Đế chế xa xỉ 'lội ngược dòng' ở Nhật Bản

Nhờ khách du lịch Trung Quốc đổ xô đến mua sắm hàng hiệu giá rẻ tại Nhật Bản, tập đoàn LVMH ghi nhận mức tăng trưởng mạnh, bù đắp phần nào sự sụt giảm tại thị trường tỷ dân.

 Thị trường xa xỉ ở Nhật Bản thu hút nhiều du khách thời gian gần đây. Ảnh minh họa: Vogue.

Thị trường xa xỉ ở Nhật Bản thu hút nhiều du khách thời gian gần đây. Ảnh minh họa: Vogue.

Jean-Jacques Guiony, Giám đốc tài chính của LVMH, vừa chia sẻ báo cáo kết quả kinh doanh của tập đoàn, ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ tại thị trường Nhật Bản. 6 tháng đầu năm 2024 cho thấy doanh thu tại thị trường này tăng trưởng hai con số, chủ yếu nhờ vào lượng lớn khách du lịch Trung Quốc đến mua sắm.

Điều này trái ngược hoàn toàn với bức tranh ảm đạm tại Trung Quốc, nơi sức mua suy yếu đang khiến LVMH và nhiều ông lớn xa xỉ khác "hụt hơi".

Các thương hiệu đình đám như Louis Vuitton, Dior, Loewe và Celine đều ghi nhận doanh số tăng trưởng chậm lại, thậm chí sụt giảm tại thị trường tỷ dân.

Thị trường cứu cánh

Ngoài LVMH, các thương hiệu xa xỉ Burberry, Richemont (sở hữu thương hiệu Cartier), Swatch Group (tập đoàn sản xuất đồng hồ lớn nhất thế giới) và Kering (sở hữu Gucci, Balenciaga và Saint Laurent) cũng được hưởng lợi từ làn sóng du lịch Trung Quốc đến Nhật Bản.

 Doanh số LVMH tăng trưởng mạnh tại Nhật Bản. Ảnh minh họa: Louis Vuitton.

Doanh số LVMH tăng trưởng mạnh tại Nhật Bản. Ảnh minh họa: Louis Vuitton.

Theo kết quả doanh số quý 1/2024, Burberry cho biết khu vực châu Á - Thái Bình Dương giảm 23%, trong đó Trung Quốc giảm 21%. Tuy nhiên, Nhật Bản ngoại lệ với mức tăng trưởng 6%.

Tương tự, Kering cũng báo cáo doanh thu tại Nhật Bản tăng 16% trong quý 1/2024, khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Nhật Bản) giảm 19%.

Giá đồng yen đã giảm liên tục hơn 3 năm qua, do đó, du khách có thể chi tiêu nhiều hơn, đặc biệt là các sản phẩm cao cấp có giá thành rẻ hơn đáng kể so với quê nhà.

Tháng 3 vừa qua, đất nước mặt trời mọc phá vỡ kỷ lục về lượng khách du lịch trước đại dịch với 3,1 triệu lượt khách.

"Du khách Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc và Singapore đều đang đổ xô đến Nhật Bản để mua sắm, đặc biệt tại Tokyo (Nhật Bản), nơi hàng hiệu có giá rẻ hơn nhiều", Amrita Banta, CEO của công ty nghiên cứu thị trường xa xỉ Agility Research & Strategy, chia sẻ với Business Insider.

Việc đi du lịch đến các địa điểm khác để mua hàng xa xỉ với giá thấp hơn không phải là điều mới mẻ.

Daniel Langer, CEO công ty chiến lược hàng xa xỉ Équité, giáo sư chuyên ngành hàng xa xỉ tại ĐH Pepperdine, cho biết 20-30 năm trước khách hàng Nhật Bản thường đến Paris (Pháp) và Rome (Italy) để "săn" hàng xa xỉ giá rẻ.

Giờ đây, đồng yen rớt giá đã đảo ngược xu hướng đó.

LVMH 'hụt hơi' tại Trung Quốc

Trong nửa đầu năm nay, doanh thu của LVMH đạt 41,7 tỷ euro, giảm khoảng 1% so với cùng kỳ năm 2023. Mảng kinh doanh thời trang và đồ da từ các thương hiệu như Louis Vuitton, Dior, Loewe và Celine, chỉ tăng trưởng 1%.

