'Đế chế' công nghệ quảng cáo của Google gặp rắc rối tại Mỹ
Theo Chính phủ Mỹ, các trang web hiển thị hơn 13 tỷ quảng cáo mỗi ngày, mang lại khoảng 12 tỷ USD cho các nhà xuất bản. Phần lớn trong số doanh thu đó thông qua công nghệ quảng cáo của Google.
Google phải đối mặt với phiên tòa chống độc quyền lớn thứ hai trong vòng chưa đầy một năm khi Chính phủ Mỹ cáo buộc “gã khổng lồ” công nghệ này thống trị mảng quảng cáo trực tuyến một cách không công bằng và kìm hãm cạnh tranh.
Phiên tòa tại tòa án liên bang Virginia diễn ra sau một vụ án khác hồi tháng trước, trong đó một thẩm phán đã ra phán quyết rằng hoạt động kinh doanh công cụ tìm kiếm của Google là độc quyền bất hợp pháp.
Vụ kiện mới này cũng do Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra, tập trung vào công nghệ quảng cáo của Google - hệ thống phức tạp xác định quảng cáo trực tuyến nào người dùng Internet nhìn thấy và chi phí của chúng.
Cụ thể, Chính phủ Mỹ cáo buộc rằng Google kiểm soát thị trường xuất bản quảng cáo biểu ngữ trên các trang web, bao gồm cả quảng cáo của nhiều nhà sáng tạo và nhà cung cấp tin tức nhỏ.
Các luật sư lập luận rằng điều này đồng nghĩa là Google có thể tính giá cao hơn đối với các nhà quảng cáo, trong khi gửi ít doanh thu hơn cho các nhà xuất bản tin tức đang phải vật lộn để tồn tại.
Bà Julia Tarver Wood, luật sư của Bộ Tư pháp Mỹ, cho biết Google đã sử dụng sức mạnh tài chính của mình để thâu tóm các đối thủ tiềm năng và chiếm lĩnh thị trường công nghệ quảng cáo, khiến các nhà quảng cáo và nhà xuất bản không còn lựa chọn nào khác ngoài việc sử dụng công nghệ của của "gã không lồ" tìm kiếm này.
Khi doanh thu của các nhà xuất bản tin tức giảm sút, không khó hiểu khi họ đã vô cùng tức giận nhưng lại không thể làm gì cả.
Theo Chính phủ Mỹ, các trang web hiển thị hơn 13 tỷ quảng cáo mỗi ngày, mang lại khoảng 12 tỷ USD cho các nhà xuất bản. Phần lớn trong số doanh thu đó thông qua công nghệ quảng cáo của Google.
Chính phủ Mỹ đang tìm cách để Google thoái vốn khỏi một số bộ phận kinh doanh công nghệ quảng cáo của họ.
Luật sư Karen Dunn của phía
Google đã bác bỏ các cáo buộc của Chính phủ Mỹ, gọi đây là nỗ lực nhằm chọn ra "người chiến thắng và kẻ thua cuộc" trong một thị trường đa dạng.
Bà nhấn mạnh rằng khi xem xét kỹ lưỡng, quảng cáo hiển thị chỉ là một phần nhỏ trong hoạt động kinh doanh công nghệ quảng cáo ngày nay. Theo bà, phía nguyên đơn đã bỏ qua các quảng cáo cũng xuất hiện trong kết quả tìm kiếm, ứng dụng và nền tảng truyền thông xã hội. Về tổng thể, Google không giữ vị thế thống trị trên thị trường này.
Luật sư của Google cảnh báo rằng nếu hãng thua kiện, những người chiến thắng sẽ là những “gã khổng lồ” công nghệ khác như Microsoft, Meta hoặc Amazon. Đây đều là những công ty có thị phần quảng cáo trực tuyến gia tăng khi thị phần của Google đang giảm.
Bà Dunn cũng nói thêm rằng vụ kiện cũng nên bị bác bỏ do đã có án lệ bác bỏ các lập luận tương tự trong các vụ kiện chống độc quyền tại Mỹ trước đây.
Nhân chứng đầu tiên được Chính phủ Mỹ triệu tập tại vụ kiện là ông Tim Wolfe, một quản lý cấp cao của tờ báo Gannett, nhà xuất bản của trang USA Today và hàng trăm nhà cung cấp tin tức địa phương của Mỹ.
Ông nói với tòa rằng công ty của ông "không thấy lựa chọn nào khác" ngoài Google. Theo ông, các công cụ công nghệ quảng cáo của Google vượt xa công cụ của các nhà cung cấp công nghệ khác.
Phiên tòa dự kiến sẽ kéo dài ít nhất sáu tuần và triệu tập hàng chục nhân chứng. Phán quyết về việc Google có vi phạm luật chống độc quyền hay không sẽ được đưa ra sau phiên tòa vài tháng. Nếu bị kết tội, phiên tòa sẽ có một giai đoạn riêng quyết định cách Google nên tuân thủ kết luận của thẩm phán.
Các cuộc điều tra tương tự về sự thống trị của Google đối với hoạt động kinh doanh công nghệ quảng cáo đang diễn ra tại Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh. Trước đó vào năm 2021, Google đã phải dàn xếp với cơ quan cạnh tranh của Pháp về cáo buộc tương tự và chịu án phạt 220 triệu euro (242 triệu USD).
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/de-che-cong-nghe-quang-cao-cua-google-gap-rac-roi-tai-my/346613.html