Đề án xây dựng 4.500 phòng học: Nhiều chủ đầu tư 'quên' xây trường lớp

Dự kiến đến cuối năm 2025, TP.HCM chỉ đưa vào sử dụng 2000 phòng học, chỉ đáp ứng gần 50% so với đề án xây dựng 4.500 phòng học.

Ngày 1-4, Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM có buổi giám sát việc triển khai thực hiện Đề án xây dựng 4.500 phòng học chào mừng kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Chỉ đạt 50% so với kế hoạch đề ra

 Ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở GD&ĐT TP.HCM chia sẻ tại buổi làm việc. Ảnh: NQ

Ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở GD&ĐT TP.HCM chia sẻ tại buổi làm việc. Ảnh: NQ

Ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở GD&ĐT TP.HCM cho hay sau một năm triển khai đề án, tiến độ thực hiện các công trình mặc dù chậm, số phòng học hoàn thành đưa vào sử dụng chưa đạt mục tiêu đề ra, song đã cho thấy sự quyết tâm, nỗ lực, tập trung cao độ của các sở, ban, ngành và địa phương.

Cụ thể, ở các địa bàn còn áp lực cao về nhu cầu chỗ học, các địa phương đã đưa ra chủ trương ưu tiên quỹ đất công, sạch để đẩy nhanh tiến độ xây dựng và phát triển hệ thống mạng lưới trường lớp trên địa bàn, gắn với nhu cầu đầu tư và điều kiện thực tế tại mỗi địa phương.

Sở GD&ĐT, Sở Tài chính cùng các địa phương luôn tập trung đề xuất ưu tiên nguồn vốn cho công tác xây dựng phát triển trường lớp ở mỗi giai đoạn, trong đó, giai đoạn 2021-2025 tính đến nay lĩnh vực giáo dục đã được bố trí khoảng 18.288 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng khoảng 10,6% tổng số vốn đầu tư công của TP.

Ông Huy cho biết với đề án xây dựng 4.500 phòng học, dự kiến đến cuối năm 2025, TP.HCM sẽ có 2.000 phòng học mới đưa vào sử dụng, trong đó có 1.200 phòng học từ đầu tư công, 800 phòng từ xã hội hóa, đạt tỷ lệ 50% so với mục tiêu đề ra.

Chủ đầu tư chậm trễ trong xây dựng trường học

 Toàn cảnh buổi làm việc sáng nay. Ảnh: NQ

Toàn cảnh buổi làm việc sáng nay. Ảnh: NQ

Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính cho biết trong quá trình thực hiện đề án xây dựng 4.500 phòng học đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị. Tuy nhiên, kết quả chưa đáp ứng mục tiêu đề ra do nhiều nguyên nhân.

Giai đoạn đầu tư công trung hạn 2021-2025 chịu ảnh hưởng lớn từ sự thay đổi của hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư công, công tác quy hoạch, đất đai và điều kiện về môi trường, giao thông… Nhiều dự án đầu tư xây dựng trường mới đều quy hoạch trên đất phải thực hiện công tác thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng, quy trình thực hiện nhiều bước, giá cả biến động theo các quy định được cập nhật mới phù hợp tình hình phát triển của kinh tế thị trường dẫn đến nhu cầu vốn đầu tư tăng cao.

Hơn nữa nhiều quỹ đất xây dựng trường học trong các dự án phát triển khu dân cư mới chưa được đẩy mạnh đầu tư tạo áp lực lên hệ thống trường lớp công lập hiện hữu xung quanh.

Cụ thể, sau khi được TP chấp thuận chủ trương đầu tư cũng như chấp thuận nhà đầu tư cho các dự án phát triển khu dân cư mới, các doanh nghiệp phần lớn tập trung đẩy mạnh tiến độ xây dựng các hạng mục nhà ở, công trình hạ tầng kỹ thuật, giao thông xung quanh và dịch vụ tiện tích. Mục đích nhằm thu hút nhanh lượng dân cư về sinh sống để tái lập nguồn vốn và thu lợi nhuận. Tuy nhiên, các nhà đầu tư lại chậm triển khai đầu tư các hạng mục công trình hạ tầng xã hội (trường học) mặc dù đã có những cam kết về nghĩa vụ, trách nhiệm và tiến độ đầu tư. Đến nay vẫn chưa có biện pháp chế tài xử lý mạnh đối với những trường hợp trên, làm ảnh hưởng đến việc phát triển, hoàn thiện mạng lưới quy hoạch trường lớp.

Từ đó, Sở GD&ĐT kiến nghị cần phải xử lý nhanh, dứt điểm trách nhiệm của các nhà đầu tư đã được TP giao đất và chấp thuận chủ trương đầu tư tại các khu dân cư mới nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ đầu tư trường học theo quy hoạch cũng như cam kết.

 Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM phát biểu tại hội nghị sáng nay. Ảnh: NQ

Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM phát biểu tại hội nghị sáng nay. Ảnh: NQ

Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM đánh giá rất cao sự vào cuộc của các đơn vị trong việc kịp thời triển khai quyết định 697 của UBND TP, thời gian rất gấp, lộ trình tiến độ nhiều nhưng chỉ hơn năm đã thực hiện được khối lượng công việc đồ sộ.

Ông Bình cho biết, dự kiến đến ngày 30-4, TP đã hoàn thành được 872 phòng học. Hầu hết các phòng cải tạo, sửa chữa nâng cấp, nó cho thấy lãnh đạo TP quan tâm, các em học sinh có điều kiện được học tập tốt hơn.

"Đến cuối năm 2025, chỉ có khoảng 2000 phòng học đưa vào sử dụng, chưa đạt được mục tiêu đề ra"- ông Bình nói.

Theo ông Bình, hiện Sở GD&ĐT là đơn vị thụ hưởng đã thống kê 276 dự án để đạt 4500 phòng học, có phân tích 142 dự án cải tạo đã có chủ trương xây dựng mới, 134 dự án chưa thông qua chủ trương đầu tư.

"Đối với 134 dự án này, tôi kiến nghị Sở GD&ĐT sớm tham mưu với lãnh đạo UBND TP để có chủ trương đầu tư mới kịp tiến độ thực hiện" - ông Bình nhấn mạnh.

Liên quan đến thực tế nhiều chủ đầu tư chưa chịu trách nhiệm trong việc đầu tư hạ tầng gồm có trường lớp, Trưởng ban Văn hóa Xã hội đề nghị phải có thống kê bao nhiêu trường hợp như trên từ đó ban sẽ phối hợp với ban Kinh tế Ngân sách, ban Đô thị để kiến nghị giải quyết.

NGUYỄN QUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/de-an-xay-dung-4500-phong-hoc-nhieu-chu-dau-tu-quen-xay-truong-lop-post841996.html