Mảng bán lẻ chọn lọc, bao gồm Sephora, tăng 8%. Trong khi đó, doanh thu từ rượu và rượu mạnh giảm 9% so với cùng kỳ năm trước, theo Fortune.

 Bị thu hút bởi giá hàng xa xỉ rẻ hơn, người tiêu dùng Trung Quốc đang chi tiền ở Nhật Bản thay vì trong nước. Ảnh minh họa: May Tse.

Bị thu hút bởi giá hàng xa xỉ rẻ hơn, người tiêu dùng Trung Quốc đang chi tiền ở Nhật Bản thay vì trong nước. Ảnh minh họa: May Tse.

"Những bất ổn kinh tế và địa chính trị tiếp tục tác động đến hoạt động kinh doanh, đặc biệt là mảng rượu và rượu mạnh. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tin các thương hiệu hàng đầu sẽ có khả năng thích ứng với thị trường đang thay đổi", Jean-Jacques Guiony cho biết.

Kết quả kinh doanh tại châu Á (trừ Nhật Bản) giảm 14% trong quý 2/2024, sau khi giảm 6% trong quý đầu tiên, phản ánh rõ sự suy yếu của thị trường Trung Quốc.

Dù du khách Trung Quốc chi tiêu mạnh tay ở nước ngoài, đặc biệt tại Nhật Bản khi đồng yen xuống giá, nhưng điều này không đủ để bù đắp sự sụt giảm ở thị trường tỷ dân.

Đối mặt với nhiều thách thức, ông Bernard Arnault, Chủ tịch và Giám đốc điều hành LVMH, vẫn lạc quan về triển vọng trong nửa cuối năm 2024. Ông nhấn mạnh rằng tập đoàn sẽ tiếp tục thận trọng theo dõi tình hình và tự tin vào khả năng thích ứng với những biến động của thị trường.

Đầu năm 2023, LVMH khởi đầu đầy thắng lợi với mức tăng trưởng 10% trong quý cuối năm 2022, nhờ vào mùa mua sắm cuối năm sôi động.

Tuy nhiên, sang quý đầu năm 2024, tăng trưởng của tập đoàn đã chậm lại do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Jean-Jacques Guiony cho biết ông "khá hài lòng" với kết quả này.

 LVMH đối mặt với sự sụt giảm tăng trưởng khi người tiêu dùng Trung Quốc thắt chặt chi tiêu. Ảnh minh họa: Retail Week.

LVMH đối mặt với sự sụt giảm tăng trưởng khi người tiêu dùng Trung Quốc thắt chặt chi tiêu. Ảnh minh họa: Retail Week.

Trong khi đó, nhiều đối thủ của LVMH trong phân khúc cao cấp đang gặp khó khăn. Richemont, chủ sở hữu Cartier và Piaget, chứng kiến doanh số trì trệ do sức mua yếu của người tiêu dùng Trung Quốc.

Tương tự, Kering, công ty mẹ của Gucci, cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ xu hướng này. Những thương hiệu nhỏ hơn như Swatch và Burberry thậm chí còn báo cáo mức giảm lợi nhuận đáng kể.

Hermes là một trong số ít thương hiệu thoát khỏi xu hướng giảm sút tại thị trường Trung Quốc, vẫn duy trì được tăng trưởng doanh số.

Mario Ortelli, đối tác quản lý của Ortelli&Co, công ty tư vấn ngành hàng xa xỉ, nhận định rằng khó khăn của LVMH tại Trung Quốc sẽ không kéo dài mãi mãi.

Bên cạnh những thách thức về kinh doanh, LVMH còn đang đối mặt với cuộc điều tra về cáo buộc bóc lột lao động tại công ty con sản xuất hàng Dior ở Italy. Tập đoàn khẳng định sẽ chịu trách nhiệm và tăng cường kiểm soát chuỗi cung ứng để đảm bảo tuân thủ các quy định về lao động.

Như Phương

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/de-che-xa-xi-lvmh-loi-nguoc-dong-o-nhat-ban-post1488474.html