Để cho sắc màu dân tộc, tâm hồn người Việt tỏa sáng trên giấy điệp
Không phải ngẫu nhiên mà Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Nguyễn Thị Oanh (65 tuổi), ở thôn Đông Khê, phường Song Hồ, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh được giới thiệu về tranh Đông Hồ với Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Paetongtarn Shinawatra vào ngày 15-5-2025 vừa qua. Gần như cả cuộc đời gắn bó đặc biệt với nghề làm tranh Đông Hồ - Di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia, bà Oanh đã dành trọn tâm sức cho sáng tạo nghệ thuật, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của dòng tranh dân gian Đông Hồ.
Tiếp nối nghề truyền thống
Tiếp chuyện chúng tôi trong ngôi nhà cổ 5 gian, ngập tràn mùi mực in và treo đầy tranh Đông Hồ, NNƯT Nguyễn Thị Oanh kể: “Tôi sinh ra trong gia đình thuộc dòng họ Nguyễn Đăng, có mẹ làm tranh Đông Hồ. Lên 8 tuổi, sáng tôi đi học, chiều về phụ giúp mẹ làm tranh, công việc chủ yếu là tô màu, phơi tranh và thu dọn. Từ đó, tình yêu tranh, yêu hội họa và khát khao phát triển nghề làm tranh Đông Hồ trong tôi được hình thành”.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Oanh giới thiệu với Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Paetongtarn Shinawatra về sản phẩm tranh dân gian Đông Hồ, ngày 15-5-2025. Ảnh do nhân vật cung cấp
Lớn lên, bà Oanh về làm dâu của gia đình NNƯT Nguyễn Hữu Sam, Chủ nhiệm Hợp tác xã tranh Đông Hồ. Bà được bố chồng truyền dạy cho nhiều kiến thức và kinh nghiệm làm tranh. Đây chính là nền tảng vững chắc để bà Oanh gắn bó, tiếp nối nghề truyền thống làm tranh dân gian Đông Hồ của dòng họ Nguyễn Hữu. Không lâu sau đó, bố chồng chuyển giao toàn bộ cơ sở sản xuất tranh của gia đình cho bà Oanh quản lý, khai thác và điều hành.
Để làm ra một bức tranh dân gian Đông Hồ, nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh rất cẩn trọng, tỉ mỉ trong từng công đoạn, từ khâu khắc ván đến khi in tranh. Muốn ván có độ bền và khi in sắc nét, phải dùng gỗ thị, gỗ vàng tâm. Còn đối với vỏ cây dó, khi mua về được dát mỏng, rồi nghiền mai con điệp (một loại sò vỏ mỏng ở biển) trộn với hồ nếp, dùng chổi lá thông quét lên mặt sao cho thật đều, sau đó mang phơi khô để làm giấy vẽ tranh. Khi in tranh, phải thuộc mặt từng khuôn in để biết tranh nào khuôn ấy, khuôn màu nào in trước, khuôn màu nào in sau, cách quét màu cũng phải nhẹ nhàng, đều tay, sao cho màu thấm vào tranh không nhiều quá, không ít quá, để bức tranh phẳng như lụa, màu không gồ ghề.

Du khách quốc tế rất thích thú khi được trải nghiệm làm tranh dân gian Đông Hồ.
Vốn tính chăm chỉ, lại có đầu óc sáng tạo, bà Oanh sớm tích lũy được nhiều bí quyết làm tranh. Chẳng bao lâu, bà đã là lao động chính trong xưởng sản xuất tranh của gia đình. Năm tháng qua đi, bằng lòng đam mê, nhiệt huyết, tận tâm tận lực gắn bó với nghề, đến nay bà Nguyễn Thị Oanh đã trở thành nghệ nhân nổi tiếng của làng tranh dân gian Đông Hồ. Năm 2020, bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú; năm 2022 vinh dự là một trong 24 điển hình tiêu biểu toàn quốc về "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".
“Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”
Hiện tại, xưởng sản xuất tranh của gia đình bà Oanh đang lưu giữ hơn một nghìn bản khắc gỗ cổ với nhiều thể loại như: Tranh thờ cúng, tranh lịch sử, tranh chúc tụng, tranh phong cảnh, tranh truyện... Cùng với hàng trăm bản khắc gỗ của hơn 50 mẫu tranh bà tự sáng tác như: Tranh về chùa Dâu, chùa Bút Tháp, tượng A Di Đà, thủy đình đền Đô, chợ Tết... Để có được những bức tranh ấy, bà Oanh đến tận thực địa, chụp cảnh vật ở nhiều góc độ, rồi về nhìn vào đó để vẽ theo, mang lại sức sống mới cho dòng tranh dân gian Đông Hồ, đáp ứng được nhu cầu văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh phơi giấy dó, nguyên liệu sử dụng làm tranh Đông Hồ.
Đối với thể loại tranh dân gian Đông Hồ cổ xưa, những hình ảnh gần gũi, quen thuộc như: Đu quay, đánh ghen, hứng dừa, đám cưới chuột, thầy đồ cóc, chăn trâu thổi sáo... khi in tranh, bà Oanh vẫn giữ nguyên bản về kích thước, mẫu mã. Ngoài ra, bà Oanh còn sáng tác thêm nhiều mẫu tranh mới trên giấy điệp khổ lớn, để phục vụ nhu cầu của công chúng như: Tranh mã đáo thành công, vinh quy bái tổ, tứ quý hạc, tứ quý bình, tứ quý vịt sen...
Dưới bàn tay tài hoa và óc sáng tạo của mình, mỗi năm bà Oanh làm ra hàng nghìn bức tranh dân gian Đông Hồ với nhiều kích thước, chủ đề khác nhau, chuyển tải những ước mơ, khát vọng của người Việt Nam, thông qua ngôn ngữ nghệ thuật đặc sắc trên nền giấy dó, lấp lánh sắc điệp của tranh Đông Hồ.
Chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong suốt quãng đời làm tranh, bà Oanh tự hào kể: “Năm 2022, bức tranh “Vinh quy bái tổ” do tôi làm được lãnh đạo tỉnh lựa chọn làm quà tặng cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi về Bắc Ninh chúc Tết. Năm 2024, vợ chồng tôi vinh dự được đến Văn phòng Chính phủ giới thiệu kỹ thuật in tranh và hướng dẫn Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường làm tranh Đông Hồ nhân dịp Thủ tướng thăm chính thức Việt Nam”.
Mang “màu dân tộc” ra thế giới
Theo NNƯT Nguyễn Thị Oanh: “Tranh dân gian Đông Hồ là một dòng tranh lâu đời có giá trị nội dung và nghệ thuật độc đáo, mang nét đẹp mộc mạc, hoài cổ, có sức sống bền bỉ không chỉ đối với nhiều thế hệ người Việt Nam mà còn với cả du khách quốc tế”. Từ ý nghĩa đó, trong những năm qua, nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh luôn tích cực tham gia các hoạt động trình diễn, giới thiệu, quảng bá tranh và nghề làm tranh dân gian Đông Hồ tại các sự kiện quan trọng ở trong nước và quốc tế, tiêu biểu như: Hội nghị APEC năm 2006; sự kiện Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới IPU-132; Triển lãm Quốc tế các sản phẩm từ giấy của các nước ASEAN; tham dự Ngày Quốc gia Việt Nam tại Expo 2020 Dubai; giới thiệu nghề làm tranh dân gian Đông Hồ tại Lễ hội du lịch văn hóa Việt Nam tổ chức ở Thủ đô Seoul (Hàn Quốc)...
Ngoài ra, tranh của gia đình bà Oanh còn được quảng bá, triển lãm tại nhiều cuộc liên hoan, lễ hội lớn ở các nước như: Nhật Bản, Pháp, Đức, Ấn Độ, Cộng hòa Séc... Những bức tranh gà đàn, lợn đàn rực rỡ, phóng khoáng, tượng trưng cho sự may mắn, đại cát, thịnh vượng đã trở thành điểm nhấn ấn tượng, thu hút sự chú ý của đông đảo du khách quốc tế. Từ đó, danh tiếng tranh Đông Hồ của nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh được nhiều người biết đến. Trong dịp diễn ra Hội nghị APEC lần thứ 14 (tháng 11-2006), xưởng tranh của gia đình bà Oanh ở thôn Đông Khê được đón bà Hillary Clinton - Phu nhân Tổng thống Mỹ Bill Clinton đến tham quan. Bức tranh “Vinh hoa” của bà Oanh còn được lựa chọn để Chính phủ Việt Nam tặng Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, nhân dịp sang thăm chính thức Việt Nam vào tháng 11-2018.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh tặng tác giả bài viết bức tranh Đông Hồ “Vinh quy bái tổ”.
