Để công nghiệp văn hóa Hà Nội phát triển xứng tầm...
Sở hữu nhiều tài nguyên di sản văn hóa, thiên nhiên, kiến trúc... Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong phát triển công nghiệp văn hóa, tuy nhiên kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng. Luật Thủ đô (sửa đổi) - khi Quốc hội thông qua - được kỳ vọng sẽ tạo thêm cơ chế, chính sách để công nghiệp văn hóa Hà Nội phát triển xứng tầm, chuyên nghiệp và hiệu quả.
Biến tiềm năng thành động lực phát triển
Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 diễn ra từ ngày 17 đến 26-11, đang tạo sức hút lớn với công chúng. Lần đầu tiên, tháp nước Hàng Đậu tưởng như đã “ngủ quên”, di sản công nghiệp nhà máy Xe lửa Gia Lâm, đầu máy hơi nước Tự Lực… được khoác “áo mới”, trở nên hấp dẫn và lôi cuốn.
Theo Giáo sư, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính, khái niệm di sản công nghiệp còn khá mới mẻ, thậm chí chưa được đưa vào trong văn bản pháp quy như Luật Di sản. Để sử dụng những di sản công nghiệp này một cách hiệu quả, nên có cơ chế cho loại hình này.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đề xuất những định hướng mang tính chiến lược cho phát triển công nghiệp văn hóa, hy vọng sẽ tạo thêm hành lang để Hà Nội có thế tái thiết được những không gian văn hóa sáng tạo mới từ "khối di sản cũ".
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, với số lượng di sản văn hóa đồ sộ, đồng thời lại là nơi tập trung đông đảo giới nghệ sĩ, nhà sáng tạo; hội tụ số lượng lớn thiết chế văn hóa là các nhà hát, bảo tàng, rạp chiếu phim… Hà Nội đang có nguồn lực lớn để phát triển công nghiệp văn hóa.
Mặc dù đạt nhiều kết quả, nhưng theo các chuyên gia, phát triển công nghiệp văn hóa ở Thủ đô vẫn chưa xứng với tiềm năng.
Từ góc nhìn khác nhưng gắn với điểm chung là mong muốn phát triển công nghiệp văn hóa, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng: Lượng khách đến Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng vẫn thấp so với các nước trong khu vực. Nhiều sự kiện quốc tế tổ chức tại Hà Nội thời gian qua như chương trình biểu diễn của nhóm nhạc Black Pink, chương trình âm nhạc Gió mùa… bước đầu tạo sức hút, nhưng để Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung trở thành trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế, phải có thêm những điều kiện về hạ tầng đủ tiêu chuẩn quốc tế, nguồn nhân lực chất lượng, cơ chế quản lý phù hợp.
Kỳ vọng mới
Xác định văn hóa là động lực phát triển kinh tế - xã hội, thành phố Hà Nội luôn quan tâm phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Hà Nội cũng là địa phương duy nhất xây dựng nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa, đó là Nghị quyết 09-NQ/TU Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch số 102/KH-UBND ngày 1-4-2022 về Triển khai các sáng kiến tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO đến năm 2025, Nghị quyết số 23/2022/NQ-HĐND ngày 8-12-2022 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định chế độ đãi ngộ, hỗ trợ đối với Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú…
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, bên cạnh việc ban hành các Nghị quyết, kế hoạch để đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) với nhiều nội dung mang tính đột phá đang được kỳ vọng sẽ tạo thêm "nguồn lực thể chế" để Hà Nội phát triển công nghiệp văn hóa xứng tầm.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đặt mục tiêu xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, tạo lập môi trường văn hóa văn minh, thanh lịch, tiêu biểu cho bản sắc văn hóa dân tộc và truyền thống ngàn năm văn hiến. Tại Điều 23 trong Dự thảo đang lấy ý kiến, có các quy định cho các khu vực phát triển văn hóa cho Thủ đô; ưu đãi các dự án đầu tư mới vào các ngành điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, du lịch văn hóa. Dự thảo cũng có các quy định đặc thù như thành lập Quỹ Bảo tồn di sản và phát triển văn hóa Thủ đô.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, cho rằng, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có nhiều quy định mang tính đột phá, tạo cơ hội phát triển xứng tầm cho Hà Nội cũng như góp phần thúc đẩy liên kết và phát triển Vùng Thủ đô.
Còn theo kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ tạo thêm cơ chế để Hà Nội phát huy hiệu quả nguồn lực hiện có về di sản, tài nguyên thiên nhiên, con người - đó là những nghệ nhân, nghệ sĩ - kích thích sự sáng tạo, đổi mới...
“Thành phố Hà Nội được UNESCO công nhận là “Thành phố sáng tạo” trong lĩnh vực thiết kế, đó là động lực để Hà Nội phát huy vai trò sáng tạo trong nhiều lĩnh vực. Thiết kế luôn có mặt ở kiến trúc, thời trang, mỹ thuật, âm nhạc... Để làm được điều đó, Hà Nội cần có các không gian, cơ chế, chính sách phù hợp để kích thích, lan tỏa sự sáng tạo, từ đó góp phần phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô. Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có nhiều quy định bám sát thực tiễn đời sống văn hóa, hy vọng sẽ tạo thêm nguồn lực để công nghiệp văn hóa Hà Nội phát triển xứng tầm trong thời gian tới”, Giáo sư, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính bày tỏ.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/de-cong-nghiep-van-hoa-ha-noi-phat-trien-xung-tam-649080.html