Để các nhà khoa học yên tâm cống hiến
TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, các nhà khoa học ở cơ sở nghiên cứu công lập có mức lương thấp, không có phụ cấp, bị hạn chế thu nhập tăng thêm, hoạt động chuyển giao công nghệ vướng mắc về cơ chế… Vì thế đời sống của nhà khoa học rất khó khăn và không sống được bằng nghề.
Phải bán kết quả nghiên cứu để sống
Nhân câu chuyện PGS.TS Đinh Công Hướng về liêm chính khoa học gây chú ý thời gian qua, TS Nguyễn Quân có chia sẻ về những bất cập trong đãi ngộ, trọng dụng các nhà khoa học hiện nay.
Ông cho biết: Câu chuyện về PGS.TS Đinh Công Hướng liên quan đến “liêm chính khoa học” ồn ào trên các diễn đàn vừa qua, quan điểm của ông hơi khác. Rà soát nội hàm của “liêm chính khoa học”, tôi cho rằng PGS Hướng không gian dối trong nghiên cứu, không ngụy tạo kết quả, không xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác. Bởi kết quả nghiên cứu là có thật, chất lượng bài báo đạt chuẩn của các tạp chí uy tín và không ai khiếu nại về bản quyền. Cái sai (nếu có) chỉ là vấn đề công bố kết quả nghiên cứu không hợp lệ vì mục đích vụ lợi.
Câu chuyện này cũng phản ánh thực trạng đãi ngộ với các nhà khoa học hiện nay, lương thấp, không có phụ cấp gì, các cơ sở công lập phải tự chủ chi thường xuyên mà vẫn bị hạn chế thu nhập tăng thêm, hoạt động chuyển giao công nghệ vướng mắc về cơ chế… vì thế đời sống của nhà khoa học rất khó khăn và họ phải tìm mọi cách để có thu nhập, từ dạy thuê cho các trường ngoài công lập đến làm thuê cho doanh nghiệp. Thậm chí họ phải làm những việc không liên quan gì đến chuyên môn được đào tạo. Cho nên việc “bán” kết quả nghiên cứu theo cách không hợp lệ đôi khi vẫn được xã hội bênh vực và chia sẻ.
Nhiều bất cập
Thưa ông, những năm qua, chúng ta bắt đầu quan tâm và có một số chính sách liên quan đến đãi ngộ, trọng dụng các nhà khoa học nhưng dường như chưa đạt hiệu quả, chưa tạo ra đột phá?
Phải nói rằng 15 năm qua, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương chính sách về sử dụng, trọng dụng cán bộ khoa học. Các chính sách này đều có thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện chi tiết. Đáng tiếc là cho đến nay, hầu hết chính sách chưa vào được cuộc sống, rất ít nhà khoa học được hưởng ưu đãi của nhà nước, trong khi chúng ta vẫn thường xuyên nói đến vai trò “quốc sách hàng đầu” của KHCN và trọng dụng trí thức là “nâng tầm trí tuệ của dân tộc”.
Nguyên nhân của sự trì trệ này thì có nhiều. Ngoài việc thiếu quan tâm chỉ đạo của các cấp quản lý, nhận thức của xã hội chưa đầy đủ, sự thụ động và đố kỵ trong chính cộng đồng khoa học…, thì phải thẳng thắn nhìn nhận 2 nguyên nhân chủ yếu.
Thứ nhất là sự bất cập và không đồng bộ của hệ thống pháp luật. Có thể nêu hàng trăm ví dụ về sự mâu thuẫn gây cản trở chính sách ưu đãi, trọng dụng nhà khoa học, ví dụ như Luật KH&CN 2013 cho phép áp dụng cơ chế quỹ và cơ chế khoán chi trong thực hiện đề tài dự án sử dụng ngân sách nhà nước, nhưng Luật Ngân sách nhà nước vẫn quy định thủ tục cấp kinh phí nghiên cứu như dự án xây dựng cơ bản và thanh quyết toán vẫn phải có chứng từ hợp lệ với nội dung chi như dự toán, làm cho nhà khoa học vẫn phải khốn khổ với hóa đơn chứng từ và thủ tục quyết toán.
