Để cơ sở dữ liệu lao động trở thành hiện thực

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vừa diễn ra, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đã được các đại biểu thảo luận sôi nổi, nhất là về vấn đề cơ sở dữ liệu lao động - 'trái tim' của hệ thống thông tin thị trường lao động.

Cơ sở dữ liệu lao động là một công cụ đột phá để hiện đại hóa quản lý thị trường lao động

Cơ sở dữ liệu lao động là một công cụ đột phá để hiện đại hóa quản lý thị trường lao động

Cơ sở dữ liệu lao động – nhu cầu thời đại

Trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi số theo Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, cơ sở dữ liệu lao động có thể là một công cụ đột phá để hiện đại hóa quản lý thị trường lao động.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Lê Văn Thanh khẳng định, cơ sở dữ liệu này được kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư và các cơ sở dữ liệu khác, đảm bảo vừa an ninh, an toàn để đưa vào tốt hơn. Với sự đồng bộ này, hệ thống không chỉ giúp hoạch định chính sách vĩ mô, mà còn hỗ trợ kết nối cung – cầu lao động một cách chính xác, giảm thiểu tình trạng thiếu hụt hay dư thừa nhân lực cục bộ. Hơn nữa, khi tích hợp công nghệ tiên tiến như AI và dữ liệu lớn, dữ liệu lao động có thể trở thành “tư liệu sản xuất chính,” như tinh thần Nghị quyết 57, mở ra cơ hội cho một thị trường lao động hiện đại, cạnh tranh.

Dù mang nhiều kỳ vọng, cơ sở dữ liệu lao động cũng đối mặt với những thách thức không nhỏ, khiến nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại về tính khả thi.

Đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) chỉ ra một lỗ hổng lớn: “Hạ tầng số của thị trường lao động chưa được phát huy thành lợi thế cạnh tranh. Dự thảo thiên về xây dựng hệ thống tập trung do Nhà nước quản lý, chưa kết nối với các nền tảng việc làm tư nhân nơi có dữ liệu phong phú về cung cầu lao động”. Nhấn mạnh sự thiếu vắng một “hệ sinh thái mở,” ông cho rằng nếu không tận dụng sức mạnh của khu vực tư nhân, hệ thống sẽ khó đạt hiệu quả tối ưu trong việc phản ánh thực trạng thị trường.

Trong khi đó, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) bổ sung thêm những rủi ro kỹ thuật. “Dự thảo luật nên làm rõ các tiêu chuẩn kỹ thuật khi kết nối, tránh tình trạng dữ liệu rời rạc, không đồng bộ. Đồng thời bổ sung cơ chế giám sát, kiểm định chất lượng dữ liệu và bảo đảm tính bảo mật của dữ liệu cá nhân”, ông kiến nghị.

Lời cảnh báo này không phải không có cơ sở. Một hệ thống với hàng chục triệu hồ sơ lao động đòi hỏi kinh phí khổng lồ cho hạ tầng công nghệ, chưa kể nguy cơ rò rỉ thông tin cá nhân nếu không có quy định bảo mật chặt chẽ. Thực tế, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cũng lưu ý cần tránh lãng phí, làm giàu và khai thác tối đa tiềm năng của dữ liệu.

Trong phần giải trình, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cũng thừa nhận sự phức tạp của vấn đề khi cho biết, sẽ tiếp tục nghiên cứu để làm sao việc tiếp cận thông tin dễ dàng hơn và chia sẻ thông tin thuận lợi hơn. Ông cũng không phủ nhận thách thức trong việc kiểm soát chất lượng và tránh trục lợi, đặc biệt khi liên quan đến lao động phi chính thức - nhóm chiếm tỷ lệ lớn trong thị trường Việt Nam.

Những băn khoăn này cho thấy, dù ý tưởng xây dựng cơ sở dữ liệu lao động là một bước tiến, việc hiện thực hóa nó đòi hỏi vượt qua nhiều rào cản về nguồn lực và quản lý.

Giải pháp nào?

Các đại biểu cũng chỉ ra, hiện các nước phát triển như Nhật Bản hay Hàn Quốc đều sở hữu hệ thống thông tin lao động linh hoạt, minh bạch, kết nối chặt chẽ giữa khu vực công và tư. Trong khi đó, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) của Việt Nam dường như vẫn nghiêng về mô hình tập trung do Nhà nước quản lý, chưa tận dụng hết tiềm năng từ các nền tảng tư nhân - nơi nắm giữ dữ liệu “sống” về nhu cầu tuyển dụng và kỹ năng lao động.

Vì vậy đại biểu Trần Văn Khải gợi ý, cần bổ sung nguyên tắc mở dữ liệu tại Điều 23 hoặc 25, khuyến khích các nền tảng việc làm tư nhân kết nối, chia sẻ dữ liệu với hệ thống quốc gia. Đại biểu Thạch Phước Bình cũng đề xuất, công khai dữ liệu theo từng khu vực, ngành nghề, trình độ kỹ năng, mức lương trung bình để người lao động có cơ sở tìm việc làm phù hợp.

Những ý tưởng này mở ra hướng đi mới: một hệ sinh thái số thông suốt, nơi khu vực công và tư cùng hợp sức, biến dữ liệu lao động thành công cụ thực tiễn thay vì chỉ là kho lưu trữ khổng lồ.

Trước những ý kiến này, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cam kết sẽ bổ sung các danh mục để kết hợp khai thác dễ dàng hơn, đảm bảo chuyển đổi số như Nghị quyết 57. Ông nhấn mạnh mục tiêu: “Tất cả thông tin của lao động lên đây để nhà tuyển dụng dễ dàng khai thác, người lao động dễ dàng tìm kiếm việc làm”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, trong phần kết luận, cũng định hướng rõ khi đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra, soạn thảo tiếp tục phối hợp để nghiên cứu, tiếp thu ý kiến, hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9. Bà nhấn mạnh yêu cầu xây dựng một hệ thống “hiện đại, đồng bộ, an ninh, an toàn”, đồng thời kêu gọi quan tâm đến phát triển kỹ năng nghề trong kỷ nguyên số – một yếu tố liên quan chặt chẽ đến dữ liệu lao động.

Các chuyên gia cho rằng, cơ sở dữ liệu lao động, nếu được đầu tư đúng mức về hạ tầng số, quy định bảo mật rõ ràng và cơ chế kết nối công - tư, có thể trở thành “bước tiến” lớn cho thị trường lao động Việt Nam. Nhưng nếu chỉ dừng ở tham vọng mà thiếu hành động cụ thể, nó sẽ mãi là “thách thức” khó vượt qua.

Trong kỷ nguyên chuyển đổi số, cơ sở dữ liệu lao động không chỉ là một công cụ kỹ thuật, mà còn là nền tảng để Việt Nam xây dựng một thị trường lao động thông minh, năng động. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đã nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề này khi đề nghị các vị đại biểu tiếp tục cho ý kiến để xây dựng cơ sở dữ liệu về lao động đáp ứng yêu cầu hiện đại, đồng bộ, an ninh, an toàn, hiệu quả, tránh lãng phí, khai thác tối đa tiềm năng của dữ liệu theo tinh thần Nghị quyết 57. Lời kêu gọi này phản ánh một thực tế cấp thiết: Với 53 triệu lao động, trong đó 18 triệu người đóng bảo hiểm xã hội và hàng triệu lao động phi chính thức, Việt Nam cần một hệ thống thông tin thống nhất để quản lý, dự báo và kết nối cung - cầu lao động.

Trần Hương

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/de-c-o-so-du-lieu-lao-dong-tro-thanh-hien-thuc-161945.html