Để Bình Định tỏa sáng trên bản đồ du lịch Việt - Bài 1: 'Chuyển mình' để du lịch tăng trưởng xanh
Du lịch Quy Nhơn, Bình Định từ lâu đã được du khách trong nước và quốc tế biết đến. Những năm gần đây, du lịch đang có những tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, để gia tăng lượng khách, thời gian lưu trú và mức mức chi tiêu của du khách, đặc biệt của khách quốc tế, du lịch Bình Định còn nhiều việc cần phải làm.
Để có cái nhìn toàn diện và tìm được lời giải cho bài toán phát triển du lịch Bình Định, phóng viên TTXVN giới thiệu chùm bài viết: Để Bình Định tỏa sáng trên bản đồ du lịch Việt.

Khu du lịch Kỳ Co (thành phố Quy Nhơn) - địa điểm thu hút rất đông du khách. Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN
Bài 1: Bình Định “chuyển mình” để du lịch tăng trưởng xanh
Nằm trên dải đất miền Trung Việt Nam, những năm qua, Quy Nhơn (Bình Định) là địa danh được du khách yêu mến lựa chọn. Giai đoạn 2020 - 2025, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã định hướng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đặt mục tiêu phấn đấu thu hút khoảng 10 triệu lượt khách trong năm 2025, vùng "Đất võ - trời văn" Bình Định đang nỗ lực chuyển mình thúc đẩy tăng trưởng du lịch theo hướng xanh, bền vững.
Nhiều tiềm năng, lợi thế
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Định, năm 2024, ngành du lịch đón trên 9,2 triệu lượt khách (tăng 83,9% so với năm 2023 và vượt chỉ tiêu đề ra là 8 triệu). Doanh thu du lịch ước đạt 25.500 tỷ đồng tăng 55,4% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là những đóng góp tích cực, quan trọng của ngành du lịch vào kết quả phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chung của Bình Định.
Nhắc đến Bình Định, ghi dấu ấn trong lòng du khách là những trang sử của vùng "Đất võ - trời văn" gắn với những chiến công của vị anh hùng áo vải Nguyễn Huệ; cái nôi của võ cổ truyền Tây Sơn, Bình Định, nơi hội tụ của những cụm tháp Chăm cổ kính chứa đựng huyền bí của nền văn hóa Champa; Bình Định còn sở hữu nhiều vùng biển xanh cát trắng với cảnh đẹp tựa trong tranh như như: Eo Gió, Kỳ Co, Cù Lao Xanh… vùng đầm Thị Nại, khu vực Cồn Chim. Tỉnh cũng có nền ẩm thực phong phú cùng đa dạng các loại hình nghệ thuật dân gian: Tuồng, Bài Chòi, đặc biệt Võ Cổ truyền Tây Sơn cùng văn hóa của 39 dân tộc thiểu số đang sinh sống tại đây. Ngoài ra, Bình Định còn có Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) - nơi hội tụ, thu hút các nhà khoa học hàng đầu thế giới.

Bãi biển trung tâm thành phố Quy Nhơn là bãi tắm công cộng được người dân nơi đây và du khách yêu thích. Ảnh: Ngọc Bích/TTXVN
Trên đà du lịch đang phục hồi, với nỗ lực duy trì mức tăng trưởng, ngành du lịch tỉnh Bình Định đặt ra mục tiêu đạt 10 triệu lượt khách trong năm 2025. Ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định chia sẻ, với những tiềm năng đang có, mục tiêu của Bình Định là đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó tăng trưởng được lượng khách quốc tế và tăng được số ngày lưu trú bình quân trên mỗi đầu khách trong 5 năm tới và xa hơn nữa. Đặc biệt chú trọng phát triển du lịch Bình Định bền vững theo hướng tăng trưởng xanh.
Bà Đỗ Thị Diệu Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Định cho biết: Tỉnh đề ra mục tiêu tổ chức có hiệu quả hoạt động quảng bá, xúc tiến, giới thiệu điểm đến du lịch Quy Nhơn - Bình Định đến với du khách trong và ngoài nước; đẩy mạnh hợp tác, liên kết phát triển du lịch, phát huy tiềm năng, thế mạnh du lịch. Thời gian qua, Bình Định chú trọng phát triển đa dạng sản phẩm du lịch gắn với tài nguyên tự nhiên, đặc trưng văn hóa các địa phương. Điểm nhấn là hình thành chuỗi các sự kiện, lễ hội tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt mang tầm quốc gia và quốc tế để tăng trải nghiệm, sức hút cho du khách đến với Bình Định.
Đầu tư để phát huy giá trị riêng có

Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Định tặng hoa cho du khách. Ảnh: Sỹ Thắng/TTXVN
Để du khách đến, ở lâu, trải nghiệm sâu ở Quy Nhơn, Bình Định, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu cho biết, từ những giá trị khác biệt, du lịch địa phương phải tạo nên sản phẩm mới, sáng tạo (sản phẩm gắn với du thuyền, khoáng nóng, du lịch gắn với sự kiện văn hóa, chính trị, thể thao…). Đồng thời cần kêu gọi các nhà đầu tư bắt tay khai thác sản phẩm du lịch gắn với đường sắt, kết hợp đường sắt, đường thủy… đưa khách đến với Bình Định.
Theo ông Nguyễn Trung Quân, Giám đốc Công ty Du lịch Hàng không Việt Nam (Avitour), Bình Định có nhiều cơ hội để phát triển du lịch mạnh mẽ hơn, đón nhiều khách hàng hơn. Bình Định có bờ biển dài, nằm gần đầu phía Nam nên thuận lợi đón khách từ đầu Thành phố Hồ Chí Minh. Du khách miền Bắc yêu thích biển khu vực miền Trung, thích khám phá tới những điểm xa hơn nên có xu hướng lựa chọn Bình Định, Phú Yên để đi du lịch. Để đáp ứng được lượng khách đến nhiều hơn, trải nghiệm nhiều dịch vụ hơn, Bình Định cần "đóng gói" các sản phẩm du lịch theo tiêu chuẩn, chất lượng để phục vụ khách tốt hơn. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu để tạo ra thêm các sản phẩm, dịch vụ tăng trải nghiệm cho du khách. Như vậy, khi khách tới sẽ lưu trú lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn và muốn quay lại Bình Định để tiếp tục khám phá, trải nghiệm.

Bãi biển Trung Lương - điểm du lịch mới được đầu tư đang là điểm thu hút đông khách du lịch đến với Quy Nhơn. Ảnh: Ngọc Bích/TTXVN
Đến từ đơn vị lữ hành chủ yếu phục vụ khách nước ngoài đến Việt Nam (in-bound), chị Phí Thái Hà (Công ty Cổ phần Quản lý điểm đến châu Á - Asia DMC, Hà Nội) đánh giá, Quy Nhơn, Bình Định có lợi thế điều kiện thiên nhiên thuận lợi, đặc biệt có biển đẹp và bề dày văn hóa lịch sử là những điểm khách quốc tế thích trải nghiệm, tìm hiểu khi đi du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, để đón và làm hài lòng khách quốc tế, Quy Nhơn, Bình Định cần có những sản phẩm tour hấp dẫn, chú trọng đưa khách đi tìm hiểu các làng nghề truyền thống và có tương tác, trải nghiệm văn hóa cùng người dân địa phương.
Ngoài ra, dù ẩm thực địa phương rất phong phú nhưng cần có những bổ sung, lựa chọn món ăn hợp lý, để phù hợp hơn với thói quen ăn, uống của du khách, đặc biệt cần lưu ý đến thực đơn chay, thực đơn cho khách Hồi giáo (Halal food)… Thêm một điểm yếu du lịch Bình Định cần khắc phục là trang bị ngoại ngữ giao tiếp tốt (ít nhất là tiếng Anh) cho đội ngũ làm hướng dẫn viên (từ hướng dẫn viên theo đoàn, tại điểm, nhân viên nhà hàng, khách sạn, dịch vụ bán vé, quà lưu niệm…).

Đặc sản Bình Định gồm: tré, nem chua, giò tai… được bầy thành đĩa gỏi trộn là món ăn yêu thích của khách du lịch đến Quy Nhơn. Ảnh: Ngọc Bích/TTXVN
Nhận thấy những "lỗ hổng" trong vấn đề chất lượng, số lượng nhân lực ngành du lịch nói chung, đặc biệt nhân lực trong mảng du lịch cộng đồng tại địa phương gần như chưa có, bà Trần Thị Lan (Giảng viên Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội) khuyến nghị: Cần đầu tư về đào tạo du lịch cộng đồng để khai thác bền vững những giá trị du lịch bản địa, cũng như giải quyết việc làm, thu nhập cho người địa phương. Nếu làm được, du lịch Bình Định sẽ thu hút thêm được nhiều du khách trong nước và quốc tế bởi đây là nơi có thiên nhiên rất đẹp và điều kiện tự nhiên phù hợp với nhiều dòng khách.
Du lịch Bình Định đang thiếu sản phẩm mới được đầu tư chiều sâu, bài bản để phát huy được giá trị văn hóa riêng có. Những sản phẩm đang được khai thác cần được gia tăng giá trị trải nghiệm, nâng cấp dịch vụ. Để phát triển bền vững theo hướng xanh, xây dựng được thương hiệu Bình Định gắn với điểm đến thân thiện, thành phố hạnh phúc, ngành du lịch cần đầu tư tăng số lượng, nâng trình độ đội ngũ nhân lực chuyên môn, chất lượng cao.