Đề cao tính bền vững trong giảm nghèo

Trong công cuộc giảm nghèo, tỉnh Yên Bái luôn đề cao tính bền vững và coi đây là yếu tố cốt lõi khi xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, đề án để giải quyết tận gốc rễ.

Chính quyền và cộng đồng dân cư xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên hỗ trợ người nghèo xây dựng nhà ở.

Chính quyền và cộng đồng dân cư xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên hỗ trợ người nghèo xây dựng nhà ở.

Nỗ lực hỗ trợ sinh kế

Giảm nghèo bền vững là quá trình thực hiện sự cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có thu nhập thấp hướng tới việc nâng cao năng lực tự thoát nghèo và không rơi trở lại trạng thái nghèo. Vì vậy, có thể cụ thể hóa tính bền vững trong giảm nghèo dựa trên những nhiệm vụ sau: tăng thu nhập bình quân đầu người của các hộ nghèo; giảm tỷ lệ hộ nghèo theo từng năm, từng giai đoạn; tạo điều kiện để người nghèo nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Để thực hiện các nhiệm vụ này, nhiều năm qua, tỉnh Yên Bái đã nỗ lực, linh hoạt, sáng tạo, triển khai đồng bộ hệ thống chính sách giảm nghèo, đặt hộ nghèo, người nghèo vào vị trí chủ thể của hoạt động giảm nghèo, lấy sự phát triển của người nghèo, hộ nghèo làm trung tâm trong các chương trình, dự án giảm nghèo. Tập trung hỗ trợ sinh kế là bước đi đầu tiên trong giảm nghèo bởi có sinh kế sẽ có việc làm, có thu nhập, từ đó có điều kiện để tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản khác.

Từ nhiều năm nay, các chính sách hỗ trợ về sinh kế được thay đổi rõ ràng thành "trao cần câu” theo hướng hàng hóa hoặc theo hướng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất cộng đồng thay vì "cho con cá”.

Nhiều người nghèo đã chia sẻ rằng cách thức hỗ trợ này đã góp phần đắc lực trong việc thay đổi tư duy, khuyến khích họ xây dựng các mô hình sản xuất hàng hóa, hữu cơ, đặc sản phù hợp với tiềm năng của địa phương và cơ chế thị trường; đặc biệt là tăng cường liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa hộ nghèo, hộ cận nghèo thông qua các doanh nghiệp, hợp tác xã, từ đó tạo sinh kế bền vững, lâu dài cho họ.

Chỉ tính riêng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, từ năm 2021 - 2024, toàn tỉnh đã xây dựng và triển khai 307 dự án, mô hình phát triển sản xuất, trong đó có 5 dự án phát triển sản xuất liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và 302 dự án phát triển sản xuất cộng đồng với tổng số tham gia hưởng lợi từ dự án là 6.282 hộ; thực hiện 217 lớp tập huấn cho 5.428 người tham gia các dự án phát triển sản xuất.

Người dân xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải được hướng dẫn kỹ thuật dùng chai nhựa chứa nước tưới nhỏ giọt cho cây lê, hồng giòn trong những ngày thời tiết khô hạn kéo dài.

Người dân xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải được hướng dẫn kỹ thuật dùng chai nhựa chứa nước tưới nhỏ giọt cho cây lê, hồng giòn trong những ngày thời tiết khô hạn kéo dài.

Không chỉ các dự án, chính sách của trung ương mà ngay cả các nghị quyết của tỉnh cũng có nhiều chính sách hỗ trợ nhất quán quan điểm này. Giai đoạn 2021 - 2024, từ Nghị quyết số 69, Nghị quyết số 05 của HĐND tỉnh đã hỗ trợ 4.241 cơ sở chăn nuôi theo hướng hàng hóa, hữu cơ; hỗ trợ 120 tổ hợp tác, hợp tác xã phát triển chăn nuôi trâu, bò; triển khai 59 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với tổng kinh phí hỗ trợ trên 150 tỷ đồng.

Ngoài ra, chính sách tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua hệ thống cán bộ tín dụng và các tổ tiết kiệm và vay vốn tại cơ sở cũng đã làm tốt công tác giải ngân cho vay vốn gắn với hướng dẫn phương pháp phát triển sản xuất, kỹ năng quản lý kinh tế hộ; khuyến khích các hộ vay vốn tham gia các chương trình đào tạo nghề, chuyển giao khoa học - công nghệ...

Hiệu quả sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách được nâng cao, tỷ lệ nợ xấu được duy trì ở mức rất thấp (dưới 0,1%) so với mặt bằng chung toàn quốc. Từ năm 2021 đến hết năm 2024, toàn tỉnh đã có 18.500 hộ nghèo vay vốn tín dụng ưu đãi đã thoát nghèo. Cùng với đó, công tác khuyến nông làm tốt việc hướng dẫn người nghèo cách làm ăn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp họ ứng dụng hiệu quả vào sản xuất.

