Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong xem xét, giải quyết kiến nghị cử tri

Thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sáng 20/11, đại biểu Quốc hội đề nghị đề cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu trong xem xét, giải quyết kiến nghị của cử tri.

Các đại biểu tại phiên họp sáng ngày 20/11/2023 của Quốc hội.

Các đại biểu tại phiên họp sáng ngày 20/11/2023 của Quốc hội.

Nhiều chuyển biến tích cực

Điều hành phiên thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cho biết, theo Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các vị đại biểu Quốc hội, đã có 2.765 kiến nghị được tổng hợp, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Đến nay, 2.751 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 99,5 %. Trong đó, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trả lời 69/69 kiến nghị. Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, đã giải quyết và trả lời 2.591/2.605 kiến nghị. Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã giải quyết, trả lời 61/61 kiến nghị.

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu đều đánh giá cao công tác trả lời kiến nghị cử tri của Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành trung ương. Đại biểu Đặng Bích Ngọc – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình cho rằng, trong thời gian qua, với sự quyết tâm của Quốc hội, sự chuyển động, phối hợp của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, việc xem xét, nghiên cứu, giải quyết các kiến nghị của cử tri đã có những thay đổi tích cực.

Theo đại biểu, nhận thức của các địa phương liên quan đến công tác tiếp nhận, xử lý các ý kiến, kiến nghị cử tri được coi trọng, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, đánh giá kết quả trong thực hiện nhiệm vụ của ngành, lĩnh vực mình. Điều này thể hiện tính cầu thị, trách nhiệm trong tiếp thu của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Việc nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong tiếp thu, nghiên cứu, giải quyết kịp thời các kiến nghị của cử tri đã góp phần quan trọng trong tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc từ cơ sở, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo ổn định tình hình trật tự an toàn xã hội, cải thiện đời sống của Nhân dân, giải quyết căn cơ tình trạng đơn thư khiếu nại tố cáo kéo dài vượt cấp, làm mất an ninh trật tự ở cơ sở, tạo niềm tin cho cử tri và nhân dân.

Cùng quan điểm trên, đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cũng đánh giá, tinh thần trách nhiệm của các địa phương, bộ, ngành đã được nâng cao, nhiều kiến nghị của cử tri được xem xét, giải quyết với tỷ lệ cao, trong đó có những kiến nghị đã kéo dài như đối với việc thiếu trang thiết bị vật tư, y tế, cơ chế quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân vốn đầu tư công…

Đại biểu cho biết, nhiều kiến nghị của cử tri được Chính phủ, các bộ, ngành địa phương xem xét, nghiên cứu, giải thích, giải quyết, cung cấp thông tin một cách kịp thời, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong giải quyết kiến nghị của cử tri.

Việc giải quyết kiến nghị của cử tri đã góp phần quan trọng trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập từ thực tiễn đời sống của người dân, doanh nghiệp, địa phương; khơi thông các nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, hạn chế tối đa phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo ngay tại cơ sở.

Đề cao trách nhiệm trong giải quyết kiến nghị cử tri

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, các đại biểu cho rằng, công tác tiếp nhận, trả lời kiến nghị còn có tồn tại, hạn chế như: việc tổng hợp báo cáo một số đoàn còn chậm, một số nội dung chưa đúng thẩm quyền, còn những phần trả lời chưa sát, chưa đúng, chưa trúng, còn chung chung, chưa rõ ràng, gây khó khăn cho các địa phương thực hiện, còn có sự đùn đẩy trách nhiệm, một số kiến nghị chưa được xem xét kịp thời, kỹ lưỡng...

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác này, đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị các Đoàn đại biểu Quốc hội cần chủ động thực hiện sớm hoạt động tiếp xúc cử tri trước và sau Kỳ họp, tổng hợp văn bản chính xác các kiến nghị gửi tới các cơ quan có thẩm quyền theo quy định về thời gian, đảm bảo về nội dung.

Bên cạnh đó, Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cần xây dựng kế hoạch tổ chức giám sát lại những trả lời của các bộ ngành, qua đó có đôn đốc, theo dõi thực hiện. Kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri cần trở thành một nội dung trong công tác thi đua, khen thưởng, để đánh giá kết quả thực hiện công tác, nhiệm vụ của các bộ, ngành, tạo sự thống nhất trong tổ chức, thực hiện.

Thảo luận về nội dung này, đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đề nghị rà soát quy định của Chính phủ, đề cao trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong việc tiếp cận, xem xét, giải quyết kiến nghị của cử tri theo đúng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm, thời gian giải quyết, không để tình trạng kéo dài trong xem xét, giải quyết kiến nghị của cử tri.

Đại biểu Lý Tiết Hạnh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định bày tỏ băn khoăn việc gửi Báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri qua các đợt tiếp xúc cử tri định kỳ trước và sau Kỳ họp thứ 5 của một số đoàn đại biểu Quốc hội chưa đảm bảo đúng thời hạn theo quy định của pháp luật; có kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương vẫn được tập hợp chuyển lên yêu cầu các cơ quan ở Trung ương giải quyết; vẫn còn tình trạng kiến nghị ban hành hướng dẫn những nội dung đã được pháp luật quy định.

Do đó, đại biểu Lý Tiết Hạnh kiến nghị Quốc hội rà soát những kiến nghị và những nhóm kiến nghị mà đã được các đoàn đại biểu Quốc hội kiến nghị nhiều lần mà chưa có quy định hoặc quy định không phù hợp với thực tiễn để giao cho các cơ quan có liên quan trả lời cử tri được biết và giải quyết dứt điểm. Đối với những nội dung đủ điều kiện, đại biểu đề nghị nghiên cứu để thể chế hóa thành các quy định pháp luật phù hợp.

Để nâng cao hơn nữa kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri, đại biểu Tráng A Dương - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang kiến nghị đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội sẽ thực hiện giám sát đến cùng trả lời kiến nghị của cử tri, không chỉ giám sát số lượng các trả lời mà sẽ đi sâu giám sát đến chất lượng các nội dung trả lời, thời gian trả lời; theo dõi việc thực hiện những lời hứa của các bộ trưởng, trưởng ngành để kịp thời có thông tin cho cử tri. Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ có giải pháp đối với những cơ quan đơn vị chậm trả lời kiến nghị của cử tri để Đoàn đại biểu Quốc hội có cơ sở giám sát, cũng như báo cáo với cử tri…

Trần Huyền

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/de-cao-trach-nhiem-cua-nguoi-dung-dau-trong-xem-xet-giai-quyet-kien-nghi-cu-tri.html