Hai là, nguồn lực đầu tư cho ưu đãi, trọng dụng nhà khoa học rất hạn chế. Ngân sách nhà nước chỉ lo được chi thường xuyên của đơn vị sự nghiệp công lập với mức chi lương rất thấp, chưa thể cải cách tiền lương theo hướng đảm bảo cuộc sống của nhà khoa học. Nguồn đầu tư của xã hội và doanh nghiệp cho hoạt động nghiên cứu và phát triển lại bị hạn chế, rất ít doanh nghiệp trích lập quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp và ngay cả khi có quỹ thì bị kiểm soát quá chặt như nguồn ngân sách nên hầu như không thể thực hiện nội dung chi hỗ trợ các nhà khoa học ngoài doanh nghiệp. Chưa kể thủ tục hành chính quá phức tạp, kể cả khi nhà khoa học được nhà nước hỗ trợ thanh toán kinh phí công bố kết quả nghiên cứu, đăng ký bằng sáng chế, dự hội nghị khoa học quốc tế, mua tài liệu khoa học, thuê chuyên gia.
Cần cơ chế quản lý theo thông lệ quốc tế
Từ thực tế thời gian quản lý Bộ Kkhoa học và Công nghệ, nhìn từ kinh nghiệm quốc tế, theo ông cần làm gì để có chế độ đãi ngộ phù hợp và giữ chân được các nhà khoa học trong cơ quan nghiên cứu, hạn chế tình trạng “chảy máu chất xám” thời gian qua?
Như tôi đã nhiều lần nêu ý kiến, chỉ cần tuân thủ các quy luật của kinh tế thị trường và áp dụng thông lệ quốc tế trong quản lý hoạt động KH&CN, thực sự coi trọng vai trò của KH&CN, trọng dụng cán bộ khoa học theo sản phẩm khoa học của họ là chúng ta sẽ làm thay đổi diện mạo nền khoa học nước nhà.
Các nhà quản lý hãy suy nghĩ xem vì sao các quốc gia phát triển phải dành trên 2% GDP cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (trong khi tỷ lệ này của Việt Nam chỉ khoảng 0,1-0,2% GDP)? Vì sao lại có tình trạng “chảy máu chất xám” ngày càng trầm trọng từ trong nước ra nước ngoài, từ khu vực công sang khu vực tư? Vì sao tập đoàn VinGroup lại mời được các nhà khoa học nổi tiếng từ Hoa Kỳ như Vũ Hà Văn, Bùi Hải Hưng về làm việc mà các viện nghiên cứu công lập lại không mời được? Vì sao các nhà khoa học được giải Nobel và chuyên gia công nghệ hàng đầu thế giới lại thường xuyên đến Quy Nhơn tổ chức các hội nghị khoa học?...
Tiền lương và nhà ở đối với nhà khoa học cũng quan trọng nhưng không phải là tất cả. Cái họ cần hơn là điều kiện làm việc, bao gồm thể chế (cơ chế tự do sáng tạo, được đặt hàng giao việc, được tin tưởng và tôn vinh…), có cơ sở vật chất tốt (phòng thí nghiệm, thư viện, tiếp cận thông tin…), có tập thể nghiên cứu mạnh (các đồng nghiệp trình độ cao, giao lưu trong nước và quốc tế, thuê chuyên gia, hợp tác với doanh nghiệp…). Nhờ đó nhà khoa học sẽ tự tạo ra thu nhập hợp pháp cho mình và đồng nghiệp, nhất là khi có sản phẩm trí tuệ được thương mại hóa, được thị trường chấp nhận thông qua việc chuyển nhượng, góp vốn vào doanh nghiệp và trực tiếp sản xuất kinh doanh. Khi có thể sống được bằng nghề và được tôn trọng, nhà khoa học sẽ gắn bó với tổ chức KH&CN công lập, yên tâm cống hiến và sáng tạo.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Tiền lương và nhà ở đối với nhà khoa học cũng quan trọng nhưng không phải là tất cả. Cái họ cần hơn là điều kiện làm việc, bao gồm thể chế (cơ chế tự do sáng tạo, được đặt hàng giao việc, được tin tưởng và tôn vinh…), có cơ sở vật chất tốt (phòng thí nghiệm, thư viện, tiếp cận thông tin…), có tập thể nghiên cứu mạnh (các đồng nghiệp trình độ cao, giao lưu trong nước và quốc tế, thuê chuyên gia, hợp tác với doanh nghiệp…). Nhờ đó nhà khoa học sẽ tự tạo ra thu nhập hợp pháp cho mình và đồng nghiệp, nhất là khi có sản phẩm trí tuệ được thương mại hóa, được thị trường chấp nhận thông qua việc chuyển nhượng, góp vốn vào doanh nghiệp và trực tiếp sản xuất kinh doanh. Khi có thể sống được bằng nghề và được tôn trọng, nhà khoa học sẽ gắn bó với tổ chức KH&CN công lập, yên tâm cống hiến và sáng tạo.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/de-cac-nha-khoa-hoc-yen-tam-cong-hien-post1588026.tpo