Quan tâm dịch vụ xã hội và chính sách đặc thù

Sau hỗ trợ sinh kế, việc nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo cũng được tỉnh quan tâm đặc biệt. Tỉnh đã huy động tối đa các nguồn lực từ trung ương, địa phương cho tới xã hội hóa để hỗ trợ hộ nghèo. Từ nhà ở, việc làm đến y tế, giáo dục, nước sạch, thông tin đều được cụ thể hóa thành các mục tiêu, có chính sách riêng, được các địa phương rà soát mức độ thiếu hụt theo thực tế để có phương án hỗ trợ phù hợp.

Tiêu biểu như nhà ở, từ năm 2023, tỉnh Yên Bái đã ban hành Đề án hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở. Ngoài mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương, tỉnh đã huy động hiệu quả nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ thêm 20 triệu đồng/nhà đối với nhà xây mới, 10 triệu đồng/nhà đối với nhà sửa chữa. Đây đã trở thành động lực mạnh mẽ giúp người nghèo mạnh dạn xây dựng, sửa chữa nhà ở đạt chuẩn với trên 5.000 ngôi nhà được xây mới và sửa chữa trong 3 năm qua.

Thứ nữa là việc tỉnh ban hành nhiều chính sách đặc thù rất quan trọng, cần thiết, giúp các hộ mới thoát nghèo sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn duy trì, đảm bảo thoát nghèo bền vững khi xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) như: hỗ trợ tiền ăn trưa tập trung đối với học sinh học 2 buổi/ngày tại trường phổ thông dân tộc bán trú nhưng chưa đủ điều kiện hưởng chính sách theo Nghị định số 116 của Chính phủ; hỗ trợ tiền ăn và mua gạo cho học sinh bán trú thôi hưởng chính sách theo quy định tại Nghị định số 116 kể từ thời điểm xã được công nhận đạt chuẩn NTM; hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo khi xã được công nhận đạt chuẩn NTM; hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế đối với người dân thường trú tại các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh khi xã được công nhận đạt chuẩn NTM theo Nghị quyết số 37 ngày 8/7/2023 của HĐND tỉnh…

Những việc cần làm

Để tiếp tục giảm nghèo bền vững, thời gian tới, tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục phát huy những kết quả, bài học kinh nghiệm, những mô hình, cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo; nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực từ các chương trình, dự án, chính sách, nhất là các nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 với phương châm "giảm nghèo gắn với thực tế” và "giảm nghèo đến đâu chắc đến đó”.

Bên cạnh đó, Yên Bái cần quan tâm thêm đến sự an toàn trong giảm nghèo. Thước đo đánh giá giảm nghèo bền vững theo góc độ tính an toàn là xem xét mức độ và cách thức người dân, cộng đồng và chính quyền địa phương dự phòng, giải quyết vấn đề rủi ro. Điều này Yên Bái đã từng làm rất tốt sau cơn bão số 3 hồi tháng 9/2024. Ngay sau bão, toàn tỉnh đã chủ động, khẩn trương rà soát, đánh giá cụ thể mức thiệt hại về người, nhà ở, tài sản, sinh kế do bão gây ra đối với các hộ gia đình có tên trong danh sách dự kiến thoát nghèo, thoát cận nghèo trong năm 2024 và các hộ không có tên trong danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo sau rà soát năm 2023 nhưng bị thiệt hại nặng do bão, có nguy cơ "rơi” xuống nhóm hộ nghèo, hộ cận nghèo của địa phương.

Song song là hoàn thiện việc khôi phục hoạt động cung cấp các dịch vụ phục vụ xã hội cơ bản về giáo dục, y tế, thông tin liên lạc trên địa bàn để khôi phục và cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia; ban hành 2 nghị quyết mới: Nghị quyết số 82 ngày 30/9/2024 của HĐND tỉnh về việc hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh, học viên đang học tại các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân năm học 2024 - 2025 với tổng kinh phí hỗ trợ dự kiến là 48,4 tỷ đồng; Nghị quyết số 77 ngày 30/9/2024 quy định một số nội dung và mức hỗ trợ thiệt hại sản xuất nông nghiệp do ảnh hưởng của bão số 3 năm 2024.

Cùng với đó là tiếp tục nâng cao năng lực và nhận thức của người dân, cộng đồng và chính quyền. Khi người dân thay đổi nhận thức về nghèo khó là một sự thiệt thòi cần phải nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo chứ không phải là một "danh hiệu” để cố duy trì, gìn giữ thì sẽ không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Khi ấy, cùng với năng lực hỗ trợ của chính quyền, sự trợ giúp, đoàn kết của cộng đồng thì tính bền vững, lâu dài trong giảm nghèo chắc chắn sẽ nhân lên gấp bội.

Công cuộc giảm nghèo đã đi qua một chặng dài, nhiều khó khăn, thách thức, song thành tựu đạt được là to lớn. Kết thúc năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn 5,68%, đứng thứ 6/14 tỉnh trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc, giảm 12,39% so với cuối năm 2021, bình quân giảm 4,13%/năm, cao hơn so với mục tiêu của tỉnh (3,3%) 0,83% và cao hơn so với mục tiêu trung ương giao (3%) 1,13%.

Hoài Anh

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/13/350527/de-cao-tinh-ben-vung-tr111ng-giam-ngheo.aspx