Để câu quan họ xanh dòng Tiêu Tương!
Những nét đẹp của văn hóa Kinh Bắc cùng với những làn điệu dân ca Quan Họ và hình ảnh Hội Lim bên dòng sông Tiêu Tương sẽ là những giá trị văn hóa phi vật thể vô cùng giá trị mà chúng ta phải có trách nhiệm gìn giữ và bảo tồn cho cả những thế hệ sau.
“Ai có về bên bến sông Tương
Nhắn người duyên dáng tôi thương
Bao ngày ôm mối tơ vương…”
Dòng Tiêu Tương xanh câu Quan Họ bên Hội Lim năm xưa mềm như một dải lụa nõn nường có còn lững lờ chảy?
Đó là một con sông cổ đã đi vào những giai điệu trữ tình của Nhạc sỹ Văn Giảng khi xưa và vẫn còn xanh trong ký ức và những câu Quan Họ ngày nay với những liền anh, liền chị với xênh xang váy áo mớ bảy mớ ba trong ngày Hội Lim đầu xuân. Những người yêu mến vùng quê Quan Họ hẳn vẫn còn nhớ những câu chuyện xa xưa về vị vua Lý Thánh Tông và bây giờ đã đi dần vào huyền thoại. Đó là câu chuyện khi xưa vào những ngày hè, Vua thường hay đi thuyền rồng từ Thăng Long qua dòng sông Đuống ở vùng quê Gia Lâm, rồi dọc theo con lạch nhỏ để đến sông Tiêu Tương và lên núi Phật Tích (thuộc vùng đất Tiên Du, Bắc Ninh) du ngoạn và đọc kinh. Ngài rất vui và ung dung thư thái khi được trải lòng mình cùng với thiên nhiên giữa một vùng sông núi và cỏ cây đầy thơ mộng của vùng quê Kinh Bắc.
Dòng Tiêu Tương gắn liền với những địa danh của núi Tiêu và những khúc sông thuộc xã Đình Bảng và chảy qua những địa danh trù phú như đầm Phù Lưu, Đền Đô, Trịnh Xá…rồi đổ vào Sông Cầu, con sông nổi tiếng trong dân gian với những câu ca dao và gắn liền với lịch sử của quê hương Quan Họ. Nơi đây là nguồn cảm hứng cho biết bao văn nhân kẻ sỹ gắn bó với nét văn hóa đậm chất Kinh Bắc và những làng quê trù phú của vùng đồng bằng Bắc Bộ với những liền anh, liền chị giỏi giang nhưng không kém đa tình.
Cái tên Tiêu Tương cổ xưa luôn gợi nhớ hình ảnh về một dòng sông thơ mộng với những vạt bèo tây nổi trôi lững lờ và vẫn còn nở tím ngắt trong những ký ức xưa. Dòng sông ấy vẫn chở ăm ắp hồn quê Kinh Bắc cùng những kỷ niệm ấu thơ với bao hình ảnh thân cò lặn lội và thân thương nơi xóm làng. Quê hương Quan Họ với những làn điệu dân ca trữ tình và đậm đà tình làng nghĩa xóm vẫn mời gọi và níu giữ bước chân bao người.
Từ xa xưa, dòng Tiêu Tương đã gắn liền với hình ảnh của chàng Trương Chi đa cảm và nàng công chúa Mỵ Nương xinh đẹp bởi những câu chuyện tình ám ảnh và day dứt. Vẻ đẹp tâm hồn của chàng Trương Chi cùng tiếng sáo dìu dặt năm xưa và những chiều buồn với những áng bèo dạt mây trôi vẫn ngân lên đầy khắc khoải. Cuộc sống thanh bình bên dòng sông, cây đa, bến nước, sân đình… sẽ là nguồn cảm hứng vô tận cho bao tâm hồn thi sỹ đặc biệt là khi đặt chân đến những vùng quê như Tiên Du của những liền anh, liền chị.
