Để bình chọn '50 tác phẩm xuất sắc' không vội vàng
Văn học nghệ thuật nói riêng, văn hóa nói chung luôn là nền tảng của một xã hội, của một đất nước.
Vừa qua, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức Lễ phát động Bình chọn 50 tác phẩm văn học và nghệ thuật biểu diễn Việt Nam tiêu biểu, xuất sắc sau ngày đất nước thống nhất với chủ đề “Những bản hùng ca đất nước”.
Đây là một hoạt động nằm trong chuỗi hoạt động hướng tới kỉ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Theo quy chế đưa ra, 50 tác phẩm được bình chọn là những tác phẩm nổi bật của các tác giả trong và ngoài nước được sáng tác tính từ tháng 5/1975 đến ngày 30/4/2024.
Thời gian gửi tác phẩm bình chọn từ tháng 6 đến hết năm 2024. Thời gian bình chọn của hội đồng sơ khảo từ ngày 1/1 đến 15/3/2025. Hội đồng chung khảo sẽ bình chọn từ 16/3 đến 15/4/2025.
Căn cứ vào những con số, thì thấy rất rõ ràng về từng mốc thời gian, lượng tác phẩm, lĩnh vực (văn học, sân khấu, âm nhạc, múa). Những tác phẩm mới nhất cũng được đưa vào tầm ngắm, cho thấy độ mở của cuộc bình chọn. Và hẳn không khí sẽ rất náo nhiệt, háo hức, cả ở phía người tham dự và Hội đồng bình chọn.
50 là con số ý nghĩa. Để chọn lựa, vinh danh 50 tác phẩm trong một lĩnh vực đã khó. Đằng này lại ở trong nhiều lĩnh vực, trải dài trong 50 năm thì “công cuộc” này còn khó khăn hơn nhiều.
Cách thức, diễn biến bình chọn cụ thể như thế nào? Có được công khai trên truyền thông đại chúng? Khán giả, người đọc có được dự phần? Sau khi công bố kết quả, Hội đồng bình chọn và Ban tổ chức có quan tâm tới phản hồi của dư luận hay không?
Và sau khi đã thống nhất với kết quả bình chọn, tác phẩm có được phổ biến tới công chúng hay không, phổ biến thế nào? Hay xong rồi lại để “đắp chiếu”, làm lãng phí bao tiền của, công sức; lãng phí ngân sách Nhà nước chi cho các hoạt động như thế này?
Văn học nghệ thuật nói riêng, văn hóa nói chung luôn là nền tảng của một xã hội, của một đất nước. Càng hiện đại văn minh thì những giá trị lịch sử, giá trị truyền thống càng được tôn trọng. Song tôn vinh như thế nào luôn là câu chuyện gây nhiều tranh cãi ở nước ta.
Ở góc độ quan sát hẹp hơn, có một thực tế là từ lâu công chúng không còn mặn mà với những giải thưởng, danh hiệu được trao thường niên từ địa phương đến Trung ương. Giải thưởng, danh hiệu quá nhiều nhưng tác phẩm cũng như tiếng nói của văn nghệ sĩ - trí thức ít có ảnh hưởng tới xã hội. Đời sống tinh thần của nhân dân bị ảnh hưởng theo các trào lưu ăn xổi, đu trend từ mạng xã hội.
Tác phẩm văn học và nghệ thuật biểu diễn trong nửa thế kỷ trên đất nước ta khá đồ sộ, phong phú. Để công tác bình chọn được công tâm, xứng đáng với tầm vóc, rất cần sự chuẩn bị chu đáo, dài hơi hơn nữa từ Ban tổ chức.
Để tránh đi những vội vàng vốn đã quá thừa thãi.