hiệu quả giữa hai chính phủ và sự đồng hành của các đối tác, nhà nhập khẩu, doanh nghiệp.

Ông Ralph Bean - Tham tán nông nghiệp, phòng Đối ngoại nông nghiệp, trực thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết thêm, hai bên thực hiện nhiều chương trình trao đổi ở cấp quản lý – đặc biệt về các tiêu chuẩn như giới hạn dư lượng tối đa, an toàn thực phẩm và các quy định liên quan. Hai bên đã làm việc chặt chẽ trong quá trình Việt Nam từng bước nâng cấp hệ thống quản lý và giám sát thực phẩm theo hướng hiện đại hơn.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Mỹ cũng hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực logistics và phân phối, trong đó có chuỗi cung ứng lạnh, yếu tố then chốt trong việc bảo quản các sản phẩm nhạy cảm với nhiệt độ như thịt và trái cây.

Hiện một trong những ưu tiên của Mỹ là hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực sử dụng phân bón hợp lý – sử dụng lượng cần thiết để đạt hiệu quả tối ưu, giúp cải thiện chất lượng nước, giảm chi phí sản xuất và nâng cao hiệu quả cho nông dân.

Một dự án mới cũng đang được xây dựng với mục tiêu thúc đẩy lĩnh vực chăn nuôi – đặc biệt tận dụng hiệu quả hơn nguồn thức ăn và công nghệ giống để sản xuất ra nhiều thịt hơn với số lượng vật nuôi ít hơn, nhanh hơn.

Các đại biểu cắt băng khởi động chương trình.

Các đại biểu cắt băng khởi động chương trình.

Trả lời Báo Điện tử VTC News, ông Ralph Bean cho biết, yếu tố then chốt để hai nước hợp tác góp phần tăng cường chuỗi cung ứng nông nghiệp minh bạch và bền vững, là phối hợp trong các vấn đề quy chuẩn (như chuỗi cung ứng lạnh và giới hạn dư lượng tối đa - MRLs).

Thông qua các hoạt động này, Mỹ mong muốn hỗ trợ Việt Nam phát triển cách tiếp cận riêng đối với MRLs, đồng thời hỗ trợ Việt Nam hợp tác với các nước láng giềng, để có thể xây dựng tiêu chuẩn khu vực, với những quy chuẩn đồng bộ. Điều này không chỉ hỗ trợ thương mại giữa Mỹ với Việt Nam, mà còn thúc đẩy thương mại giữa các nước trong khối.

Với doanh nghiệp Việt Nam, Tổng giám đốc điều hành MM Mega Market Nguyễn Đức Toàn mong muốn các hoạt động này sẽ góp phần tăng cường kết nối, thúc đẩy tăng trưởng thương mại cân bằng giữa hai quốc gia.

Một tiết mục trong chương trình.

Phương Anh

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/hon-80-san-pham-nong-san-my-dong-loat-ra-mat-thi-truong-viet-nam-ar955989.html