Để cấp cơ sở tiếp cận chuyển đổi số

Tình trạng thiếu đồng bộ, lạc hậu, cũ kỹ về hệ thống máy móc phổ biến ở nhiều địa phương trong tỉnh.

Phần lớn thiết bị công nghệ tại các địa phương đã lạc hậu, chỉ đáp ứng khoảng 50% yêu cầu về chuyển đổi số

Phần lớn thiết bị công nghệ tại các địa phương đã lạc hậu, chỉ đáp ứng khoảng 50% yêu cầu về chuyển đổi số

Quá trình chuyển đổi số (CĐS) trên phạm vi cả nước nói chung và tại Hải Dương nói riêng đang diễn ra nhanh chóng. Tuy nhiên, trang thiết bị công nghệ lạc hậu đang là rào cản lớn với CĐS ở cấp cơ sở.

Thiếu đồng bộ

UBND xã Vạn Phúc (Ninh Giang) được trang bị 14 máy vi tính. Trong đó 4 máy được trang bị từ năm 2017, còn lại là những máy đời cũ, được trang bị từ khoảng năm 2010. Ông Lê Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Phúc cho biết: “Nhiều máy vi tính chậm đến nỗi riêng khởi động máy đã mất cả chục phút, có khi chỉ sử dụng cho việc soạn thảo văn bản, không bảo đảm cấu hình sử dụng các ứng dụng, phần mềm khác. Máy scan được trang bị nhưng cũng đã hỏng từ lâu, chưa có điều kiện thay thế”.

Một số xã khác ở Ninh Giang như Kiến Quốc, Ninh Hải, Hồng Phong… cũng gặp khó khăn về hạ tầng, nhất là trang thiết bị phục vụ CĐS. 12phòng ban thuộc UBND huyện Ninh Giang cũng chỉ có 1 máy scan tài liệu khổ giấy A4 do Văn phòng UBND huyện quản lý, máy vi tính phục vụ cán bộ, công chức đa phần đã lỗi thời.

Theo báo cáo số liệu hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) huyện Thanh Miện, ngoại trừ bộ phận "một cửa", các bộ phận thuộc khối UBND ở cả 17 xã của huyện không bảo đảm yêu cầu công việc do hạn chế về trang thiết bị công nghệ.

Ông Nhữ Văn Cúc, Chủ tịch UBND huyện Thanh Miện nhận định: “Bên cạnh nhân lực, trang thiết bị công nghệ là yếu tố không thể thiếu đối với lộ trình CĐS. Tuy nhiên, đa phần các thiết bị này ở cơ sở đã lỗi thời khiến kế hoạch thực hiện nghị quyết về CĐS của huyện hiện gặp không ít khó khăn”.

Tình trạng thiếu đồng bộ, lạc hậu, cũ kỹ về hệ thống máy móc không chỉ riêng tại Ninh Giang hay Thanh Miện mà còn ở nhiều địa phương khác trong tỉnh. Theo đánh giá của Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh hiện nay đều đã trang bị máy tính, máy in, kết nối mạng internet. Số lượng máy tính trên số cán bộ, công chức đạt khoảng 90%. Tuy nhiên về cấu hình, công năng sử dụng, phần lớn các thiết bị này đã lạc hậu, hỏng hóc, chỉ đáp ứng được khoảng 50% yêu cầu về CĐS.

Cơ chế mua sắm chưa phù hợp

Theo ông Nguyễn Hữu Đặng, Trưởng Phòng Bưu chính-Viễn thông-CNTT (Sở Thông tin và Truyền thông), khoảng 20% số địa phương trong tỉnh đã đầu tư các trang thiết bị hiện đại như máy chiếu, máy scan phục vụ cho việc số hóa tài liệu, văn bản. “Hầu hết các địa phương khác trên địa bàn tỉnh đều phản ánh việc thiếu máy scan hoặc đã được trang bị nhưng hỏng hóc, do đó việc thực hiện số hóa hồ sơ, đặc biệt là giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến tại cấp xã rất hạn chế”, ông Đặng nói.

Muốn CĐS cần phải bổ sung, nâng cấp hoặc thay thế những máy móc đã lạc hậu, cũ kỹ, hỏng hóc. Tuy nhiên, cơ chế mua sắm tập trung đang là rào cản khiến nhiều địa phương dù muốn cũng chưa thể kịp thời hiện đại hóa hệ thống trang thiết bị.

Về cơ bản, để mua sắm tài sản công, các xã, phường, thị trấn sẽ lập danh mục và gửi đề nghị mua sắm tới Phòng Tài chính cấp huyện. Sau đó, đơn vị này sẽ tổng hợp và gửi Sở Tài chính. Sở này sẽ tổng hợp danh mục mua sắm của các đơn vị, địa phương và tiến hành tổ chức đấu thầu các gói thầu mua sắm tài sản công. Nhiều địa phương nhận định quy trình này đã khiến quá trình mua sắm tài sản công nói chung, trang thiết bị công nghệ nói riêng bị kéo dài, thiết bị mua sắm đôi khi không đúng chủng loại theo yêu cầu. Chưa kể, địa phương lập danh mục tài sản cần mua sắm từ sớm vẫn phải đợi những địa phương khác để cùng đưa ra đấu thầu một lần.

Ngoài ra, đối với đặc thù chuyên ngành của mỗi cơ quan, đơn vị, thiết bị công nghệ cần có cấu hình phù hợp với hoạt động chuyên môn. Trong khi đó, hầu hết các tài sản này khi mua sắm tập trung có định mức giá theo quy định nên cấu hình rất hạn chế, gây bất cập cho một số cơ quan, đơn vị trong quá trình sử dụng.

“Cần nghiên cứu, xem xét để loại bỏ các thiết bị CNTT ra khỏi danh mục mua sắm tập trung. Đây có thể là một trong những giải pháp giúp các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc đầu tư trang thiết bị công nghệ phục vụ lộ trình CĐS”, ông Đặng nói thêm.

Ngày càng nhiều ứng dụng, nền tảng phục vụ CĐS được đưa vào sử dụng tại các cơ quan, địa phương trong tỉnh. Thiết bị cấu hình thấp, xuống cấp, không đồng bộ chính là "chướng ngại vật" lớn phải vượt qua. Bên cạnh đó, thói quen và quy trình quản lý hành chính chậm đổi mới; chất lượng, năng lực về CNTT của cán bộ ở nhiều xã còn rất hạn chế cũng là bài toán cần sớm có lời giải.

HÀ KIÊN

8 danh mục tài sản nhà nước mua sắm tập trung thuộc phạm vi quản lý của tỉnh, bao gồm: máy vi tính (máy tính để bàn; máy tính xách tay), máy in, máy chiếu, máy photocopy, máy điều hòa nhiệt độ, bàn ghế (bàn ghế làm việc; bàn ghế hội trường, phòng họp; bàn ghế lớp học, không bao gồm lớp học mầm non), tủ đựng tài liệu, thiết bị đồ chơi ngoài trời cho các trường mầm non (danh mục theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/khoa-hoc---cong-nghe/de-cap-co-so-tiep-can-chuyen-doi-so-185383