Đề án 100 giai đoạn 2: Đào tạo, bồi dưỡng phải phù hợp với nhu cầu thực tế của tỉnh
Đó là yêu cầu của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh tại hội nghị sơ kết thực hiện Đề án 'Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có trình độ sau đại học ở nước ngoài của tỉnh Bình Thuận' giai đoạn 2016 – 2025 (Đề án 100 giai đoạn 2) diễn ra vào chiều 20/12. Tham dự hội nghị có đại diện các cơ quan, đơn vị, sở, ngành liên quan.
Đề án 100 giai đoạn 2
Đề án 100 giai đoạn 1 (2008 – 2015) đã đào tạo được 30 người có trình độ sau đại học. Các ứng cử viên sau khi hoàn thành chương trình đào tạo được UBND tỉnh phân công công tác phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ được đào tạo nên bước đầu phát huy hiệu quả đào tạo. Tiếp tục thực hiện mục tiêu tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, cán bộ khoa học, đội ngũ cán bộ tham mưu, có trình độ, năng lực trên các lĩnh vực phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, mở rộng việc bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, ứng dụng khoa học và công nghệ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chuyên gia trên các lĩnh vực. Ngày 26/5/2017, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1403/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án 100 giai đoạn 2. Đề án đặt ra mục tiêu, phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ toàn phần ở nước ngoài là 30 người; đào tạo tiến sĩ, thạc sĩmột phần trong nước, một phần ở nước ngoài là 30 người; cử được 10 - 15 đoàn đi bồi dưỡng ngắn hạn ở nước ngoài; mở được từ 20 - 25 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ trong nước do chuyên gia nước ngoài giảng dạy.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh phát biểu
Tuy nhiên, qua gần 5 năm triển khai thực hiện, kết quả thực hiện Đề án 100 giai đoạn 2 chưa đạt kỳ vọng như mong muốn và còn nhiều hạn chế. Số lượng đăng ký tham gia đào tạo Đề án 100 giai đoạn 2 tương đối ít, hầu hết là sinh viên mới ra trường. Chuyên ngành đăng ký đào tạo của ứng viên trong giai đoạn 2 chưa tập trung vào các khối ngành phục vụ cho tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Đặc biệt, trình độ ngoại ngữ của cán bộ, công chức, viên chức hiện tại vẫn còn là rào cản để đáp ứng điều kiện dự tuyển đào tạo sau đại học ở nước ngoài, cũng như đảm bảo hiệu quả thực hiện của các khóa bồi dưỡng ở nước ngoài hoặc trong nước có giảng viên nước ngoài giảng dạy…
Theo báo cáo của Sở Nội vụ, đến thời điểm này Đề án 100 giai đoạn 2 tỉnh mới cử được 2/30 ứng viên đi đào tạo toàn phần thạc sĩ ở nước ngoài, đạt tỉ lệ 6,67%. Chưa chọn cử được ứng viên tham gia đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ liên kết một phần trong nước, một phần ở nước ngoài theo như chỉ tiêu đặt ra. Về mục tiêu bồi dưỡng ở nước ngoài đã cử được 4 đoàn (mỗi đoàn 15 người), đạt tỷ lệ 40%. Mục tiêu bồi dưỡng ở trong nước có giảng viên nước ngoài giảng dạy đã mở được 7 lớp (mỗi lớp từ 20 đến 25 người), đạt được tỷ lệ 35%.
Đánh giá từ Sở Nội vụ, nguyên nhân khiến Đề án 100 giai đoạn 2 kém hiệu quả là do việc áp dụng các quy định về quy chế tuyển chọn và quản lý ứng viên, các chế độ chính sách về trợ cấp kinh phí trước đây đã không còn phù hợp với tình hình thực tế và các quy định hiện hành. Tỉnh cũng chưa xây dựng được cơ chế, chính sách phù hợp nhằm “giữ chân” để khuyến khích ứng viên phát huy năng lực chuyên môn đã được đào tạo. Một nguyên nhân nữa do Ban Điều hành Đề án 100 giai đoạn 2 chưa phát huy được hiệu quả; cán bộ, công chức, viên chức chưa mạnh dạn đăng ký tham gia vào Đề án.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế cũng như đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Đề án giai đoạn 2. Các đại biểu đều thống nhất việc thực hiện Đề án 100 giai đoạn 2 trong thời gian tiếp theo là cần thiết, bởi đây kênh quan trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm bổ sung nguồn nhân lực có trình độ sau đại học, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh nhà.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh đề nghị Sở Nội vụ và các cơ quan, đơn vị có liên tham mưu thực hiện đề án phù hợp thực tế, khả thi, đảm bảo hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án 100 giai đoạn 2. Sau hội nghị này cần khẩn trương kiện toàn thành viên Ban điều hành và tổ chuyên viên Ban điều hành phải chuyên sâu, trách nhiệm hơn để kịp thời chỉ đạo thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng triển khai thực hiện Đề án 100 trong thời gian tới tốt hơn. Cùng với đó, tham mưu xây dựng trình HĐND tỉnh Nghị quyết đặc thù quy định chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có trình độ sau đại học ở nước ngoài của tỉnh để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và các quy định của pháp luật hiện hành.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị đánh giá sâu thêm những hạn chế, khó khăn, nguyên nhân đã nêu để rà soát, điều chỉnh lại Quyết định 1403 của UBND tỉnh cho phù hợp. Cụ thể, xác định số lượng, đối tượng đào tạo, bồi dưỡng phải chính xác phù hợp với nhu cầu thực tế của tỉnh; nghiên cứu lại điều kiện, tiêu chuẩn tham gia đào tạo, bồi dưỡng; chuyên ngành đào tạo, bồi dưỡng phải xuất phát từ yêu cầu thực tế của địa phương gắn với 3 trụ cột chính (công nghiệp, du lịch, nông nghiệp) của tỉnh mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIV đã xác định. Ngoài ra, cần tính toán kỹ chính sách thực hiện đào tạo bồi dưỡng; cần thành lập tiểu ban tuyên truyền đề án sâu rộng và cụ thể hơn để nhiều người có thể tiếp cận và tham gia...
Thanh Thủy