Những làn điệu Quan Họ trữ tình được họ cất lên và luyến láy rồi thả rơi lúc nào trên sông nước cùng mắt môi sóng sánh lá dăm của những liền chị mãi và như vẫn còn lúng liếng trước dòng chảy thời gian. Ngày Hội Lim cũng là mùa hát Quan họ và giao duyên trên dòng sông Tiêu Tương bởi những người trai thanh gái lịch của quê hương Kinh Bắc. Họ ngự trên những chiếc thuyền rồng được sơn son thiếp vàng và hơi ngả người chòng chành khi người đứng kẻ ngồi và những làn điệu quan họ cổ dường như cũng sóng sánh bóng nước được thả rơi cùng những luyến láy. Người Quan Họ truyền thống và cho đến cả hiện đại như bây giờ thì vẫn cứ luôn là người mến khách, là khiêm nhường, luôn là vẻ lịch lãm với những câu hát hát như bài “Mời trầu”:
Mấy khi khách đến chơi nhà
Đốt than, quạt nước, pha trà mời người xơi
Trà này quý lắm người ơi
Người xơi một chén cho tôi vui lòng…
Sự dùng dằng ấy có lẽ là một nét đẹp trong tính cách giao duyên riêng có của người Quan Họ. Khay trầu thơm được dâng lên mời du khách trên bờ theo dập dìu tiếng hát và những cái nắm tay. Niềm vui của chủ và khách đều tươi vui ánh mắt, rạng rỡ nụ cười khi những bàn tay của bao du khách đang đứng trên bờ giơ lên đón nhận từng miếng trầu cay cùng những ánh mắt sắc như dao cau của ngày đầu xuân:
“Trầu này trầu tính trầu tình
Ăn vào cho đỏ môi mình, môi ta…
Hội Lim với không khí ngày xuân cùng với tiếng ca lý lơi Quan Họ cứ ngất ngây tưởng như không thể nào dứt nổi. Khi nhịp Giã Bạn cất lên, sông nước Tiêu Tương cũng đang sóng sánh theo từng làn Quan Họ và không khí ngày xuân mãi còn dập dìu với khăn xếp áo the của các liền anh và cứ e ấp với áo yếm trúc bâu của các liền chị cùng với thắt lưng rực rỡ sắc màu xanh, đỏ hay hồng thắm màu hoa đào. Dùng dằng câu hát với nón quai Thao và ánh mắt như dao cau:
Người ơi người ở đừng về…
Có phải hồn thơ Quan Họ vẫn luôn thấm đẫm trong ký ức tuổi thơ và những kỷ niệm của mối tình đầu đơn phương với một liền chị với ngọt ngào câu ca Quan Họ mà nhà thơ tài hoa và đa tình Hoàng Cầm đã viết nên những câu thơ để đời trong bài Lá Diêu Bông? Hình ảnh chiếc lá huyền ảo giống như nỗi nhớ đeo đẳng suốt đời và trổ hoa trên những câu thơ của ông:
“Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
Chị thẩn thơ đi tìm
Đồng chiều
Cuống rạ…”
Đó là hình ảnh những người phụ nữ Kinh Bắc khi xưa luôn nổi tiếng vì sự giỏi giang và đảm đang một vùng quê với câu ca dao “gái Nội Duệ Cầu Lim” với đồng chiều, cuống rạ. Các liền chị ấy hát Quan Họ say như mật ngọt, ánh mắt nồng nàn như rượu thơm Kinh Bắc và đóa cười của họ luôn đỏ tươi với môi trầu cắn chỉ và hàm răng đen còn rưng rức hạt na.
Không biết tự xa xưa đã có sự liên hệ nào giữa những làn điệu của quê hương Quan Họ với những câu Kiều của Nguyễn Du hay không, chắc lẽ ông đã từng đặt chân đến vùng quê Kinh Bắc khi xưa và để lại sự lưu luyến với những dấu ấn tại nơi này nên đã có những câu thơ như thế này chăng:
“Mành Tương phân phất gió đàn
Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình
Ngày nay có khá nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cùng với các nhà thơ, nhà văn và những người yêu mến nét văn hóa Quan Họ cổ vẫn tìm đến đây. Họ không chỉ thưởng thức những câu đồng dao cổ được luyến láy đầy mê hoặc ấy mà còn hòa cùng làn điệu Quan Họ với người dân nơi này bên dòng Tiêu Tương. Tôi biết họ vẫn đang kiếm tìm và muốn được đi đến tận cùng với những luyến láy của làn điệu dân ca Quan Họ và những vần thơ cổ. Thật đáng quý vì họ yêu dân ca Quan Họ Bắc Ninh và cùng hòa nhịp sống với những người dân của Tổng làng Duệ Đông xưa ở nơi đây.
Những nét đẹp của văn hóa Kinh Bắc cùng với những làn điệu dân ca Quan Họ và hình ảnh Hội Lim bên dòng sông Tiêu Tương sẽ là những giá trị văn hóa phi vật thể vô cùng giá trị mà chúng ta phải có trách nhiệm gìn giữ và bảo tồn cho cả những thế hệ sau. Còn bây giờ khi đứng trước dòng Tiêu Tương, một nỗi buồn thật xót xa và tiếc nuối bởi dòng sông sẽ chỉ còn xanh trong ký ức một thời đã qua như một dòng sông đượm màu cổ tích. Sông Tiêu Tương ngày nay không còn mềm như dải lụa bởi đã bị ngăn cách thành những những hồ nước và những bờ đất cắt ngang một cách không thương tiếc. Sao lại có thể tàn nhẫn như vậy cho một dòng sông chở đầy hồn quê Kinh Bắc?
Những con đường chật hẹp đã cắt ngang dòng sông cùng sự mưu sinh nhọc nhằn. Dẫu vẫn một màu nước xanh nhưng không còn dòng chảy nên thơ như xưa nữa. Thật tiếc cho dòng Tiêu Tương uốn lượn như một dải lụa mềm đang quặn đau trong những tiếng sáo của chàng Trương Chi khi xưa cứ mãi còn xanh màu Quan Họ tức nuối trong tâm thức bao người.
Chúng ta hãy làm ngay những gì còn kịp trong phạm vi cho phép để câu Quan Họ còn mãi xanh dòng Tiêu Tương?
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/de-cau-quan-ho-xanh-dong-tieu-tuong-a24346.html