Khách quốc tế đến tham quan xưởng sản xuất tranh và phòng trưng bày tranh của gia đình đều được bà Oanh giới thiệu tỉ mỉ, chu đáo, đưa du khách từ trầm trồ đến ngưỡng mộ trước một dòng tranh dân gian đặc sắc, quý giá của người Việt Nam, không giống với bất kỳ nơi nào trên thế giới. Tại đây, du khách được trải nghiệm in tranh, tìm hiểu sâu hơn về phong tục tập quán, văn hóa truyền thống của người Việt Nam, thông qua nghệ thuật đặc sắc của dòng tranh dân gian Đông Hồ.
Tự hào khi được góp phần lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam ra thế giới, nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh tâm sự: “Thấy kiều bào ta ở nước ngoài và du khách quốc tế yêu thích, trân trọng những tờ tranh Đông Hồ, tôi cảm thấy rất tự hào và hạnh phúc, đó là nguồn động lực thôi thúc tôi tiếp tục gắn bó với nghề làm tranh”.
Giữ "lửa nghề" bằng cái tâm
Ngồi tâm sự với chúng tôi, nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh kể lại một kỷ niệm sâu sắc vào dịp đầu Xuân Nhâm Dần 2022, khi bà đang tham gia trưng bày, quảng bá tranh Đông Hồ ở Đền Đô. Rất vinh dự khi phòng tranh của bà được đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm và động viên: “Phải gìn giữ cho được nghề truyền thống của quê hương”. Lời căn dặn của Tổng Bí thư mãi là động lực để bà Oanh tiếp tục gắn bó, tâm huyết với nghề làm tranh dân gian Đông Hồ.
Hằng ngày, NNƯT Nguyễn Thị Oanh vẫn như con tằm rút ruột nhả tơ, miệt mài, cần mẫn với những công đoạn thủ công tỉ mỉ của nghề làm tranh dân gian Đông Hồ, từ việc sáng tác tranh mới, tạo ván khắc gỗ đến việc làm giấy điệp, in tranh. Bởi hơn ai hết, bà hiểu rằng nếu không có những người “giữ lửa”, tranh Đông Hồ sẽ dần bị lãng quên. Trước đây, thôn Đông Khê có 17 dòng họ làm tranh Đông Hồ, bây giờ chỉ còn hai dòng họ (Nguyễn Đăng và Nguyễn Hữu) với chỉ 3 gia đình. Dòng họ Nguyễn Đăng có một gia đình NNƯT Nguyễn Đăng Chế, dòng họ Nguyễn Hữu có hai gia đình: NNƯT Nguyễn Thị Oanh và NNƯT Nguyễn Hữu Quả (em trai chồng bà Oanh).
Mặc dù mấy năm trở lại đây, người dân trong làng giàu lên nhờ có thu nhập cao do chuyển đổi từ nghề làm tranh Đông Hồ sang làm hàng mã, nhưng gia đình bà Oanh vẫn chung thủy với nghề làm tranh. Hằng ngày, ngoài việc trực tiếp làm tranh, bà Oanh còn truyền dạy kinh nghiệm, bí quyết làm tranh cho cậu con trai và cô con dâu, để gìn giữ “lửa nghề” cho tranh Đông Hồ. Những lúc có khách đến tham quan phòng tranh, bà Oanh sẵn sàng giới thiệu, khi khách muốn trải nghiệm in tranh, bà nhiệt tình giúp đỡ, hướng dẫn tỉ mỉ từng công đoạn, hoàn toàn miễn phí.
Rời phòng tranh ra về, chúng tôi nhớ như in câu nói của NNƯT Nguyễn Thị Oanh: “Nghề làm tranh Đông Hồ vất vả, thu nhập chỉ đủ ăn, nhưng tôi vẫn làm vì đam mê, tâm huyết, cái chính là gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của cha ông truyền lại, để cho sắc màu dân tộc, tinh hoa văn hóa của đất nước và tâm hồn người Việt ngày càng tỏa sáng trên giấy điệp”.